Kinh tế xã hội
Bất cập trong thực hiện chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp
09:38, 25/06/2020 (GMT+7)
(Congannghean.vn)-Thời gian qua, việc thực hiện các cơ chế, chính sách đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn (NN,NT) do HĐND tỉnh ban hành đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh tác động tích cực nói trên, vẫn còn những bất cập cần được rà soát, đánh giá lại để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.
Trên thực tế, những năm qua, các Nghị quyết của HĐND tỉnh về đầu tư phát triển NN,NT được triển khai trên địa bàn tỉnh đã tạo bước chuyển lớn về tư duy sản xuất của người dân, đặc biệt là việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), áp dụng cơ giới hóa để tăng năng suất và giá trị kinh tế. Điển hình như chính sách hỗ trợ phát triển NN,NT đã góp phần phát triển, mở rộng nhiều mô hình kinh tế, tăng diện tích cam, chè, chanh leo… trên địa bàn huyện Con Cuông. Hay như tại huyện Nghĩa Đàn, việc thực hiện chính sách hỗ trợ máy nông nghiệp đã góp phần đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nhất là khâu làm đất, đảm bảo 90 - 95% diện tích; việc hỗ trợ máy thu hoạch mía đã nâng cao giá trị thu nhập cho người trồng mía, chính sách tưới cho cây trồng cạn gồm cam, quýt...
Chính sách hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương loại III không được bố trí nguồn để thực hiện |
Theo Nghị quyết số 14/2017 của HĐND tỉnh, có 28 nhóm nội dung chính sách về NN,NT. Mục tiêu của Nghị quyết là nhằm khuyến khích quá trình tái cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, thông qua giám sát thực tế tại một số địa phương, có những địa phương thực hiện được 7 - 10 chính sách, thậm chí chỉ có 2 - 4 chính sách. Đơn cử như với chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, quy hoạch hệ thống giết mổ tập trung là một trong những nội dung trọng tâm của Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp Nghệ An theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2013 - 2020”.
Chính sách này năm nào cũng phân bổ nguồn vốn nhưng không thực hiện được, trong khi đó, hoạt động của các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa được giải quyết triệt để. Bên cạnh đó, vẫn còn một số chính sách hàng năm đều được tỉnh bố trí kinh phí nhưng không giải ngân được, như chính sách hỗ trợ chăn nuôi lợn ngoại có quy mô 50 con trở lên; hỗ trợ 50% giá trị cây giống cho các hộ dân trồng rừng bằng cây gỗ lớn và trồng rừng bằng cây bản địa.
Trong khi đó, có chính sách như hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương loại III lại không được bố trí nguồn để thực hiện. Bên cạnh thực tế một số chính sách chưa đi vào cuộc sống, có nhiều ý kiến phản ánh chất lượng và tính bền vững của một số chính sách chưa cao, đơn cử như việc hỗ trợ trực tiếp giống cây, con. Một số người dân trên địa bàn xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn phản ánh tình trạng, việc hỗ trợ nông dân về giống, cây trồng không đảm bảo chất lượng đã làm ảnh hưởng đến mùa vụ, năng suất của nhân dân. Việc hỗ trợ giống cây, con nhằm mở rộng quy mô sản xuất là đúng, tuy nhiên, rất cần các chính sách hỗ trợ khâu chăm sóc và bao tiêu sản phẩm nhằm tránh tình trạng “được mùa mất giá”, “được giá mất mùa”.
Quá trình triển khai thực tế tại các địa phương, một số chính sách NN, NT chưa tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, không còn phù hợp với thực tiễn và được đề nghị bãi bỏ như: Trợ giá giống cá cho các huyện miền núi; hỗ trợ nuôi cá lồng trên sông, hồ… Từ thực tiễn triển khai và đánh giá hiệu quả của các chính sách, để khai thác tối đa thế mạnh của địa phương, nhiều địa phương đã đề xuất tỉnh nghiên cứu ban hành chính sách tạo động lực như hỗ trợ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, chính sách khuyến khích đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị; chính sách đầu tư chợ đầu mối gắn với kho bảo quản nông sản…
Tại cuộc làm việc với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Thường trực HĐND tỉnh theo chương trình giám sát về tình hình thực hiện một số cơ chế, chính sách do HĐND tỉnh ban hành, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Viết Đường đã ghi nhận sự vào cuộc của ngành trong việc đưa chính sách vào cuộc sống. Tuy nhiên, theo tổng quan, việc thực hiện chính sách chưa đồng bộ và hiệu quả chưa cao; tỉ suất hỗ trợ thấp; thủ tục còn rườm rà; thời gian thanh toán chi trả kéo dài khiến các đối tượng thụ hưởng chưa mặn mà, nhất là chính sách trợ giá giống cây, con, xây dựng mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng… Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị Sở cần rà soát, đánh giá lại từng nhóm nội dung chính sách. Trên cơ sở đó kiến nghị, đề xuất HĐND, UBND tỉnh điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo mục tiêu phát triển NN,NT của tỉnh.
Thùy Dương