Kinh tế xã hội

Trả lời thấu đáo, trách nhiệm với tâm tư, nguyện vọng cử tri

09:05, 23/07/2020 (GMT+7)

(Congannghean.vn)-Thực hiện ý kiến, kiến nghị chính đáng của cử tri và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân vừa là hiện thực hóa quyền làm chủ thực sự của cử tri thông qua người đại diện của mình, vừa là trách nhiệm của các đại biểu dân cử tỉnh trước cử tri. Thực tiễn cho thấy, trước, trong và sau mỗi kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh Nghệ An đều tận tâm, trách nhiệm trong trả lời và giải quyết tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân tỉnh nhà.

Phản ánh đa chiều, mọi mặt đời sống

Trong 6 tháng đầu năm 2020, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân. Với Nghệ An, người dân làm nông nghiệp vẫn chiếm đa số, sản xuất nông nghiệp chiếm vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế và quyết định đến an toàn, an ninh lương thực. Trước ảnh hưởng dịch bệnh, nhiều cử tri mong muốn các cấp tập trung và đẩy nhanh tiến độ thực hiện hỗ trợ người dân.

Theo đó, cử tri các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên và Kỳ Sơn đề nghị UBND tỉnh cấp kinh phí để huyện sớm chi trả hỗ trợ cho người bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi và có kế hoạch để tái đàn sau dịch. Trả lời vấn đề này, UBND tỉnh cho biết: Từ 12/3 đến 31/12/2019, chính sách hỗ trợ lợn bị dịch tiêu hủy được áp dụng theo Quyết định 793 ngày 27/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ và các quyết định của UBND tỉnh. UBND tỉnh đã có quyết định hỗ trợ tổng số tiền 107.659.797.100 đồng. Trong đó, tỉ lệ đã chi trả so với tổng phải hỗ trợ cho các huyện Quỳnh Lưu, Hưng Nguyên, Kỳ Sơn đạt trên 50% trở lên. UBND tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện hoàn chỉnh các thủ tục, hồ sơ đúng quy định để hỗ trợ kịp thời cho nhân dân. Đối với lợn bị dịch tả lợn châu Phi tiêu hủy từ ngày 1/1/2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ tiếp theo. Khi có quyết định của Chính phủ, UBND tỉnh sẽ ban hành quyết định hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch. Riêng về công tác tái đàn, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi đã có Công văn số 13 ngày 19/12/2019 về việc tái đàn trong chăn nuôi lợn, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể cho các địa phương tái đàn trong chăn nuôi lợn.

Mong muốn sớm được hỗ trợ trong trồng trọt, chăn nuôi cũng được cử tri huyện Đô Lương, Tân Kỳ gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII. Trên thực tế, thời gian qua, việc cấp kinh phí hỗ trợ thiên tai dịch bệnh chậm là do nguồn hỗ trợ cho các huyện, thành, thị quá lớn trong khi đó ngân sách tỉnh còn khó khăn nên phải chờ nguồn hỗ trợ từ Trung ương. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ cân đối ngân sách để sớm cấp ứng kinh phí cho người dân khắc phục thiên tai kịp thời, hiệu quả.

Vấn đề tài nguyên môi trường tiếp tục được cử tri quan tâm và phản ánh. Cử tri TP Vinh phản ánh, hiện nay Nhà máy bia Sài Sòn tại phường Trường Thi đã có quan trắc môi trường tự động nhưng thực tế ô nhiễm về bụi than và mùi hôi vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sông nhân dân khu vực xung quanh nhà máy. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo giải pháp khắc phục, đồng thời có phương án di dời nhà máy và các cơ sở gây ô nhiễm khác trong thành phố ra khu vực ngoại thành.

Về vấn đề này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra xử lý. Ngày 9/1/2020, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với UBND TP Vinh, UBND phường Trường Thi và Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh tiến hành làm việc để kiểm tra, xác minh nêu trên là có cơ sở. Nguyên nhân là do Công ty CP Bia Sài Gòn - Nghệ Tĩnh tiến hành  nạo vét, duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo định kỳ hoặc khởi động lại lò hơi nên có phát sinh mùi hôi và bụi than. Tuy nhiên, việc phát sinh này không thường xuyên. Trong thời gian tới, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường của Công ty theo đúng quy định.

