Kinh tế xã hội
Khúc hoan ca sau muôn trùng sóng gió
Giữa những điều kỳ diệu của đất nước xen lẫn điều kỳ dị của đất trời, sử Việt mở ra trang mới viết cho thời kỳ mà theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, “chưa bao giờ chúng ta có được cơ đồ như ngày nay”.
Thành công vang dội, thần kỳ, kỳ tích, kỳ diệu, tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng… là những cụm từ vang lên ở Diễn đàn Quốc hội Kỳ họp thứ 9.
Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) phát biểu, “đó đều là những lời khen có “cánh” nhưng rất đúng, trúng của các đại biểu và cũng là lòng dân trân trọng dành cho Chính phủ, cho cả hệ thống chính trị”.
Để có được khúc hoan ca, đất nước vừa phải vượt qua muôn trùng sóng gió. 4 năm tưởng như dài bằng cả thập kỷ khi năm nào cũng có những diễn biến không chỉ kỳ lạ mà thậm chí còn là kỳ dị nối đuôi nhau, đặc biệt là trong thời điểm mở đầu và thời điểm áp chót nhiệm kỳ, năm 2016 và năm 2020, như để thử thách bản lĩnh của những người lãnh đạo đất nước.
Là Bộ trưởng ở lĩnh vực nhất cử nhất động đều phải “trông trời, trông đất, trông mây/ trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường thấy đếm không xuể về những điều chưa từng xảy ra.
Năm 2016, băng giá bất thường tháng 1, hạn hán, xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây bất thường “leo thang” từ tháng 3 với mức độ khốc liệt nhất trong vòng 100 năm, mưa lũ lớn bất thường và kéo dài trên diện rộng với cường độ cực đoan từ giữa tháng 10 đến tháng 12. Vào tháng 7, đúng ngày Chính phủ khóa mới ra mắt, bão số 1, bão số 2 chen chân tàn phá miền Bắc…
Năm 2020, Bộ trưởng Cường kinh ngạc, chưa bao giờ đêm 30 Tết mà lượng mưa lên đến 120-140 mm tại Thủ đô. Chưa bao giờ mùng một Tết đồng loạt mưa đá dữ dội tại 7 tỉnh tới mức 12.000 ngôi nhà tốc mái và từ đó đến nay là 117 trận lốc xoáy, mưa đá, trong đó có 34 trận mưa đá diễn ra khắp 42 tỉnh, thành phố. Chưa năm nào 3 miền Bắc, Trung, Nam sản xuất vụ Xuân đều gặp hạn…
Cùng lúc, hạn mặn lịch sử ở đồng bằng sông Cửu Long đã vượt hơn cả năm 2016; dịch tả lợn châu Phi khởi phát cuối năm 2018 kéo dài đến nay chưa kịp lui thì đại dịch COVID-19 đã ập đến…
Đâu đó ở dân gian có những lời thì thầm về diễn biến dị thường như vậy liên quan đến “giặc” tham nhũng. 4 năm qua, nhiều “mẻ cá lớn” đã sa lưới, trong khi trước đó họ đều là những kẻ có quyền, có tiền, vung tay hối lộ cả quỷ, thần; nên khi các quan tham bị đụng đến thì… quỷ thần làm ra các cơn gió bụi.
Ngay đâu đó ở chốn quan trường cũng lao xao, “chống tham nhũng mạnh quá có thể làm chậm quá trình phát triển của đất nước”, khiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần phải ra tuyên bố đanh thép, “ai nhụt chí thì đứng sang một bên”.
Từng lẩy hai câu Kiều, “nghĩ mình phận mỏng cánh chuồn/ khuôn xanh biết có vuông tròn mà hay” trong ngày được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch Quốc hội vào 14 năm trước, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có niềm tin Trời đất luôn đứng về phía Nhân dân, mà đòi hỏi cao nhất của Nhân dân lúc này chính là phải đẩy lùi giặc tham nhũng.
Vì thế, không chút do dự, không chút e dè, ông lãnh đạo cuộc chiến chống tham nhũng với một tinh thần không khoan nhượng, bất kể có những thời khắc sức khỏe bản thân không được tốt, như ông nói, “tuổi tác của tôi đã cao, mà như Bác Hồ nói, tuổi cao thì sức khỏe thấp”.
Người đứng đầu Đảng, Nhà nước đã đúng khi có niềm tin Trời đất luôn đứng về phía Nhân dân. Sau những diễn biến dị thường, không phải là mây mù u ám. Bức tranh đất nước sáng rực rỡ bởi những kết quả phi thường.
Trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) khái quát, “thành công của Việt Nam trong nhiệm kỳ qua đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng cầm quyền; khẳng định sự đổi mới và hoạt động hiệu quả của Quốc hội; khẳng định một Chính phủ hành động liêm chính, tận tâm phục vụ nhân dân đã và đang được chứng minh rõ nét trên nhiều lĩnh vực; được nhân dân tin tưởng, chung sức, chung lòng và được cộng đồng quốc tế luôn ủng hộ, tín nhiệm cao”.
