Thứ Tư, 16/10/2019, 08:23 [GMT+7]

Dân vận vùng đồng bào có đạo Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

(Congannghean.vn)-Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, công tác dân vận (CTDV), đặc biệt là trong lĩnh vực tôn giáo có vai trò và ý nghĩa vô cùng quan trọng. Xác định rõ điều đó, những năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, CTDV vùng đồng bào có đạo trên địa bàn tỉnh đã góp phần huy động đông đảo nhân dân tích cực tham gia phát triển KT-XH cũng như củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh trao tặng bức trướng “Đồng bào Công giáo Nghệ An:           Thi đua yêu nước, sống phúc âm giữa lòng dân tộc”
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh trao tặng bức trướng “Đồng bào Công giáo Nghệ An: Thi đua yêu nước, sống phúc âm giữa lòng dân tộc”
Để đạt được kết quả nói trên, thời gian qua, cấp ủy các cấp luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện CTDV, công tác tôn giáo ở vùng đồng bào có đạo (ĐBCĐ); trong đó tập trung chỉ đạo rà soát, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết các vụ việc liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo. Nhìn chung, công tác giải quyết các hoạt động tôn giáo vi phạm pháp luật, hoạt động lợi dụng tôn giáo chống đối chế độ được tập trung chỉ đạo, xử lý kiên quyết và có hiệu quả. Bên cạnh đó, cấp ủy các cấp cũng quan tâm chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên bám sát tình hình hoạt động tôn giáo, an ninh vùng giáo cũng như tổng hợp tình hình, phản ánh tâm tư nguyện vọng chính đáng, hợp pháp của chức sắc, chức việc và tín đồ tôn giáo để giải quyết kịp thời theo quy định. 
 
Minh chứng cho hiệu quả của CTDV vùng ĐBCĐ là đa số tổ chức Đảng, cấp ủy trong vùng ĐBCĐ luôn giữ vững vai trò là hạt nhân chính trị cơ sở. Công tác chính trị tư tưởng được chi bộ khối, xóm, bản vùng giáo quan tâm thực hiện, qua đó cơ bản xây dựng được mối đoàn kết trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đặc biệt, công tác phát triển, kết nạp đảng viên mới, xây dựng chi bộ vùng giáo ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Từ năm 2016 đến tháng 6/2019, toàn tỉnh kết nạp được 56 đảng viên gốc giáo, tổng số đảng viên gốc giáo hiện nay là 739 người, trong đó có 498 người sinh sống và công tác tại vùng giáo. Có 23 xóm thoát khỏi nguy cơ không còn chi bộ, 20 xóm thoát khỏi tình trạng chưa có chi bộ, 16 xóm thoát khỏi tình trạng chưa có đảng viên.
 
Cũng trong thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy các cấp, tình hình ANTT vùng giáo tại nhiều địa phương cơ bản ổn định. Kết quả này có sự đóng góp nhất định từ hoạt động của Ban chỉ đạo giải quyết các vấn đề phức tạp liên quan đến tôn giáo, các tổ công tác giúp cơ sở hòa giải vụ việc tôn giáo trên địa bàn; cùng với việc kết hợp đồng bộ với CTDV của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang (LLVT), Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong sử dụng linh hoạt các hình thức vận động, thuyết phục tín đồ, chức sắc, chức việc, công khai vụ việc trên phương tiện thông tin đại chúng kết hợp với sử dụng biện pháp hành chính, pháp luật để giải quyết vụ việc liên quan. 
 
Song song với củng cố hệ thống chính trị vùng ĐBCĐ, cấp ủy, chính quyền các cấp cũng quan tâm thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho nhân dân có đạo. Nhờ vậy, tỉ lệ hộ nghèo tại vùng giáo ngày càng giảm, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên. Hoạt động của các tổ chức tôn giáo cơ bản thuần túy theo quy định pháp luật. Đến nay, có 93/226 xã có tổ chức tôn giáo đạt chuẩn nông thôn mới; 173/501 xóm vùng giáo đạt chuẩn văn hóa.
 
