Kinh tế xã hội
Đồng hành, hỗ trợ cùng doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn
10:31, 19/07/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-COVID-19 là một thử thách lớn với các địa phương và doanh nghiệp, người dân. Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, chính quyền và các ngành Nghệ An đã tập trung đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bằng nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể.
Cục Thuế Nghệ An đối thoại để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp |
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 và Nghị quyết 42 về việc gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất. Ngay sau khi văn bản được ban hành, Cục Thuế Nghệ An đã triển khai kịp thời, hiệu quả, công khai đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó, một mặt là tuyên truyền, phổ biến đến người dân, doanh nghiệp để Nghị định 41 và Nghị quyết 42 được lan tỏa rộng rãi. Mặt khác, các phòng và Chi cục chủ động tham mưu, quy định rõ trách nhiệm của các sở, ngành liên quan, xác định thời điểm ngừng nghỉ để hỗ trợ. Theo đó, tính đến ngày 30/6, về thực hiện Nghị định 41, Cục Thuế Nghệ An đã nhận được Giấy gia hạn của 1.709 doanh nghiệp, số tiền thuế được gia hạn là 597 tỉ đồng. Còn về Nghị quyết 42, Cục Thuế Nghệ An đã nhận được giấy đề nghị xác nhận hỗ trợ của 664 hộ, qua thẩm định, có 603 hộ thuộc diện đối tượng được hỗ trợ. Thông qua việc gian hạn thuế đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, đẩy mạnh sản xuất trong tình hình mới.
Cùng với hỗ trợ doanh nghiệp, với người dân, Nghệ An cũng đang tập trung triển khai quyết liệt, công khai và minh bạch để đồng hành cùng người dân vượt qua đại dịch. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành văn bản yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND các huyện, thành phố, thị xã về việc đôn đốc thực hiện Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thành tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 05 về việc đôn đốc hoàn thành tiến độ triển khai Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã tập trung chỉ đạo làm tốt việc rà soát, kiểm tra, giám sát việc chi trả chế độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại địa phương; có biện pháp định hướng dư luận và ổn định tình hình ANTT; rút kinh nghiệm những vấn đề tồn tại tại một số ít địa phương vừa qua để xảy ra tình trạng rà soát không kỹ dẫn đến trùng lặp đối tượng, chi trả cho đối tượng đã chết, hoặc chưa thẩm định chặt chẽ năng lực tài chính của doanh nghiệp đề xuất hỗ trợ cho nhóm đối tượng người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương trong các doanh nghiệp… Nghiêm cấm việc thu tiền của người được hỗ trợ hoặc vận động người được hỗ trợ không nhận hỗ trợ; xử lý nghiêm các vi phạm.
Cùng với đó, UBND các huyện, thành, thị chỉ đạo các phòng chuyên môn, cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu kỹ Nghị quyết 42 và Quyết định 15 của Thủ tướng Chính phủ, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của các sở, ngành và nội dung đã được giải đáp tại Cổng thông tin đường dây nóng Tổng đài 111 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thiết lập để hướng dẫn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thực hiện nhanh chóng, đúng đối tượng; không hỗ trợ các đối tượng khác ngoài các nhóm đối tượng đã được quy định tại Quyết định số 15; khẩn trương hoàn thành việc rà soát, thẩm định, lập danh sách và gửi hồ sơ đề nghị hỗ trợ cho các nhóm đối tượng còn lại. Đồng thời, thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo tiến độ thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 tại địa phương gửi về Sở LĐ-TB&XH.
Tại văn bản này, UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở LĐ-TB&XH báo cáo cụ thể tình hình triển khai chi trả kinh phí hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo. Cùng với đó, báo cáo tình hình triển khai các nhóm hỗ trợ còn lại: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ hộ kinh doanh; hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm; hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động. Đồng thời, đôn đốc, theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện của các đơn vị, địa phương, báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh.
TUỆ TRANG