Kinh tế xã hội

Quyết tâm thực hiện đầy đủ nội dung về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

07:50, 21/07/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính (ĐVHC) các cấp là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở bám sát kế hoạch, chỉ đạo của cấp trên và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, với lộ trình và bước đi phù hợp, Nghệ An quyết tâm thực hiện đầy đủ các nội dung liên quan đến công tác sắp xếp ĐVHC cấp xã.

Sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã  góp phần phục vụ người dân tốt hơn
Sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã góp phần phục vụ người dân tốt hơn
 
Trước khi sắp xếp, tỉnh có 480 ĐVHC cấp xã, trong đó chỉ có 50 ĐVHC đạt cả 2 tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số. Thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, tỉnh tiến hành sáp nhập 39 ĐVHC của 9 huyện, thị xã; sau sáp nhập hình thành 19 ĐVHC cấp xã, giảm 20 ĐVHC cấp xã.  Như vậy, từ 480 xã, phường, thị trấn, Nghệ An còn 460 xã, phường, thị trấn. Về số lượng xóm, khối là 5.884, thực hiện sáp nhập 3.886, hình thành 1.804, giảm được 2.082 xóm, khối; số khối, xóm hiện có sau sáp nhập là 3.804 (có 2 khối thành lập mới). Trên thực tế, việc hợp nhất ĐVHC cấp xã không chỉ nâng cao hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính, tiết kiệm chi ngân sách mà còn tạo điều kiện tập trung được các nguồn lực, nhất là trong việc đầu tư hạ tầng, tránh dàn trải, đồng thời tạo sự mở rộng về không gian để quy hoạch, phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương…
 
Về công tác sắp xếp, bố trí tổ chức bộ máy, tổ chức chính quyền địa phương và tổ chức đơn vị sự nghiệp trường học, trạm y tế trên địa bàn tỉnh cũng được thực hiện bài bản theo quy định của Đảng, Nhà nước và điều lệ của các tổ chức đoàn thể chính trị. Hiện, tổng số cán bộ, công chức tại 16 ĐVHC thuộc 9 ĐVHC cấp huyện thực hiện sắp xếp là 715 người. Số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 405 người. Trước mắt, tỉnh đã bố trí ngay tại 16 ĐVHC cấp xã mới là 310 cán bộ, công chức. Số vượt so với quy định của Trung ương là 310/715 người. Theo đó, hướng sắp xếp, bố trí chậm nhất đến năm 2025 bố trí xong theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau sáp nhập, số cán bộ, công chức cấp xã dôi dư là 405 người, trong đó có 107 người đã nghỉ hưu đúng tuổi, chờ hưu, thôi việc, nghỉ hưu trước tuổi, luân chuyển sang ĐVHC cấp xã còn thiếu biên chế. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 298 cán bộ, công chức cấp xã dôi dư. Đối với những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, tại 16 xã có 459 người và đã bố trí, sắp xếp được 178 người. Hiện còn dôi dư 281 người, đến nay đã giải quyết nghỉ việc.
 
Việc sắp xếp lại các ĐVHC gắn với việc bố trí lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng phụ cấp từ ngân sách. Cũng như nhiều địa phương khác, trong quá trình thực hiện, Nghệ An gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc sắp xếp, sáp nhập các xã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý, tình cảm, quyền lợi của cán bộ tại các đơn vị tiến hành sáp nhập. Trong đó, việc bố trí lại công việc cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư do sáp nhập là vấn đề khó khăn nhất, nhất là đối với những trường hợp dôi dư mà không bố trí được công tác phù hợp.
 
Về phương án điều chuyển cán bộ dôi dư (từ cấp xã lên cấp huyện, từ cấp huyện lên cấp tỉnh hoặc từ ĐVHC cấp huyện này sang ĐVHC cấp huyện khác) còn phụ thuộc vào chỉ tiêu biên chế được giao, vị trí việc làm phù hợp. Trước nhiệm vụ đặt ra, căn cứ vào tình hình thực tiễn, với tinh thần quyết liệt, bài bản, tỉnh đã triển khai xây dựng lộ trình, đề ra phương án cụ thể, đồng thời huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn để thực hiện chủ trương lớn của Trung ương theo đúng tiến độ và đảm bảo hiệu quả, hợp lòng dân. Cùng với chính sách chung của Trung ương, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về cơ chế, chính sách riêng về hỗ trợ, động viên các cán bộ, công chức thuộc diện dôi dư trong quá trình thực hiện sắp xếp. Trong quá trình thực hiện sắp xếp, sự đồng thuận và thống nhất cao trong nhân dân và cán bộ, công chức được đánh giá là thành công bước đầu. Tính đến thời điểm này, tỉnh không có đơn thư khiếu kiện liên quan đến vấn đề này.
 
Liên quan đến việc thực hiện chủ trương này, đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Nghệ An sẽ thực hiện việc sắp xếp số cán bộ, công chức dôi dư theo lộ trình và định biên theo quy định. Đối với cán bộ, công chức dôi dư nhưng không đủ tiêu chuẩn để bố trí vị trí việc làm mới, tỉnh đang thực hiện chính sách bảo lưu chế độ và chuyển sang làm theo hình thức không chuyên trách hết nhiệm kỳ. Về các nhiệm vụ sau sáp nhập, tỉnh tiếp tục bám sát địa phương và cơ sở để giải quyết kịp thời những phát sinh trong công tác sắp xếp cán bộ, công chức cũng như việc thực hiện chế độ, chính sách, giải quyết thủ tục hành chính và công việc cho người dân, doanh nghiệp sau những ngày đầu chính quyền cấp xã mới đi vào hoạt động.

Hồng Hạnh

Các tin khác