Thứ Sáu, 06/09/2019, 17:29 [GMT+7]

Tạo 'sức mạnh' cho sản phẩm đặc trưng xứ Nghệ

(Congannghean.vn)-Nhìn nhận những tồn tại trong xây dựng thế mạnh cho nông sản nói riêng và chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới nói chung, Nghệ An đang tìm nhiều hướng đi đúng đắn và hợp lý nhất. Quyết tâm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” đang được nhiều địa phương và người dân hy vọng sẽ tạo động lực mới trong việc nâng cao chất lượng nông sản và cuộc sống của bà con.

Các hợp tác xã, doanh nghiệp Nghệ An  đã quan tâm đến quảng bá sản phẩm
Các hợp tác xã, doanh nghiệp Nghệ An đã quan tâm đến quảng bá sản phẩm
Tỉnh Nghệ An xác định “Mỗi xã một sản phẩm” là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, gắn phát triển nông thôn với đô thị. Đây cũng là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” ở Nghệ An là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ du lịch có lợi thế trên địa bàn tỉnh theo hướng gia tăng giá trị, do các tổ chức kinh tế tại địa phương thực hiện. Tỉnh Nghệ An hiện có 182 sản phẩm nông nghiệp lợi thế trong các lĩnh vực dịch vụ, lâm nghiệp, thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi. Tuy nhiên, đến nay mới có 49 sản phẩm có đăng ký, công bố tiêu chuẩn chất lượng, chiếm 26,9% tổng số sản phẩm hiện có; có 32 sản phẩm đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, chiếm 17,6% tổng số sản phẩm hiện có.
 
Có một thực tế đang tồn tại ở nhiều miền quê Nghệ An đó là, các nông sản, nhất là những sản phẩm truyền thống có nhiều thế mạnh để phát triển trên thị trường. Một mặt, nguồn cung dồi dào, mặt khác, lực lượng lao động khá đông, trong khi tay nghề đã được minh chứng trên thực tiễn. Tuy nhiên, các sản phẩm truyền thống còn thô sơ, chưa hấp dẫn, chưa có tiêu chuẩn chất lượng rõ ràng. Năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã còn yếu. Trong khi với người dân, tập quán sản xuất lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Tâm lý ngại thay đổi, bằng lòng với quy mô, năng lực hiện tại… Điều đó là nguyên nhân khiến việc nông sản Nghệ An khó cạnh tranh với những mặt hàng khác, nhất là với ngoại nhập. Việc đẩy mạnh chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” là giải pháp hiệu quả để phát triển nhóm sản phẩm cấp xã, huyện; đồng thời, đưa nông thôn mới đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững. 
 
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” giai đoạn 2018 - 2020, các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương được hỗ trợ phát triển theo chuỗi giá trị. Trong đó, Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách để thực hiện, hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa dịch vụ. Dựa trên nhu cầu, khả năng của đơn vị, chu trình xây dựng và triển khai qua các bước là tuyên truyền, hướng dẫn; đăng ký ý tưởng sản phẩm; nhận phương án sản xuất, kinh doanh; thực hiện phương án; đánh giá, xếp loại sản phẩm; xúc tiến thương mại. 
 
Ngày nay, người tiêu dùng ngày càng có xu thế sử dụng những sản phẩm gần gũi với thiên nhiên, ít qua chế biến. Đây là một lợi thế quan trọng để chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” có thể tiếp cận và được người dân đón nhận, triển khai với quyết tâm mới. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã hoàn thiện xây dựng đề án “Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030” với tổng kinh phí thực hiện khoảng 1.200 tỉ đồng; trong đó, kinh phí từ ngân sách Nhà nước 240 tỉ đồng; kinh phí do cộng đồng huy động 960 tỉ đồng. Trong đó, năm 2019 phấn đấu xây dựng 1 sản phẩm và năm 2020 có thêm 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao; củng cố, kiện toàn 100% doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia chương trình OCOP; phát triển mới ít nhất 20 tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP (ưu tiên HTX, công ty cổ phần)...
 
Nhiều nhiệm vụ trọng tâm sẽ được triển khai như bồi dưỡng nguồn nhân lực; liên kết phát triển sản xuất trên cơ sở hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm... Từ đó, tạo dấu ấn riêng biệt cho từng vùng, từng khu vực; đồng thời, là biện pháp hữu hiệu, thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bằng nguồn lực tại chỗ.
.

TUỆ TRANG

.