Thứ Tư, 29/01/2020, 15:38 [GMT+7]
Bệnh viện đa khoa TP Vinh

Tiên phong triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy

Bệnh viện đa khoa (ĐK) TP Vinh hướng tới triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy từ ngày 1/1/2020. Đây cũng là cơ sở y tế đầu tiên trên địa bàn tỉnh Nghệ An và là bệnh viện thứ 4 trên cả nước áp dụng triển khai bệnh án điện tử.
Bệnh viện ĐKTP Vinh là cơ sở y tế đầu tiên tại Nghệ An và là đơn vị thứ 4 trong cả nước triển khai mô hình bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy
Bệnh viện ĐKTP Vinh là cơ sở y tế đầu tiên tại Nghệ An và là đơn vị thứ 4 trong cả nước triển khai mô hình bệnh án điện tử thay thế bệnh án giấy
Trước đó, vào ngày 29/11/2019, PGS.TS Trần Quý Tường, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (CNTT), dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Y tế cùng Lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An và đại diện BHXH tỉnh, tổ chức thẩm định Hồ sơ bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy tại Bệnh viện ĐKTP Vinh. 
 
Sau khi nghe báo cáo về hệ thống thông tin quản lý bệnh án điện tử tại Bệnh viện, Đoàn đã trực tiếp tham quan các phòng, máy móc thiết bị, hạ tầng CNTT, việc ứng dụng CNTT trong quản lý điều hành và các hoạt động khám, chữa bệnh của Bệnh viện. Đồng thời, trực tiếp thẩm định việc triển khai hệ thống bệnh án điện tử (bệnh án điều trị nội trú, bệnh án điều trị ngoại trú và hồ sơ khám bệnh ngoại trú); một số sáng kiến ứng dụng nổi bật của Bệnh viện như: Xác nhận bằng vân tay thay thế chữ ký của người bệnh, mô hình xe đa năng tích hợp kết quả điện tim, đo huyết áp... vào bệnh án điện tử, mang lại hiệu quả thiết thực trong việc ứng dụng hồ sơ, bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy tại bệnh viện. 
 
PGS.TS Trần Quý Tường đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm cao của Bệnh viện ĐKTP Vinh đã đầu tư nguồn lực tương xứng về kinh phí, con người và tiến bộ trong việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành. Kết quả triển khai hệ thống CNTT của Bệnh viện tốt, thể hiện ở hạ tầng CNTT đáp ứng yêu cầu triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, có phòng máy chủ đảm bảo an toàn thông tin, phần mềm HIS và các tiện ích đạt mức 6/7. Về thực hiện bệnh án điện tử, Bệnh viện đạt mức nâng cao; các phần mềm quản lý điều hành, phần mềm phi chức năng tương đối tốt. “Theo thông tư  46/2018/TT-BYT quy định về hồ sơ bệnh án điện tử, Thông tư 54/2017/TT-BYT quy định về bộ tiêu chí ứng dụng CNTT tại các cơ sở khám, chữa bệnh, có 146 tiêu chí, chúng tôi đã rà soát kỹ và đánh giá Bệnh viện ĐKTP Vinh đạt mức 6/7 - mức gần cao nhất của tiêu chí “Bệnh viện thông minh”. Bệnh viện đủ điều kiện để triển khai bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy và không sử dụng tiền mặt trong thanh toán viện phí, bắt đầu từ 1/1/2020”, Cục trưởng Cục CNTT Bộ Y tế kết luận. 
Bệnh viện ĐKTP Vinh thực hiện quét vân tay thay thế chữ ký của người bệnh - Ảnh: Đức Anh
Bệnh viện ĐKTP Vinh thực hiện quét vân tay thay thế chữ ký của người bệnh - Ảnh: Đức Anh
Bác sĩ CKII Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc Bệnh viện ĐKTP Vinh khẳng định: Việc ứng dụng bệnh án điện tử là bước chuyển đổi số hóa của ngành Y tế, có ý nghĩa không chỉ cho Bệnh viện trong quản lý, điều hành, cải cách quy trình khám, chữa bệnh, công khai, minh bạch thông tin, giảm phiền hà cho người bệnh, theo dõi thông tin bệnh nhân chính xác hơn và phục vụ hiệu quả cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng chính sách, kế hoạch, mà còn mang lại lợi ích thiết thực, giúp người dân tiếp cận các dịch vụ y tế nhanh hơn, theo dõi quy trình khám, chữa bệnh thuận tiện, chính xác. Để làm được điều này, thời gian qua, Bệnh viện đã đầu tư cơ sở vật chất, hoàn thiện đồng bộ các hệ thống phần mềm như: Hệ thống thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống quản lý thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ, truyền tải và hội chẩn hình ảnh y khoa (PACS), ứng dụng chữ ký số, thay thế chữ ký người bệnh bằng xác nhận dấu vân tay…
 
PGS.TS Dương Đình Chỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An cho rằng, việc triển khai bệnh án điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích đối với bác sĩ và bệnh nhân. Cụ thể, khi thực hiện bệnh án điện tử thì nội dung được chính xác, tránh tình trạng chữ viết không rõ ràng, khó đọc; tiết kiệm thời gian cho người bệnh không phải xếp hàng chờ đợi, bác sĩ và nhân viên y tế không phải di chuyển từ khoa này qua khoa kia để lấy kết quả xét nghiệm; tiết kiệm chi phí cho cả người bệnh và cho cả bệnh viện; thông tin của bệnh nhân được cập nhật thường xuyên, có thể liên thông nội dung, tình trạng bệnh cho các khoa trong bệnh viện hoặc liên viện, từ đó giúp chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn.
.

Mỹ Hạnh

.