Thứ Tư, 28/08/2019, 08:29 [GMT+7]

Tạo sức bật từ chính sách tín dụng giảm nghèo

(Congannghean.vn)-Ông bà ta đã từng nói “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, với những người có hoàn cảnh khó khăn, việc quan tâm, hỗ trợ bằng chính sách tín dụng giảm nghèo, sẽ tạo cần câu để họ vươn lên ổn định cuộc sống bền vững. 

Chính sách tín dụng giảm nghèo góp phần để người dân tích cực sản xuất
Chính sách tín dụng giảm nghèo góp phần để người dân tích cực sản xuất
Trong thời gian qua, thực hiện các văn bản, kế hoạch của Trung ương và địa phương, tỉnh chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể liên quan triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh giải ngân chương trình tín dụng, thúc đẩy phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng tín dụng. Hàng năm, đều giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay, giám sát, kiểm tra, yêu cầu các hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước tại Nghệ An đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện hàng loạt chính sách hỗ trợ trường hợp khó khăn: Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục vay vốn, niêm yết công khai và hướng dẫn đầy đủ cho người dân khi vay vốn; đa dạng các sản phẩm tín dụng phù hợp với hoạt động sản xuất, tiêu dùng của người dân. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đang triển khai 19 chương trình tín dụng phục vụ các đối tượng người nghèo, người có thu nhập thấp, điển hình như: Cho vay ưu đãi hộ nghèo theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP; cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28/2015/QĐ-TTg; cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP... 
 
Theo báo cáo, đến ngày 30/6/2019, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Nghệ An đang thực hiện 19 chương trình tín dụng chính sách với tổng nguồn vốn đạt 8.237 tỉ đồng. Riêng doanh số giải ngân trong 5 năm (2014 - 2019) đạt 12.719 tỉ đồng với 461.250 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn; mức đầu tư bình quân đã đạt 38,5 triệu đồng/hộ (tăng 2,1 lần so với cuối năm 2014). Doanh số thu nợ đạt 10.572 tỉ đồng (chiếm 83% tổng doanh số cho vay), tạo ra nguồn vốn quay vòng lớn, từng bước đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của các đối tượng chính sách. Trong 5 năm (2014 - 2019), Ngân hàng Chính sách xã hội Nghệ An đã thực hiện giải ngân  12.719  tỉ đồng cho 461.250 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 8.222 tỉ đồng, tăng 1.991 tỉ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW (tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm đạt 7,1%), với 241 nghìn khách hàng đang dư nợ. 5 năm qua, tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp cho 93.119 hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm ổn định cho 12.368 lao động; 1.729 lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động. Tín dụng chính sách đã giúp 38.146 hộ gia đình kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh; 109.559 hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn; xây dựng trên 219 nghìn công trình nước sạch vệ sinh môi trường. 
 
Bên cạnh đó, đã có 8.466 hộ nghèo được vay vốn để xây dựng mới hoặc sửa chữa lại nhà ở, làm chòi tránh lũ nhờ vốn chính sách; gần 11 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Hơn 7,5 nghìn hộ là đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, yên tâm bám đất, bám bản tại các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Doanh số cho vay với đồng bào dân tộc thiểu số là 5.174 tỉ đồng với gần 425.000 lượt hộ vay vốn; hiện đang có 299 nghìn người vay còn dư nợ...  Ngoài ra, tổ chức chính trị xã hội các cấp cũng đã thực hiện tốt nội dung ủy thác, thường xuyên tham gia phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội để nắm bắt và tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc.
 
Đồng thời, tăng cường củng cố hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp lồng ghép chuyển giao khoa học, kỹ thuật cùng với giải ngân nguồn vốn vay giúp bà con biết cách đầu tư, tổ chức kinh doanh phù hợp, góp phần nâng cao hiệu quả nguồn vốn. Có thể thấy rõ, thực hiện chính sách giảm nghèo không chỉ có dấu ấn của các ngành ngân hàng mà huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội tham gia vào hoạt động tín dụng chính sách hỗ trợ giảm nghèo cho các gia đình khó khăn. Các chương trình cho vay xuất khẩu lao động, nước sạch và vệ sinh môi trường, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo đã giúp người dân có thu nhập ổn định.
 
Đánh giá chung của các ngành Trung ương và địa phương, sau 5 năm triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư và Quyết định 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghệ An đã đạt kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội đối với việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Bằng hệ thống các giải pháp đồng bộ và sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp, tổ chức hội đoàn thể làm ủy thác tập trung thu hồi nợ quá hạn, đặc biệt đã thu được nhiều món nợ xấu tồn đọng, kiềm chế tối đa nợ quá hạn phát sinh, giảm nợ quá hạn qua hàng năm.
 
Nhờ các chính sách đồng bộ, tỉ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh từ 12,1% năm 2015 xuống còn 5,54% vào cuối năm 2018 theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020. Tỉ lệ hộ nghèo tại vùng nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số 2 năm từ 2016 - 2017 đã giảm từ 24,04% xuống còn 17,04% với 17.214 hộ (các huyện nghèo giảm bình quân 5% mỗi năm). Từ đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An; tạo động lực để Nghệ An thực hiện thành công Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Chương trình giảm nghèo bền vững đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 của tỉnh. Đồng thời, thay đổi diện mạo đáng kể các làng vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số. Theo đó, tốc độ tăng trưởng vốn tại vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số luôn cao hơn so với mức tăng trưởng bình quân của toàn tỉnh. Từ năm 2007 - 2017, mức tăng trưởng cho 11 huyện miền Tây đạt 44,4%, trong khi mức tăng trưởng bình quân chung là 43%.
 
Có thể thấy, để giải quyết hiệu quả việc giảm nghèo, vấn đề cốt lõi là phải làm thay đổi suy nghĩ, cách làm của người dân. Từ trước đến nay, ở đâu có hộ nghèo, người nghèo thì các chính quyền sẽ tổ chức hỗ trợ, lâu thành thói quen, sẽ hình thành tư tưởng ỷ lại. Việc tập trung đẩy nhanh và hiệu quả các chính sách tín dụng giảm nghèo chính là tạo cơ hội để người dân tự lực vươn lên với những cam kết cụ thể, chi tiết. Từ đó, tạo cơ hội để người nghèo vận dụng, học hỏi và áp dụng những cách làm hay, sáng tạo, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từ đó, xem trọng việc nâng cao trình độ học vấn, học nghề và tìm kiếm việc làm, giảm nghèo bền vững. 
.

TUỆ TRANG

.