Kinh tế xã hội
Không được nôn nóng, chủ quan
10:12, 29/06/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 trên thế giới diễn biến phức tạp, việc kiểm soát dịch tại Việt Nam đã và đang được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao, được xem là động lực quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau đại dịch. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, chúng ta không được chủ quan, lơ là, phải tập trung song hành hai nhiệm vụ, vừa chống dịch vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp Thường trực Chính phủ về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Phát biểu kết luận cuộc họp, Thủ tướng nhấn mạnh, “không có câu chuyện mở cửa ào ạt”, trong chỉ đạo phải nâng cao tinh thần cảnh giác trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn cầu... Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần quan tâm hơn nữa đến các biện pháp phòng bệnh chủ động. Khi xuất hiện ca dương tính trong cộng đồng thì phải tập trung khoanh vùng, dập dịch nhanh chóng, quyết liệt, kịp thời.
Tinh thần quyết tâm cao của Việt Nam đã tạo nên sức mạnh kiên cường để chiến đấu và quyết chiến thắng đại dịch COVID-19 - Tranh minh họa |
Đồng thời, chưa mở cửa đón khách du lịch, Thủ tướng nêu rõ, mọi chuyên gia, lao động bậc cao, nhà đầu tư đều được vào Việt Nam với phương thức cách ly phù hợp. Bộ Y tế chủ trì xử lý vấn đề này cùng Bộ Ngoại giao. Các cơ quan báo chí truyền thông tiếp tục thông tin tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch bệnh để người dân yên tâm. Chính phủ chúng ta tuyệt đối không được để làn sóng thứ 2 về COVID-19 quay lại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, đây là tinh thần chỉ đạo bao trùm nhất để bảo vệ kết quả thực hiện mục tiêu kép.
Tính đến thời điểm hiện nay, thế giới đã ghi nhận trên 9.500.000 người mắc COVID-19 tại 215 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó trên 483.000 người đã tử vong. Châu Mỹ vẫn tiếp tục là tâm dịch của thế giới và Mỹ là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch với trên 2,2 triệu ca mắc và trên 120 nghìn người tử vong. Đáng chú ý, quốc gia láng giềng với Việt Nam là Trung Quốc đang có nguy cơ diễn ra làn sóng dịch COVID-19 thứ 2. Bắc Kinh, nơi được xem là chống dịch tốt nhất tại Trung Quốc khi đã 56 ngày không có ca nhiễm mới, nhưng ngày 11/6 vừa qua, Bắc Kinh xác nhận ca nhiễm mới tại quận Tây Thành, chỉ vài ngày sau, con số tăng chóng vánh và đến thời điểm này đã có trên 250 ca bệnh COVID-19. Các chuyên gia y tế cảnh báo, trong khi tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trên thế giới, nếu Việt Nam lơ là, không làm tốt việc ngăn chặn dịch xâm nhập, không phát hiện kịp thời các ca bệnh nếu có, dịch sẽ bùng lên. Dù đợt bùng phát mới tại Bắc Kinh chưa đến mức nghiêm trọng như tại Vũ Hán, nhưng rõ ràng, qua diễn biến dịch bệnh phức tạp tại các nước ở châu Á, rất dễ nhận thấy rằng virus SARS-CoV-2 vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây lan rất cao nếu không thực hiện những biện pháp kiểm dịch và phòng dịch nghiêm ngặt.
Kinh nghiệm từ các quốc gia cho thấy, nếu để dịch COVID-19 bùng phát lại, việc kiểm soát sẽ khó khăn hơn gấp bội lần. Trên thực tế, dịch bệnh có thể tái phát ở bất cứ đâu, thời điểm nào nếu công tác kiểm soát, ngăn chặn dịch không được thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả. Việt Nam vui mừng vì đã qua hơn 70 ngày không ghi nhận có ca bệnh COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Các ca bệnh được phát hiện gần đây đều là người từ nước ngoài nhập cảnh vào. Tất cả các trường hợp này đều được cách ly ngay khi nhập cảnh, nên không có khả năng lây lan ra cộng đồng.Thời gian qua, các biện pháp chống dịch của Việt Nam đã phát huy hiệu quả rất tốt. Vì thế, trong giai đoạn hiện nay, người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện biện pháp phòng dịch đã được Bộ Y tế ban hành như đeo khẩu trang nơi công cộng, giữ khoảng cách an toàn, vệ sinh cá nhân... Bởi, khi chúng ta đã bước đầu được trở lại thiết lập cuộc sống bình thường, các y, bác sĩ, lực lượng vũ trang vẫn đang âm thầm hy sinh ở các tuyến đầu để bảo vệ sức khỏe của nhân dân.
Vui mừng trước những kết quả đạt được, song từ đó, nếu chúng ta cho rằng mình được chủ quan thì sẽ đặt chính sức khỏe của bản thân, gia đình và những nỗ lực của các cấp chính quyền trước một thách thức mới. Muốn vậy, ngoài sự chung sức đồng lòng của người dân trong quyết tâm làm thật tốt công tác phòng, chống dịch, ngay từ biên giới, cửa khẩu, sân bay đến trong nội địa, chúng ta cũng cần cùng các cấp, ngành chủ động xây dựng một môi trường an toàn, thuận lợi để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục, bù đắp những thiệt hại nặng nề về sản xuất, kinh doanh do hậu quả của dịch COVID-19 gây ra trong những tháng vừa qua.
TUỆ TRANG