Tập trung vấn đề quản lý dự án đô thị và điện lực

Đây là hai trọng tâm phản ánh mà cử tri gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh trong thời gian qua. Từ công tác quản lý chất lượng công trình chung cư cao tầng, quản lý hành chính khu chung cư, công tác PCCC, việc xử lý các vướng mắc đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất đến việc xuống cấp của hạ tầng lưới điện nhiều nơi gây mất an toàn đến tình trạng điện sinh hoạt yếu, giá bán điện còn nhiều bất cập ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân.

TP Vinh là trung tâm kinh tế - văn hóa – xã hội của tỉnh Nghệ An. Vấn đề quản lý đô thị gắn với nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng từ lâu đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của cử tri và người dân. Rất nhiều cử tri thành phố đề nghị UBND tỉnh rà soát những dự án quy hoạch đã được phê duyệt nhiều năm nhưng không thực hiện thì hủy bỏ, để đảm bảo sự công bằng cho người dân trong vùng quy hoạch và vùng không quy hoạch. Đồng thời, chống lãng phí, đầu cơ trục lợi đẩy giá đất lên rất cao, chống thất thu thuế, ô nhiễm môi trường. Tỉnh nên nghiên cứu quy định thời gian bao nhiêu năm không sử dụng thì thu hồi bổ sung vào công quỹ Nhà nước hoặc cho những người có nhu cầu thực sự  đấu giá để sử dụng.

Nhiều kiến nghị của cử tri được gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII
Nhiều kiến nghị của cử tri được gửi đến các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVII

Liên quan đến công tác quản lý đất đai, quy hoạch, tiến độ thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn, từ năm 2012 đến năm 2019, UBND tỉnh đã thành lập 8 Đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành 579 lượt kiểm tra đối với 455 dự án, chiếm 36,4% số lượng dự án toàn tỉnh. Đến thời điểm hiện nay, số dự án đã bị thu hồi, chấm dứt hoạt động trên địa bàn là 166 dự án. Riêng năm 2019, tỉnh đã chấm dứt hoạt động 17 dự án. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang rà soát tổng hợp để trình UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành năm 2020 kiểm tra các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh, trong đó có TP Vinh. Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở Kế hoạch và Đầu tư tập trung rà soát các dự án trên địa bàn TP Vinh, các TX Thái Hòa, Cửa Lò, Hoàng Mai và các huyện đồng bằng dọc các tuyến Quốc lộ đã được giao đất quá 12 tháng chưa được giao đất, cho thuê đất, tham mưu UBND tỉnh đôn đốc, xử lý. Hiện nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp tham mưu, UBND tỉnh đã chỉ đạo kiểm tra và xử lý trong thời gian sớm nhất.

Liên quan đến vấn đề điện lực, nhiều cử tri trên địa bàn tỉnh đề nghị các cấp, ngành đầu tư, nâng cấp, sửa chữa hệ thống lưới điện bị xuống cấp, đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn trả vốn đầu tư lưới điện hạ áp nông thôn. Riêng cử tri TP Vinh đề nghị ngành Điện lực rà soát, có giải pháp di chuyển hoặc hạ ngầm các cột điện, đường dây gây cản trở giao thông, ảnh hưởng sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn TP Vinh; chỉ đạo điện lực các huyện, thị lân cận phối hợp lắp đặt bổ sung, dắm trạm biến áp để đảm bảo nguồn điện của nhân dân sinh hoạt. Trả lời kiến nghị cử tri, UBND TP Vinh cho biết, việc di chuyển hoặc hạ ngầm các cột điện và đường dây cản trở giao thông đã được UBND thành phố phối hợp với điện lực TP Vinh khảo sát. Nguyên nhân do các dự án mở đường giao thông không di dời cột điện dẫn đến vi phạm hành lang an toàn đường điện. Tổng giá trị di dời toàn bộ khối lượng khoảng 20 tỉ đồng, hiện đã lập dự án và thực hiện hoàn thành đợt 1 với gần 5 tỉ đồng, phần còn lại UBND TP Vinh đang tiếp tục bố trí vốn để thực hiện. Việc dắm trạm đảm bảo cấp điện vùng giáp ranh TP Vinh, trong quý I đã dắm thêm 5 trạm, hiện tại chất lượng điện cơ bản ổn định phục vụ nhân dân.

Để giải quyết thấu đáo nguyện vọng của cử tri, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh khóa XVII,  tại phiên chất vấn, hai lãnh đạo của ngành Xây dựng và Công thương Nghệ An sẽ trả lời những câu hỏi, kiến nghị của các đại biểu HĐND tỉnh và cử tri.

TUỆ TRANG

Các tin khác