Trời đất đứng về phía Nhân dân, chỉ nhìn ở lĩnh vực nông nghiệp thôi cũng có thể thấy điều này tuyệt đối đúng.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Quốc hội, chưa năm nào 3 miền Bắc, Trung, Nam sản xuất vụ Xuân đều gặp hạn như năm nay, nhưng tất cả vụ Xuân từ Bắc, Trung, Nam đã thu hoạch xong 3 triệu hecta, năng suất bình quân khoảng 60 tạ và tổng sản lượng 20,5 triệu tấn lương thực, cao nhất trong mấy năm gần đây.
Đáng chú ý, không chỉ được mùa mà còn được giá. Hết 5 tháng xuất khẩu gạo Việt Nam đã đạt 3 triệu tấn, tăng 5,5% về lượng và tăng 19% về giá trị, thu về 1,42 tỷ USD.
Nhìn rộng ra cả nền kinh tế, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đánh giá, nếu như kết quả của các năm trước là về đích một cách ngoạn mục thì những kết quả đạt được trong đầu năm 2020 phải được coi là một kỳ tích.
Trong khi kinh tế thế giới đang suy giảm ở mức độ nặng nhất sau gần 150 năm kể từ khi đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1929-1933; nhiều nền kinh tế lớn đang tăng trưởng âm tới 56%; với độ mở trên 200% , kinh tế Việt Nam lẽ ra bị ảnh hưởng, biến động gấp đôi kinh tế thế giới. Thế nhưng, Việt Nam vẫn nổi lên là quốc gia dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng kinh tế trên toàn cầu.
Cũng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin Trời đất luôn đứng về phía Nhân dân.
Theo Thủ tướng, những diễn biến dị thường, kỳ lạ chỉ như là sự thách thức bản lĩnh của Chính phủ, có nhụt chí, lùi bước trong điều hành phát triển đất nước hay không; có thực chất, thực tâm trong đối đãi với Nhân dân hay không.
Một ví dụ nhỏ về thực chất, thực tâm trong đối đãi với Nhân dân. Nghị trường những ngày qua dù vẫn có ý kiến chưa hài lòng về giá thịt lợn chỉ giảm trên… ti vi, nhưng đại biểu đánh giá cao một loại giá khác vốn bất trị hơn nhiều đã được Chính phủ “thuần phục”.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nêu, “một số lĩnh vực tạo được niềm tin vào dấu ấn trong lòng dân như ngành điện lực đã giảm giá điện cho toàn dân và doanh nghiệp, đặc biệt là ổn định nhu cầu điện trong mùa hè nóng nực hiện nay”.
Giá điện là một câu chuyện khá gay cấn. Một năm trước, đại biểu Quốc hội một phen sôi sục khi đọc báo cáo của Bộ trưởng Công Thương về công tác điều hành giá điện và họ đều thấy quá sức chịu đựng với sự “làm mình làm mẩy” không cho tăng giá thì sẽ cắt điện của ngành này.
Không bao che, Thủ tướng gay gắt, “sao cứ đe dọa cắt điện dịp này, dịp khác? Bộ Công Thương, EVN, trách nhiệm để đâu mà tuyên bố như vậy?" và đồng thời ra thông điệp, “nếu như mất điện, một số người sẽ mất chức. “Anh” nào cắt điện, cách chức “anh” đó luôn”.
Sau rất nhiều chỉ đạo gay gắt của Thủ tướng, hiệu quả thấy ngay là tình hình cung ứng điện đã được cải thiện rất rõ. Kết quả cả năm 2019, tổng thời gian mất điện của khách hàng bình quân giảm 11% so với năm 2018. Đầu năm 2020, không cần đợi Chính phủ nhắc, EVN tự nguyện giảm giá điện để góp phần chia sẻ khó khăn với người dân lúc dịch bệnh.
Có thể kể ra rất nhiều câu chuyện trong thực tâm thực chất đối đãi với Nhân dân, từ câu chuyện lớn là chống tham nhũng theo đòi hỏi của Nhân dân đến câu chuyện khác là giá điện.
Chắc chắn rằng dù lớn, dù nhỏ, các câu chuyện này đều đi vào trang sử nước nhà thời kỳ của những điều “chưa bao giờ”.
Cơ đồ đất nước có được cũng từ những câu chuyện như vậy.
Dẫu là vô cùng vất vả gian lao cho những người điều hành đất nước khi liên tục phải đối mặt với những diễn biến kỳ lạ, kỳ dị của đất trời nhưng như câu Kiều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng dẫn lại khi nói về công tác cán bộ, “anh hùng đoán giữa trần ai mới già”.
Nguồn:Lê Châu/Chinhphu.vn