.
Thứ Năm, 05/12/2019, 08:21 [GMT+7]

Tạo bước đột phá trong cải cách hành chính

(Congannghean.vn)-Năm 2019 được Nghệ An chọn là “Năm cải cách hành chính (CCHC)” nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính Nhà nước, tạo điều kiện phục vụ nhân dân, doanh nghiệp tốt hơn. Do đó, công tác CCHC nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, ngành và đạt nhiều kết quả quan trọng.
Trao giải cuộc thi
Trao giải cuộc thi "Tìm hiểu hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính và cung cấp, sử dụng dịch vụ công” năm 2019
Xác định CCHC là một trong những giải pháp tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, năm 2019, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm “Năm CCHC” gồm: Hoàn thiện cơ chế, chính sách và cải cách thủ tục hành chính (TTHC); xây dựng đội ngũ cán bộ công chức; nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp (DN). 
 
Theo đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành rà soát, công bố bộ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh, huyện và xã. Tính đến ngày 22/11, trên địa bàn tỉnh có 1.679 TTHC được công bố và đang có hiệu lực; trong đó, có 1.303 TTHC cấp tỉnh, 273 TTHC cấp huyện, 91 TTHC cấp xã. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện đã thực hiện việc công khai các quyết định và TTHC trên Trang Thông tin điện tử, tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của cơ quan. 
 
Về cải cách TTHC, huyện Nghi Lộc là một trong những địa phương tích cực thực hiện, đặc biệt là ở các lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân, DN. Đơn cử như, quy trình tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất của hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn huyện đã rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục chuyển nhượng 9 ngày và giảm 1 loại giấy tờ. Huyện cũng bố trí công chức đầu mối thực hiện nhiệm vụ kiểm soát TTHC như cử 1 cán bộ theo dõi việc luân chuyển, xử lý hồ sơ giữa các bộ phận thuộc đơn vị và các đơn vị bên ngoài có liên quan. Nhờ đó, khâu xử lý hồ sơ của cán bộ, viên chức của đơn vị được kiểm soát; từ đó đôn đốc, nhắc nhở, phối hợp xử lý, hạn chế tối đa tình trạng chậm xử lý hồ sơ của nhân dân.
 
Thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của “Năm CCHC” 2019, một số cơ quan, đơn vị cũng đã thực hiện việc bãi bỏ, đơn giản hóa một số TTHC như: Sở Tài nguyên và Môi trường bãi bỏ, đơn giản hóa 3 thủ tục về lĩnh vực môi trường; đơn giản hóa 1 thủ tục về khí tượng thủy văn; Sở Y tế bãi bỏ 3 thủ tục thuộc lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm; Sở Nội vụ, Sở Du lịch, Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, các huyện Diễn Châu, Quỳ Châu, TX Hoàng Mai… đều rút ngắn thời gian giải quyết TTHC từ 2 - 20 ngày ở tất cả các lĩnh vực.
 
Là đơn vị thường xuyên giải quyết TTHC liên quan đến DN, cùng với việc khai trương Cổng thông tin hỗ trợ DN, Sở Kế hoạch - Đầu tư đã tiếp tục thực hiện giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho các dự án trúng đấu giá, đấu thầu từ 15 ngày xuống còn 10 ngày; giảm thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án đã được cấp chủ trương đầu tư từ 7 ngày xuống còn 2 ngày… Cùng với việc bãi bỏ, đơn giản hóa TTHC, một số đơn vị đã tiến hành rà soát cắt giảm thời gian giải quyết TTHC; qua đó, đã có 307 TTHC cắt giảm thời gian với tổng thời gian được cắt giảm là 1.424 ngày. Bình quân, có 158/1.677 TTHC được đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện (đạt tỉ lệ 9,42%).
 
