(Congannghean.vn)-Trong những năm qua, tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và đạt được nhều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng phạm tội, công tác đấu tranh, xử lý trong lĩnh vực này vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, đòi hỏi cần có sự phối hợp chặt chẽ và vào cuộc quyết liệt hơn nữa của các cơ quan chức năng, nhất là vào thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 đang đến rất gần.
Cán bộ Cục Quản lý thị trường kiểm tra số hàng hóa kém chất lượng thu giữ |
Với vai trò nòng cốt, thời gian qua, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Nghệ An đã phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền các địa phương tăng cường công tác thanh, kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá, buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng hóa không đảm bảo ATVSTP và các hành vi gian lận thương mại. Đặc biệt là tập trung vào một số mặt hàng như: Lương thực, thực phẩm, mỹ phẩm, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, xăng dầu…
Bên cạnh đó, làm tốt công tác nắm bắt tình hình thị trường, đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật trong hoạt động kinh doanh đến tận các hộ buôn bán và quần chúng nhân dân trên địa bàn. Tính từ năm 2017 đến hết tháng 11/2019, đơn vị đã tổ chức kiểm tra, xử phạt hành chính 33.854 vụ việc; tiến hành khởi tố 998 vụ, 1.273 đối tượng; tổng giá trị thu phạt hơn 966 tỉ đồng.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động buôn bán, vận chuyển hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi. Hành vi vi phạm chủ yếu liên quan đến vận chuyển, buôn bán, tàng trữ các loại hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm ATVSTP; vi phạm về sở hữu trí tuệ, xâm phạm bản quyền đối với nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp; vi phạm các quy định về giá, không niêm yết giá bán hàng hoá, niêm yết hàng hoá không đúng quy định.
Hàng hoá vi phạm đa dạng như: Hàng may mặc, rượu ngoại, thuốc lá ngoại, dược phẩm, mỹ phẩm, thiết bị máy móc chuyên dụng, nước giải khát...; nổi lên là các loại hàng cấm như ma tuý đá, pháo các loại, đồ chơi trẻ em kích động bạo lực. Hàng hoá chủ yếu bị chia nhỏ, xé lẻ, vận chuyển vào thời gian cao điểm hoặc là vào đêm khuya, sáng sớm nhằm trốn tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Việc hợp thức hoá hàng lậu bằng các hoá đơn bán hàng không đúng thực tế diễn ra thường xuyên. Các đối tượng thường sử dụng các hoá đơn bán hàng ghi đủ chủng loại, số lượng hàng hoá nhưng giá trị hàng hoá thường rất thấp so với giá trị thực tế; sử dụng hoá đơn khống, quay vòng hoá đơn cho nhiều lô hàng.
Bên cạnh đó, công tác đấu tranh phòng, chống của các cơ quan chức năng trên lĩnh vực này còn gặp nhiều bất cập, hạn chế. Điển hình như hệ thống văn bản, chính sách pháp luật liên quan đến lĩnh vực QLTT còn chồng chéo dẫn đến cách hiểu và cách áp dụng khác nhau, trong khi việc sửa đổi, bổ sung còn chậm, chưa tháo gỡ được khó khăn cho các lực lượng trong thực thi nhiệm vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn thiếu thốn, lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Công tác giám định chất lượng hàng hóa còn gặp nhiều khó khăn do các trung tâm giám định ở xa, thời gian chờ kết quả giám định chất lượng để xác định hành vi vi phạm quá lâu ảnh hưởng đến công tác thiết lập hồ sơ xử lý. Kinh phí tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn hạn hẹp; việc lưu giữ, bảo quản hàng hóa chờ xử lý gặp nhiều khó khăn do không có kho chuyên dụng. Ngoài ra, sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương, nhất là cấp xã còn chưa quyết liệt, đồng bộ, chưa tạo được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng chức năng trên địa bàn.
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra vào chiều 11/12 vừa qua, ông Trần Đăng Ninh, Quyền Cục trưởng Cục QLTT Nghệ An đã đăng đàn giải trình về tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu, hàng giả, hàng không đảm bảo ATVSTP vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Ninh, công tác nắm thông tin, dự báo tình hình thị trường chưa thường xuyên nhiều lúc còn bị động nên công tác chỉ đạo điều hành trong kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế nhất là trong lĩnh vực sản xuất hàng giả, hàng vi phạm ATVSTP. Việc đấu tranh với các đối tượng vi phạm có trình độ nhận thức cao trong lĩnh vực mới như sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, gian lận thương mại, nhất là trong việc kinh doanh bán hàng trực tuyến… còn nhiều hạn chế. Công tác xử lý, bảo quản đối với các tang vật vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu đối với một số mặt hàng cấm, mặt hàng dễ gây mất an toàn, mặt hàng yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt của các lực lượng còn nhiều bất cập do thiếu kinh phí để xây dựng các kho chuyên dụng.
Cũng tại phiên chất vấn, các đại biểu HĐND tỉnh đã bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng về tình trạng buôn bán hàng online ngày càng diễn biến phức tạp và trách nhiệm quản lý của cơ quan chức năng về việc để xuất hiện hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trong các hội chợ thương mại và quá trình vận chuyển các mặt hàng này trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua…
Trước tình hình diễn biến phức tạp của các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, để góp phần ổn định thị trường, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và bảo vệ người tiêu dùng, trong thời gian tới, yêu cầu đặt ra đó là cần quản lý tốt địa bàn, chủ động nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến giá cả, cung cầu hàng hóa; tổ chức kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, tập trung vào các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như: Lương thực, thực phẩm, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng và các mặt hàng khác như hàng điện tử, điện lạnh, phân bón, thuốc lá, bia, rượu, nước giải khát, hàng vi phạm ATVSTP... để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Đặc biệt, cần phải có chế tài xử phạt hành chính đủ mạnh, thậm chí đề xuất luật hoá cho tội danh sản xuất các mặt hàng giả, hàng kém chất lượng làm ảnh hưởng và đe doạ trực tiếp đến tính mạng con người.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các ngành, lực lượng và chính quyền địa phương trong công tác QLTT. Chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật thương mại. Gắn công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường với việc phổ biến pháp luật thương mại và tổ chức ký cam kết với các cơ sở kinh doanh để nâng cao nhận thức pháp luật của nhân dân và các đối tượng kinh doanh. Ngoài ra, nêu cao trách nhiệm của mỗi công chức trong thực thi công vụ. Công khai đường dây nóng, hòm thư tố giác tội phạm để tiếp nhận và xử lý thông tin của nhân dân phản ánh về các hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như vi phạm của cán bộ QLTT trong thi hành công vụ.