(Congannghean.vn)-Thời gian qua, bên cạnh tội phạm và vi phạm pháp luật (VPPL) về môi trường diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi nhằm trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, thực trạng ô nhiễm môi trường cũng khiến dư luận hết sức bức xúc, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Trước tình hình đó, lực lượng chức năng đã triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm đấu tranh hiệu quả, đặc biệt là tập trung ngăn ngừa hình thành “điểm nóng” về môi trường.
Với vai trò nòng cốt, Phòng Cảnh sát Môi trường (CSMT) đã làm tốt công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nhiều vụ việc vi phạm liên quan đến gây ô nhiễm môi trường. 5 năm qua (2015 - 2020), đơn vị đã hoàn thành hồ sơ đề nghị các cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 311 vụ, 314 đối tượng với tổng số tiền hơn 4,3 tỉ đồng.
Chi nhánh Công ty TNHH Em-Tech Việt Nam tại phường Vinh Tân, TP Vinh bị lực lượng chức năng xử phạt 185,4 triệu đồng vì xả thải chưa qua xử lý ra môi trường |
Điển hình, năm 2019, đơn vị tiến hành xử phạt Công ty CP Môi trường đô thị Nghệ An 594 triệu đồng về hành vi xả nước thải sản xuất không qua xử lý tại Khu xử lý rác thải rắn Nghi Yên ra môi trường gây ô nhiễm; xử phạt Chi nhánh Công ty TNHH Em-Tech Việt Nam ở phường Vinh Tân, TP Vinh 185,4 triệu đồng về hành vi xả nước thải sản xuất không qua xử lý ra môi trường… Cùng với đó, tham mưu việc kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường theo các chuyên đề, tiến hành kiểm tra 150 tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 3 tỉ đồng. Qua công tác kiểm tra đã góp phần nâng cao nhận thức cho người đứng đầu doanh nghiệp về công tác bảo vệ môi trường. Đặc biệt, một số đơn vị vi phạm đã thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là đầu tư hệ thống xử lý các loại chất thải phát sinh như nước thải, khí thải… Ngoài ra, lực lượng CSMT còn tập trung đấu tranh các chuyên án, vụ án lớn, gây tiếng vang và được dư luận quan tâm. Theo đó, đã xác lập và đấu tranh thành công 18 chuyên án về các lĩnh vực buôn bán hàng cấm; tàng trữ, mua bán, vận chuyển động vật hoang dã… Hoàn chỉnh hồ sơ chuyển cơ quan CSĐT các cấp khởi tố 12 vụ, 14 đối tượng; thu giữ nhiều hàng hóa, tang vật có giá trị.
Từ thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và VPPL trên lĩnh vực xây dựng cơ bản, môi trường đô thị, công nghiệp cho thấy, tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại Nghệ An vẫn còn tiềm ẩn phức tạp. Hiện, trên địa bàn tỉnh có 21 khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp vừa và nhỏ được thành lập, đi vào hoạt động. Tuy nhiên, mới chỉ có 2 Khu công nghiệp Nam Cấm và Bắc Vinh đã đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Trong quá trình hoạt động sản xuất, hầu hết cơ sở đã tiến hành lập và được các cấp có thẩm quyền phê duyệt ĐTM, Đề án bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường nên đã xây dựng các hệ thống xử lý chất thải. Tuy nhiên, nhìn chung, việc thiết kế xây dựng không đảm bảo (đối với cơ sở hoạt động lâu năm) hoặc xây dựng theo đúng thiết kế nhưng có tình trạng không vận hành, vận hành không thường xuyên, còn nhiều đơn vị tìm cách đối phó lắp đặt hệ thống xả phụ, lợi dụng thời tiết mưa để xả trộm gây ô nhiễm môi trường. Qua công tác quản lý của lực lượng chức năng cho thấy, các khu, CCN được quy hoạch xây dựng rải rác tại nhiều địa bàn khác nhau, cơ sở hạ tầng chưa đầy đủ nên việc thu gom, xử lý các loại chất thải chưa đảm bảo theo quy định của pháp luật. Riêng đối với các loại chất thải công nghiệp được các cơ sở hợp đồng thu gom với nhiều đối tác khác nhau nên việc quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn.
Mặt khác, việc quy hoạch các khu, cụm và dự án trọng điểm một cách tràn lan, nằm rải rác trên nhiều địa bàn là không hiệu quả. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng xây dựng không đầy đủ, thậm chí có nơi chưa được xây dựng dẫn đến tình trạng quản lý của các cơ quan chức năng còn chồng chéo, thiếu trách nhiệm trong việc giám sát, kiểm tra, xử lý, tạo sơ hở cho các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, công tác yếu kém của cơ quan chức năng từ quá trình quy hoạch, thẩm định, phê duyệt, xây dựng và khi đi vào hoạt động không được quan tâm thường xuyên dẫn đến việc các cơ sở tìm cách đối phó trong quá trình xây dựng, vận hành hệ thống xử lý chất thải. Thậm chí có nơi còn lợi dụng các mối quan hệ để can thiệp, không thực hiện xử lý chất thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến tình hình ANTT, gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt, các quy định của pháp luật về PCTP và VPPL về môi trường tuy đã được sửa đổi, bổ sung nhưng vẫn còn nhiều bất cập, sơ hở để các đối tượng lợi dụng hoạt động, rất khó để xử lý hình sự nên tính răn đe không cao. Một số tội danh trong Bộ luật Hình sự 2015 thuộc trách nhiệm, thẩm quyền, đấu tranh của lực lượng CSMT khi áp dụng vào thực tiễn đang gặp khó khăn nhưng chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể.
Thực tế cho thấy, trong thời gian tới, dưới tác động tiêu cực của sự phát triển kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm và VPPL về BVMT trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục có chiều hướng gia tăng, ảnh hưởng đến môi trường sống và gây bất ổn định về ANTT. Trong đó, các đối tượng sẽ triệt để lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để vi phạm, đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác đấu tranh, xử lý. Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng cần làm tốt chức năng quản lý Nhà nước đối với hoạt động của các công ty, xí nghiệp; tăng cường công tác kiểm tra, kiên quyết không để các công ty hoạt động trở lại khi chưa hoàn thiện hệ thống xử lý chất thải; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là gây ô nhiễm môi trường, giải quyết các vụ việc dứt điểm, không để kéo dài, gây ảnh hưởng đến lợi ích chính đáng của người dân. Ngoài ra, phối hợp với các ngành chức năng làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành của các cá nhân, tổ chức nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi vi phạm.
.