Thực hiện nhiệm vụ CCHC, thời gian qua, công tác sắp xếp, hợp nhất, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập theo đề án của các cơ quan, đơn vị cũng đã được triển khai toàn diện. Đề án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 đã trình Bộ Nội vụ, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các ban, ngành liên quan thẩm định. Sau khi sắp xếp, toàn tỉnh có 460 xã (giảm 20 xã). Thực hiện chủ trương sắp xếp xóm, thôn, khối, bản, toàn tỉnh hiện có 5.884 đơn vị, trong đó có 3.708 đơn vị thuộc diện sáp nhập, sau khi sáp nhập sẽ giảm 1.991 đơn vị, còn lại 3.893 xóm, thôn, khối, bản.
 
Năm 2019, có 189/189 (đạt 100%) đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh và 1.626/1.649 (đạt 98,6%) đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện được giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính. Số đơn vị tự chủ đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên là 61 đơn vị, chiếm 3,26% trên tổng số các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh, các đơn vị còn lại tự đảm bảo một phần chi thường xuyên và đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên. Để tạo chuyển biến rõ nét trong công tác CCHC, tỉnh đã chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử. Đến nay, Cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống một cửa điện tử liên thông tỉnh đã duy trì hoạt động ổn định. Tính đến ngày 5/11/2019, hệ thống đã cung cấp 1.769 dịch vụ công, trong đó có 1.138 dịch vụ công mức độ 2; 581 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 50 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. 
 
Với mục tiêu “cải cách thực sự chứ không phải cải cách trên giấy tờ”, Nghệ An đã và đang tập trung rà soát lại cơ chế chính sách, thể chế chồng chéo; đồng thời giao chỉ tiêu cho các ngành, các cấp trong việc đơn giản hóa, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ. Trong đó, các ngành, các cấp phải giảm từ 20 - 30% tổng TTHC của đơn vị mình; cùng với đó tăng cường việc kiểm tra, giám sát, chấp hành kỷ luật kỷ cương hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, văn hóa công sở, gắn với trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ hành chính, từ đó phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
 
Ngoài ra, tỉnh đã ban hành Đề án “Đánh giá năng lực cạnh tranh của chính quyền địa phương và sở, ban, ngành” (DDCI), hướng đến việc tạo động lực cạnh tranh thực sự giữa các ngành, địa phương trong CCHC, đặc biệt là cạnh tranh giữa các địa phương để thu hút đầu tư dựa trên các chỉ số như hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý, tính minh bạch và tiếp cận thông tin.... Đối với Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công cấp tỉnh PAPI và Chỉ số CCHC Par Index, tỉnh giao Sở Nội vụ chủ trì xây dựng đề án cải thiện 2 chỉ số này, đánh giá đầy đủ các tồn tại, yếu kém, phân tích nguyên nhân và đưa ra giải pháp cụ thể để nâng cao từng chỉ số thành phần. Tỉnh giao trách nhiệm cụ thể cho từng ngành, đơn vị đảm nhận thực hiện các chỉ số thành phần; đề ra lộ trình tăng các chỉ số cụ thể theo từng năm để phấn đấu và chuẩn bị các nguồn lực thực hiện.
 
Có thể nói, việc lựa chọn 2019 là “Năm CCHC” có ý nghĩa hết sức quan trọng trong tiến trình phát triển KT-XH của địa phương, tạo sự thay đổi mạnh mẽ môi trường hành chính công cũng như tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân và DN. Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2020, Nghệ An tiếp tục ban hành đồng bộ các văn bản quy phạm pháp luật phục vụ công tác quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành các lĩnh vực; thực hiện tốt công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá và xử lý văn bản quy phạm pháp luật theo quy định; tiếp tục rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của cơ quan, đơn vị theo đúng quy định của Trung ương gắn với thực hiện đề án vị trí việc làm, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Cùng với đó, tỉnh sẽ thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyển dụng, thi nâng ngạch; tăng cường giám sát, thanh, kiểm tra CCHC, chú trọng kiểm tra việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính tại các đơn vị, địa phương... 
.

Thùy Dương

.
HotlineBCA
CacSoĐT
ThuTucHanhChinh
Công an xã
PAKN TTHC
Danh bạ ĐT Công an Nghệ An
BoCongAn
TrangTinBoTruongCA
CongTTNgheAn