Nhất quán quan điểm hết sức tôn trọng, tạo điều kiện cho giáo hội, chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo hoạt động theo giáo lý, giáo luật và đảm bảo đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ năm 2015 đến tháng 6/2019, chính quyền các cấp đã giải quyết tách lập 14 giáo xứ, 13 giáo họ Công giáo, phục hồi 13 chùa Phật giáo. Ngoài ra, các nhu cầu tôn giáo hợp pháp, chính đáng khác của cộng đoàn giáo dân như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho giáo xứ, giáo họ cơ bản đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Lãnh đạo và đại diện các tổ chức đoàn thể Công an huyện Hưng Nguyên thăm hỏi các nữ tu của Tu viện Trang Nứa (xã Hưng Yên Bắc,                                 huyện Hưng Nguyên) nhân dịp lễ Noel
Lãnh đạo và đại diện các tổ chức đoàn thể Công an huyện Hưng Nguyên thăm hỏi các nữ tu của Tu viện Trang Nứa (xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên) nhân dịp lễ Noel
Cũng nhờ làm tốt CTDV, thời gian qua, nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước được bà con giáo dân hưởng ứng, tham gia tích cực, như: Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh; toàn dân bảo vệ ANTQ, toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia... Nhờ vậy, sức mạnh của ĐBCĐ trong tham gia phát triển KT-XH được huy động tối đa; mối đoàn kết lương giáo ngày càng được thắt chặt. Bên cạnh đó, nhiều mô hình dân vận khéo trong ĐBCĐ cũng được xây dựng và nhân rộng như: Tập hợp thanh niên sinh hoạt tại vùng giáo; tổ tự quản về ANTT… Cũng nhờ vậy, tỉ lệ tập hợp đoàn viên, hội viên của các đoàn thể trong vùng giáo đạt từ 51,7 - 82,1%. Hàng năm, nhân các dịp lễ trọng của tôn giáo, ngày lễ lớn của đất nước, các ban, ngành chức năng đều tổ chức thăm hỏi, gặp gỡ, tặng quà các chức sắc, chức việc; đồng thời vận động chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo tích cực tham gia các hoạt động của HĐND; tham gia phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền... 
 
Riêng đối với LLVT, CTDV được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thông qua thực hiện nhiệm vụ chính trị, hoạt động huấn luyện, các đơn vị LLVT kết hợp làm CTDV, cùng nhân dân xây dựng NTM, xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo ANTT. Cùng với đó, chú trọng việc tuyên truyền cho ĐBCĐ nhận thức rõ âm mưu của các thế lực thù địch; phối hợp nắm tình hình, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về tôn giáo để kịp thời báo cáo, tham mưu giải pháp xử lý có hiệu quả các vụ việc phức tạp. Một nội dung khác cũng được LLVT thực hiện hiệu quả là đổi mới công tác phát động, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ ở địa bàn đặc thù, trọng điểm phức tạp về ANTT. Trong đó, nổi bật là đã hướng dẫn xây dựng, nhân rộng, phát triển phong trào tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở khu dân cư; duy trì hoạt động của 480 ban chỉ đạo tự quản, 7.588 ban tự quản và 38.578 tổ tự quản về ANTT; 93 tổ tự quản đường biên, cột mốc…
 
Cùng với đó, vận động nhân dân xây dựng 57 loại mô hình, điển hình tiên tiến về đảm bảo ANTT, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng, được nhân rộng ra 928 địa bàn dân cư như mô hình “Giáo xứ, giáo họ bình yên, không có tội phạm và TNXH, đoàn kết chung tay xây dựng nông thôn mới” ở 31 xứ, họ đạo; có 49 dòng họ tiêu biểu về ANTT, 32 cụm liên kết tự quản về ANTT… Đặc biệt, các mô hình ở vùng giáo như “Cựu chiến binh với công tác đảm bảo ANTT” và “Tổ tuần tra nhân dân” của Ban tự quản về ANTT tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành đã trở thành điểm sáng trong việc phát động xây dựng lực lượng tại chỗ, tập hợp nhân dân đoàn kết, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương mạnh mẽ lên án, đấu tranh, tạo sự răn đe nghiêm khắc đối với các hành vi vi phạm pháp luật, chống phá chính quyền. Cùng với phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, nhiều mô hình hành quân dã ngoại làm CTDV ở các xã vùng giáo cũng phát huy hiệu quả thiết thực; điển hình như mô hình kết nghĩa yêu thương giữa lương và giáo của Hội Phụ nữ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, mô hình tặng cờ Tổ quốc của Đoàn Thanh niên, mô hình nâng bước em đến trường; phối hợp với các cơ quan, đơn vị LLVT xây dựng 87 nhà tình nghĩa cho 87 hộ dân. 
 
Có thể nói, làm tốt CTDV đối với vùng ĐBCĐ là nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo nhằm đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước tới đối tượng quần chúng có tính đặc thù. Minh chứng cho điều đó thể hiện trên thực tế, CTDV đã phục vụ hiệu quả việc giải quyết các vấn đề có liên quan tôn giáo, góp phần giữ vững ANTT, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh cũng như thúc đẩy sự phát triển KT-XH của địa phương.
.

Thùy Dương

.