(Congannghean.vn)-Hiện nay, tình trạng và nguy cơ về ô nhiễm môi trường trên địa bàn toàn tỉnh vẫn ở mức cao, không chỉ tác động đến môi trường đầu tư mà còn làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống an toàn của người dân, nhất là ở những vùng có nguy cơ ô nhiễm cao như làng nghề, khu công nghiệp, các bệnh viện…
Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản nằm trong “TOP” gây ô nhiễm môi trường lớn |
Theo các Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh Nghệ An, từ năm 2003 - 2015, toàn tỉnh có 77 cơ sở sản xuất kinh doanh nằm trong danh sách ô nhiễm môi trường, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đến nay, còn 22 cơ sở chưa được xác nhận hoàn thành xử lý triệt để. Trong số này, có 13 cơ sở đã đầu tư hệ thống xử lý nhưng chưa đạt quy chuẩn, đang trong giai đoạn cải tạo, 7 cơ sở là các bãi rác đang thực hiện cải tạo phục hồi môi trường.
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 20 cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải, nước thải tự động. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 4 cơ sở chưa tiến hành lắp đặt, gồm: Khu công nghiệp (KCN) Đông Hồi, KCN Nghĩa Đàn, KCN Hoàng Mai I và Nhà máy mía đường Sông Con thuộc Công ty Cổ phần mía đường Sông Con.
Theo xác định, trên địa bàn hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, trong đó có thể kể đến các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật. Đến nay, toàn tỉnh có 954 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật, hiện đã điều tra khảo sát xong 240 điểm, đang điều tra 714 điểm. Lũy kế đến năm 2019 đã và đang xử lý cho 62 điểm, trong đó 26 điểm đã hoàn thành nghiệm thu và bàn giao hoàn trả mặt bằng cho địa phương, 17 điểm đã hoàn thành các hạng mục công trình xử lý, 19 điểm đang trong quá trình triển khai thực hiện.
Tại 10 KCN đang xây dựng và hoạt động trên địa bàn, hiện mới chỉ có 3 KCN xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nước thải phát sinh tại các KCN hiện nay chỉ đạt được khoảng 70% so với công suất thiết kế của hệ thống xử lý nước thải tập trung, riêng đối với KCN VSIP, chỉ mới đạt được khoảng 3% công suất. Một số KCN như Nghĩa Đàn, Hoàng Mai I và Wha Hemaraj, do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên các cơ sở trong các KCN này đã tự đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, vấn đề chất thải rắn hiện nay cũng đang có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn vì trên thực tế hầu như các KCN đều không triển khai hạng mục này mà các cơ sở trong KCN đang tự hợp đồng với các đơn vị có chức năng để thu gom và xử lý.
Đối với các cụm công nghiệp (CCN), theo quy hoạch đến năm 2020 có 50 CCN với tổng diện tích 802,8 ha, đến nay có 22 CCN đã đi vào hoạt động, thu hút 248 dự án đầu tư. Trong số này, mới chỉ có 8 CCN đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, vấn đề thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các đô thị và các huyện phụ cận thành thị cũng đang đặt ra nhiều vấn đề. Việc thu gom chỉ mới thông qua hình thức hợp đồng với công ty môi trường hoặc các tổ thu gom do các xã, phường tự thành lập để thu gom vận chuyển về bãi rác tập trung để xử lý; một số vùng nông thôn rác thải do các tổ thu gom của xã và vận chuyển về bãi rác quy hoạch theo chương trình nông thôn mới hoặc bãi rác tạm để xử lý; một số khu vực nông thôn còn lại và vùng sâu, vùng xa thì các hộ gia đình tự thu gom, xử lý.
Năm 2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 19/2019/QĐ-UBND ngày 28/5/2019, quy định mức giá tối đa dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đang gặp nhiều khó khăn về quỹ đất, không lựa chọn được vị trí quy hoạch khu xử lý, bãi chôn lấp CTR phù hợp. Kinh phí phục vụ cho công tác thu gom, vận chuyển tại một số địa phương (nhất là vùng nông thôn) vẫn còn gặp nhiều khó khăn hạn chế.
Ngoài ra, một số lĩnh vực khác cũng có nguy cơ ô nhiễm môi trường lớn là các làng nghề. Năm 2019, tổng số làng nghề toàn tỉnh là 158 làng nghề, trong đó có 151 làng nghề tiểu thủ công nghiệp. Hiện có 70 làng nghề có ngành nghề không được khuyến khích phát triển, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao do hệ thống xử lý nước thải của các cơ sở sản xuất tại làng nghề không được đầu tư, hoặc đầu tư nhưng chưa đủ các hạng mục đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, hoặc xuống cấp từ lâu... Chất thải sản xuất từ các làng nghề chế biến thực phẩm phát sinh mùi không được xử lý triệt để gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Các dự án khoáng sản với 221 mỏ có giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó có 14 mỏ kim loại. Qua công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát cho thấy, tại một số điểm khai thác khoáng sản, tình hình chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa tốt. Hiện nay, công tác bảo vệ môi trường đã và đang được các cấp, ngành và chính quyền địa phương chỉ đạo, kiểm tra chặt chẽ nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ngăn ngừa sự cố môi trường tiếp tục xảy ra.
Một lĩnh vực khác là các nhà máy thủy điện cũng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường lớn. Với 32 dự án thủy điện đã được quy hoạch, trong đó có 18 dự án thủy điện đã đi vào hoạt động và phát điện hòa lưới điện quốc gia, hiện nay hoạt động thủy điện chiếm dụng diện tích đất lớn và tiềm ẩn những sự cố môi trường khi gặp thiên tai, mưa lũ lớn bất thường kéo dài. Bên cạnh đó, các trang trại chăn nuôi tập trung, cơ sở chế biến nông lâm, thủy hải sản và các bệnh viện cũng nằm trong danh sách những lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Thực hiện việc chấp pháp về bảo vệ môi trường, trong năm 2019, các sở, ngành cấp tỉnh đã lập 2 đoàn kiểm tra và 24 đoàn thanh tra, 3 đoàn kiểm tra liên ngành tại 65 cơ sở. Riêng Công an tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 1.030 vụ, 1.095 đối tượng phạm tội và vi phạm pháp luật về môi trường, xử phạt số tiền 3,8 tỉ đồng.
Theo đánh giá, tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn ở mức cao là do công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở cấp huyện, xã chưa được chú trọng, công tác chỉ đạo còn chưa kịp thời, sâu sát. Cán bộ làm công tác này còn kiêm nhiệm, chưa được đào tạo chuyên ngành môi trường; ý thức của các doanh nghiệp còn mang tính chất đối phó, xử lý sai phạm trong lĩnh vực môi trường còn chưa quyết liệt… là những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng, nguy cơ ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh còn có nhiều tiềm ẩn, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và cuộc sống của người dân.