Kinh tế xã hội
Phát triển Đảng trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài
07:21, 23/06/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, công tác phát triển tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nước ngoài trên địa bàn tỉnh được chú trọng thực hiện; góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, công tác này vẫn chưa đạt kết quả như mong đợi và chưa thật sự tương xứng với đội ngũ đông đảo công nhân lao động trên địa bàn tỉnh.
Sau hơn 10 năm thực hiện Đề án "Phát triển đảng viên, tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2020" (gọi tắt là Đề án 5155), ban hành kèm Quyết định số 5155 ngày 8/2/2014 của BTV Tỉnh ủy, công tác xây dựng Đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (gọi tắt là doanh nghiệp) đã đạt được những kết quả nhất định. Số tổ chức Đảng, các đoàn thể và số lượng đảng viên, đoàn viên trong các doanh nghiệp (DN) này tăng lên, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của DN. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Việc thành lập mới tổ chức Đảng, kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các DN còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu Đề án. Nhìn chung, vai trò của tổ chức Đảng trong DN còn mờ nhạt, nội dung, phương thức hoạt động còn lúng túng; số DN chưa có tổ chức Đảng và đoàn thể còn rất nhiều.
Lễ kết nạp đảng viên mới của Chi bộ Bến xe Bắc Vinh thuộc Đảng bộ Công ty CP Bến xe Nghệ An |
Trước thực tế trên, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kết luận số 189 về tiếp tục thực hiện Đề án phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, công tác vận động thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN phải thực hiện theo 2 hướng: Từ phong trào công nhân và người lao động; từ chủ DN, lãnh đạo DN, đội ngũ cốt cán trong DN. Từ đó vận động thành lập các tổ chức chính trị - xã hội, thành lập tổ chức Đảng đúng bản chất của giai cấp công nhân và người lao động phù hợp với tình hình hiện nay, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN. Phấn đấu từ nay đến năm 2025, có từ 30 - 40% DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài kết nạp được đảng viên và thành lập được tổ chức Đảng.
Tại Kết luận số 189, BTV Tỉnh ủy đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan nhằm góp phần hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Đối với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, hướng dẫn xây dựng quy chế làm việc, hình thức mở lớp bồi dưỡng kết nạp Đảng, đảng viên mới và hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với loại hình DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài. Chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo nghề tăng cường phát triển Đảng trong sinh viên, học sinh để vừa bổ sung lực lượng lao động được đào tạo, vừa là đảng viên cho DN. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các cấp ủy, tổ chức Đảng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về điều kiện, thủ tục phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng trong các loại hình DN. Về phía các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp huyện, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng; tích cực xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đảng viên trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Đối với các DN đã có tổ chức Đảng thì các cấp ủy, tổ chức Đảng rà soát, nắm chắc số lượng, đánh giá kỹ thực trạng tổ chức và hoạt động của tổ chức Đảng, đề ra giải pháp cụ thể, phù hợp để củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động.
Căn cứ quy định của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở Đảng trong DN để hướng dẫn nội dung, hình thức sinh hoạt Đảng phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tình hình của từng loại hình DN. Hướng dẫn tổ chức Đảng tại DN xây dựng quy chế hoạt động và quy chế phối hợp giữa cấp ủy với ban lãnh đạo, chủ DN; trong đó, quy định rõ việc tổ chức Đảng tham gia xây dựng, phát triển DN và trách nhiệm của DN trong việc tạo điều kiện để tổ chức Đảng hoạt động, việc phát hiện, giới thiệu, tiến cử đảng viên đủ tiêu chuẩn, điều kiện để xem xét, bổ nhiệm làm lãnh đạo, quản lý của DN và việc phối hợp giải quyết kịp thời những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ và lợi ích chính đáng của người lao động.
Đối với DN chưa có tổ chức Đảng, cấp ủy các huyện, thành, thị ủy tập trung chỉ đạo cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc rà soát, nắm chắc số đảng viên đang làm việc ổn định trong các DN, nhưng vẫn sinh hoạt Đảng ở nơi khác, nếu có đủ 3 đảng viên chính thức trở lên và DN sản xuất, kinh doanh ổn định thì tiến hành thành lập chi bộ; nếu chưa đủ số lượng đảng viên để thành lập chi bộ thì chuyển số đảng viên này về sinh hoạt với một tổ chức Đảng phù hợp và tích cực chuẩn bị các điều kiện để thành lập chi bộ.
Đối với những DN chưa có đảng viên, nhưng có tổ chức Công đoàn thì cấp ủy cơ sở nơi DN đóng trụ sở chính phân công cấp ủy viên và đảng viên có kinh nghiệm phối hợp với các đoàn thể trong DN phát hiện, bồi dưỡng, tạo nguồn kết nạp đảng viên. Cùng với đó, chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các tổ chức đoàn thể trong việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đưa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, động viên người lao động chấp hành tốt pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của DN, thi đua lao động sản xuất, nâng cao tay nghề; tích cực tham gia các đoàn thể và phấn đấu trở thành đảng viên; đồng thời góp phần giúp DN nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Hồng Hạnh