Tại Hải Phòng, đang có rất nhiều mô hình thanh niên chọn khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp và đã thành công. Những mô hình này đang tạo được khí thế mới, hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp cũng như phong trào khởi nghiệp trên địa bàn thành phố.
Được thực hiện từ tháng 8-2014, mô hình trồng nấm sò và nấm linh chi của anh Phạm Văn Tần, huyện An Dương, đã có những thành công bước đầu. Với quy mô ban đầu 100m2 cùng 5.000 bịch nấm linh chi đỏ Việt Nam và 2.000 bịch nấm sò, sau gần 2 năm thực hiện, mô hình đã mở rộng cơ sở sản xuất lên 2 trại với diện tích là 200 m2.
Mô hình áp dụng khoa học công nghệ vào quá trình nuôi trồng, áp dụng hệ thống tưới phun sương tự động và lắp đặt hệ thống quạt thông gió giúp tạo sự ổn định của nhiệt độ cũng như độ ẩm của môi trường; tăng thời gian nuôi trồng từ 2 vụ/năm thành 3 vụ/năm, từ đó tăng sản lượng, chất lượng nấm thành phẩm cung cấp ra thị trường.
Anh Phạm Văn Tần chia sẻ, sử dụng hệ thống tưới phun sương sẽ giúp tạo hạt nước rất nhỏ, mịn, gần như chỉ tăng độ ẩm không khí chứ không tưới trực tiếp lên cây nấm, vì vậy cây nấm sau khi thu hái sẽ tươi hơn, bảo quản được lâu hơn. Đặc biệt, nấm linh chi sẽ giữ được bào tử (bộ phận có dược tính cao nhất của cây nấm).
Việc áp dụng hệ thống tưới phun sương và quạt thông gió còn giúp tích kiệm đến 60% lượng nước tưới và giúp tiết kiệm chi tiêu cho sản xuất. Bên cạnh đó, nước tưới còn được đi qua một hệ thống lõi lọc, lọc bỏ những tạp chất giúp cho sản phẩm an toàn và hợp vệ sinh hơn. Nhờ mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để cho ra thành phẩm có chất lượng, sản phẩm nấm từ cơ sở của anh Tần đã được người tiêu dùng đón nhận.
Nghề trồng nấm mang lại nguồn thu đáng kể cho bà con nông dân huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. |
Nhận thấy sản phẩm của mình được thị trường tin dùng, anh Tần đã mạnh dạn đầu tư tăng diện tích trại nấm và tăng số bịch nấm được nuôi trồng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ngày càng cao của người dân. Cơ sở của anh hiện nay tạo việc làm cho 4 lao động chính và 6 lao động thời vụ với mức lương trung bình từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng. Anh Tần còn mở những lớp tập huấn, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm về trồng nấm cho người dân trong và ngoài xã, tạo điều kiện chuyển giao công nghệ cho nhiều thanh niên có nhu cầu phát triển ngành nấm.
Được khởi tạo cùng thời điểm với mô hình trồng nấm của anh Phạm Văn Tần, song có những bước tiến nhanh hơn là mô hình “Lai tạo nhân giống và sản xuất hoa lan hồ điệp công nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào” của anh Nguyễn Văn Hùng, thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái, huyện An Dương. Cơ sở sản xuất hoa lan Phạm Quỳnh của anh Hùng được thành lập từ năm 2014.
Anh Hùng cho biết, ban đầu anh đầu tư hệ thống nhà kính với diện tích 240m2. Trong quá trình tìm hiểu về cách lai tạo và nhân giống lan, anh vừa làm, vừa thường xuyên qua Đài Loan (Trung Quốc) học hỏi kỹ thuật. Đến đầu năm 2015, anh bắt tay vào xây dựng phòng thí nghiệm để nhân giống phục vụ sản xuất. Sau khi được chuyển giao công nghệ, kỹ thuật từ Đài Loan, cơ sở của anh tiến hành nhập bình cây mẹ từ Đài Loan về để nhân giống sản xuất.
Đến năm 2016, cơ sở của anh Hùng ký hợp đồng với hộ dân tại Mộc Châu (Sơn La) để cùng kết hợp đưa cây giống từ Đài Loan về trồng. Giai đoạn này, cơ sở đã mở rộng diện tích lên 1.240 m2, trong đó diện tích hợp tác là 1.000 m2; lượng cây giống nhập về là 37.000 cây. Đến cuối năm 2016, sau khi trừ chi phí, cơ sở có lãi 3 tỉ đồng.
Không ngừng phát triển, năm 2017, cơ sở sản xuất hoa lan Phạm Quỳnh đã chủ động một phần nguồn giống và mở rộng cơ sở 2 tại thôn Xích Thổ, xã Hồng Thái, với mức đầu tư 6,1 tỉ đồng. Sau hơn 4 năm đi vào hoạt động, cơ sở đã hoàn thiện quy trình nhân giống nuôi cấy mô, chăm sóc cây thành phẩm và đã có chỗ đứng trên thị trường.
Hiện nay do nhu cầu thị trường, cơ sở đang tiến hành dự án lai tạo những dòng sản phẩm mới. Với những thành quả thu được từ sự nỗ lực bền bỉ, năm 2018, anh Hùng đã vinh dự nhận được Giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn Thanh niên Hồ Chí Minh trao tặng cho các nhà nông trẻ có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh.
Anh Đào Phú Thùy Dương, Bí thư Thành đoàn Hải Phòng cho biết, nông nghiệp đang là một trong những ngành nghề được nhiều thanh niên trên địa bàn thành phố ưu tiên lựa chọn để khởi nghiệp. Thành công ban đầu của một số mô hình đã tạo nên sự hứng thú, khơi dậy đam mê trong lớp thanh niên địa phương. Theo Bí thư Thành đoàn Hải Phòng, những mô hình này sẽ là động lực góp phần giúp ngành nông nghiệp thành phố có những đổi thay tích cực hơn trong thời gian tới.
Với những thành công trong mô hình khởi nghiệp, anh Phạm Văn Tần, anh Nguyễn Văn Hùng và nhiều tấm gương thanh niên khác sẽ là những điển hình tiên tiến được vinh danh trong Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam Hải Phòng lần thứ X nhiệm kỳ 2019-2024, sẽ diễn ra ngày 10-9.
.