Kinh tế xã hội

VEPR: Dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 3,8%

10:10, 22/07/2020 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý II và 6 tháng năm 2020, nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 lên 3,8% đối với kịch bản cơ sở (nhiều khả năng) và 2,2% với kịch bản bất lợi (ít khả năng).

PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR. Ảnh:VGP.
PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR. Ảnh:VGP.
Theo các chuyên gia đến từ VEPR, trong quý II/2020, dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là một trong số ít các quốc gia có tăng trưởng kinh tế dương trên thế giới, đạt 0,36%, trong khi CPI bình quân giảm do giá xăng dầu trong nước giảm mạnh.
 
Ông Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV - cho rằng, động lực chính mà kinh tế Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020 vượt qua bão dịch chính là lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến, chế tạo.
 
Chuyên gia của BIDV dẫn chứng mặc dù 6 tháng đầu năm nông nghiệp tăng 1,19%, mức này thấp hơn so với mức 3,9% so cùng kỳ năm ngoái, nhưng đóng góp gấp đôi mức tăng trưởng chung vào GDP, đóng góp 12%. Trong thời điểm dịch bệnh, thì đây là điểm sáng đáng quý, vừa đảm bảo an ninh lương thực, đóng góp tốt hơn vào tăng trưởng chung. Bên cạnh đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng tăng đáng kể, tăng 4,96%, trong đó ngành xây dựng là điểm sáng, tăng 4,5%, đóng góp 15% mức tăng trưởng chung.
 
Về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2020, các chuyên gia cho rằng, có những yếu tố có thể hỗ trợ cho tăng trưởng trong phần còn lại của năm, bao gồm kỳ vọng về triển vọng kinh tế do việc hoàn tất ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và EU (EVIPA) đem lại; tiến độ giải ngân và thi công các dự án đầu tư công trọng điểm. Bên cạnh đó, chi phí nguyên nhiên vật liệu được duy trì ở mức thấp do suy giảm nhu cầu tiêu thụ và sản xuất; làn sóng dịch chuyển đầu tư nhằm phân tán rủi ro từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và tận dụng các ưu đãi đầu tư tại Việt Nam; môi trường vĩ mô ổn định, lạm phát kiểm soát ở mức trung bình…
 
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cần sẵn sàng đối mặt với những thách thức trong môi trường kinh tế thế giới bất ổn với nguy cơ tái bùng phát của COVID-19 tại nhiều nước đi kèm với các biện pháp phong tỏa kéo dài thời gian đứt gãy chuỗi cung ứng…
 
Bên cạnh đó, điểm yếu của kinh tế Việt Nam còn đến từ các rủi ro nội tại như mất cân đối tài khóa lớn, tốc độ và mức độ đầu tư phát triển, đặc biệt là hạ tầng, bị chững lại; sức khỏe hệ thống ngân hàng - tài chính tuy dần được củng cố nhưng còn dễ tổn thương; sự phụ thuộc nặng nề của tăng trưởng vào khu vực FDI và thiếu tự chủ công nghệ và nguyên liệu; chất lượng lao động thấp; hiệu quả đầu tư công thấp và tình trạng nhũng nhiễu của bộ máy công quyền còn nặng nề; tiến trình cổ phần hóa của doanh nghiệp nhà nước bị ngưng trệ, môi trường và thể chế kinh doanh chất lượng còn thấp.
 
Sau khi cân đối các yếu tố tác động trái chiều, PGS.TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng VEPR đã đưa ra các kịch bản tăng trưởng.
 
Cụ thể, trường hợp thứ nhất, với kịch bản cơ sở (khả năng cao): Trong kịch bản này, bệnh dịch sẽ không tái phát trong nước trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế nội địa dần trở lại bình thường. Tuy nhiên, dịch COVID-19 ở nhiều trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới được giả định có một khả năng tái bùng phát hoặc chưa đủ tự tin khiến các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang nửa sau quý III/2020, ảnh hưởng đến nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam và nhu cầu du lịch, lưu trú tại Việt Nam.
 
Theo đó, mức độ tác động của COVID-19 lên các ngành nông, lâm, ngư nghiệp, sản xuất chế biến chế tạo và các ngành trong khu vực dịch vụ sẽ nghiêm trọng hơn. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 3,8%. Nhìn chung, tăng trưởng trong các ngành nghề sẽ khiêm tốn, trong đó các ngành bị ảnh hưởng nặng nhất bao gồm dịch vụ lưu trú, ăn uống, ngành khai khoáng và ngành kinh doanh bất động sản.
 
Trường hợp thứ hai, kịch bản bất lợi (khả năng thấp): Ở kịch bản này, bệnh dịch trong nước dù vẫn được khống chế hoàn toàn trong thời gian còn lại của năm và hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường. Tuy nhiên nếu dịch COVID-19 ở các trung tâm kinh tế - tài chính quan trọng trên thế giới tái bùng phát mạnh, các nước phải kéo dài thời gian phong tỏa sang quý IV/2020, dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nặng và không có khả năng hồi phục trong năm 2020, kéo theo đó là sản xuất trong nước tăng trưởng yếu và các ngành khai khoáng phục vụ công nghiệp có khả năng thu hẹp.
 
Song song với đó, dịch vụ lưu trú và ăn uống cũng không có động lực hồi phục do thiếu khách du lịch nước ngoài, trong khi nhu cầu trong nước với các loại hình dịch vụ này cũng bị hạn chế do tình hình kinh tế kém khả quan, ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng. Tăng trưởng kinh tế cả năm được dự báo ở mức 2,2%
 
Có tính toán gần giống với VEPR, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cũng dự báo, khả năng tăng trưởng ở mức cơ sở 3% là khả thi nhất. Còn kịch bản tích cực nhất theo tính toán là khoảng 4%, nhưng rất khó xảy ra.
 
Các chuyên gia cho rằng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chính là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Do đó, đầu tư công chính là giải pháp mũi nhọn chứ không phải cầu tiêu dùng.
 
"Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện", ông Phạm Thế Anh đề xuất.

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác