Thứ Năm, 01/08/2019, 08:07 [GMT+7]

Sức vươn từ kinh tế biển (Bài cuối)

>>Bài 1: Những con tàu lướt sóng giữa trùng khơi

>>Bài 2: Phát huy tiềm lực biển trong công nghiệp hóa, hiện đại hóa

>>Bài 3: Thổi làn gió mới cho “ngành công nghiệp không khói”

>>Bài 4: Điểm tựa vững chắc giữa trùng khơi

(Congannghean.vn)-Với 82 km bờ biển, được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng, Nghệ An đã từng bước chuyển dịch cơ cấu, phát triển mạnh mẽ từ kinh tế biển. Dựa vào biển, làm giàu từ biển, đưa kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn đang là chủ trương lớn, được Nghệ An triển khai bằng nhiều nội dung, kế hoạch mang tầm chiến lược.

Bài cuối: Khẳng định giá trị bền vững

Quê hương Nghệ An đang thay da đổi thịt từng ngày, trong đó, có dấu ấn đậm nét của các thành phần kinh tế biển. Biển đang mở ra những cơ hội mới, tầm nhìn mới và khát vọng mới cho người dân xứ Nghệ. Làm thế nào để tiếp tục khai thác hiệu quả, bền vững tiềm năng kinh tế biển, gắn phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc đang đòi hỏi những quyết tâm, nỗ lực và trách nhiệm nhiều hơn nữa trong chính chúng ta.

Công an TX Cửa Lò đảm bảo an toàn để du khách tham quan du lịch
Công an TX Cửa Lò đảm bảo an toàn để du khách tham quan du lịch

Tài nguyên môi trường biển đang bị đe dọa

Đến nay, việc Châu Âu chưa gỡ thẻ vàng đối với ngành chăn nuôi thủy hải sản Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung là một bài học đắt giá với các cấp quản lý và chính người dân.

Trước đó, vào ngày 23/10/2017, Ủy ban Châu Âu EC cảnh báo “thẻ vàng” đối với sản phẩm hải sản khai thác của Việt Nam, bởi Việt Nam chưa kiểm soát được hoạt động khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); công tác quản lý nghề cá Việt Nam chưa tương đồng với quản lý nghề cá khu vực và thế giới, đặc biệt chưa đáp ứng được các quy định về truy xuất nguồn gốc sản phẩm hải sản khai thác của Ủy ban Châu Âu EC.

Điều này xuất phát từ một thực tế vốn đã tồn tại từ lâu trong thói quen khai thác thủy hải sản theo lối “tận diệt” của người dân. Trong đó, chủ yếu là giã cào khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển ven bờ; khai thác sai mùa vụ, sai nghề; tình trạng sử dụng kích điện, chất nổ để khai thác thủy sản; không ghi nhật ký khai thác thủy sản, không đánh dấu tàu cá… đã làm hủy hoại nguồn lợi thủy sản, gây mất an toàn trong khai thác thủy sản trên biển. Đây chính là nguyên nhân căn cơ khiến nguồn tài nguyên thủy hải sản ngày càng khan hiếm như hiện nay.

Chợ cá Diễn Ngọc ngày thuyền về bến
Chợ cá Diễn Ngọc ngày thuyền về bến

Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cho biết: Thời gian gần đây, một số ngư dân khai thác thủy hải sản thiếu hiệu quả. Nguyên nhân chính là do nguồn lợi thủy hải sản bị khai thác quá mức cho phép dẫn đến không thể sinh sôi, phát triển kịp để đáp ứng nhu cầu. Người dân đã bắt đầu “ngấm” hệ quả của việc khai thác thủy hải sản thiếu khoa học của chính mình.

Theo kế hoạch, cuối tháng 10/2019, Đoàn Thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về Biển và Thủy sản của Liên minh Châu Âu sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị của EC về IUU. Đợt kiểm tra này đặc biệt quan trọng, đây là thời điểm EC đánh giá kết quả sau 2 năm Việt Nam thực hiện các khuyến nghị của EC để có đủ luận chứng đưa ra kết luận có thể gỡ bỏ hoặc duy trì cảnh báo “thẻ vàng” hoặc áp dụng biện pháp cảnh báo “thẻ đỏ” đối với sản phẩm thủy sản khai thác của Việt Nam. Trên thực tế, nếu bị EC rút “thẻ đỏ”, ngư dân sẽ càng khó khăn vì doanh nghiệp chế biến hải sản sẽ không được xuất khẩu hải sản.

“Ngư dân cần tìm hiểu rõ các quy định của pháp luật về khai thác hải sản cũng như vùng lãnh thổ của Việt Nam để đánh bắt an toàn, nâng cao ý thức trách nhiệm trong hoạt động khai thác trên biển”, anh Trần Văn Ơn, ngư dân xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu cho biết.

Xuồng cao tốc của Công ty Song Ngư Sơn đưa du khách ra tham quan Đảo Ngư
Xuồng cao tốc của Công ty Song Ngư Sơn đưa du khách ra tham quan Đảo Ngư

Vì thế, việc thực hiện nghiêm các văn bản, công điện trong khai thác thủy hải sản đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa từ vai trò tuyên truyền giáo dục, thanh, kiểm tra của các ngành chức năng đến ý thức chấp hành của chính các ngư dân. Ở các khu vực cấm khai thác, khu bảo tồn, ngư dân phải tuyệt đối chấp hành, đồng thời việc thực thi pháp luật phải nghiêm, làm sao nhận thức của người dân phải thay đổi để thấy giá trị của nguồn lợi thủy sản chính là cuộc sống, sinh kế.

Không chỉ nguồn lợi thủy hải sản, môi trường biển cũng đang bị ảnh hưởng bởi sự phát triển công nghiệp, du lịch. Đi đôi với những resort, khách sạn mọc lên ngày càng nhiều là khối lượng rác thải ngày càng lớn. Đáng chú ý, hệ thống nước thải ở một số cơ sở nuôi trồng, chế biến thủy hải sản chưa qua xử lý “chạy thẳng” ra biển khiến nguồn nước bị ảnh hưởng. Nguồn rác thải nhựa cũng là mối lo lớn với các địa phương ven biển...

Ông
Ông Võ Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Cửa Lò trao đổi với Phóng viên Báo Công an Nghệ An về phát triển du lịch bền vững

Đáng lo ngại là phần lớn do khách du lịch thiếu ý thức trong hành trình đi du lịch, trong khi người dân sinh sống ven biển vẫn chưa nhận thức rõ về mức độ nguy hiểm ô nhiễm rác thải nhựa tới vùng biển như thế nào. Như tại khu vực biển thuộc TX Cửa Lò mỗi ngày công nhân đều thu gom lượng lớn rác thải trôi nổi khắp các bãi tắm; bãi biển Quỳnh Phương, những chai nhựa, túi nilon... theo sóng trôi dạt dọc bãi cát vàng, ảnh hưởng đến mỹ quan khu du lịch.

Phát triển kinh tế biển “xanh”

Nhằm kết hợp hài hòa mối quan hệ giữa bảo vệ môi trường bền vững và khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên trong phát triển kinh tế biển, UBND tỉnh Nghệ An đã triển khai Dự án quản lý tổng hợp đới bờ (QLTHĐB). Đây là một phương thức, cách tiếp cận quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo mang tính tổng thể để đạt được phát triển bền vững tại vùng bờ biển. Việc áp dụng dự án này nhằm giải quyết các vấn đề về ngăn ngừa, quản lý thiên tai và thảm họa do con người gây ra; bảo vệ, phục hồi, chống suy thoái các sinh cảnh, hệ sinh thái, ô nhiễm môi trường; an toàn thực phẩm và sinh kế của con người; phòng, chống biến đổi khí hậu...

Song song với đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo công tác quản lý tài nguyên - môi trường vùng đới bờ có hiệu quả. Nghệ An là tỉnh sớm chủ động triển khai dự án đới bờ trong vùng Bắc Trung Bộ từ chính nguồn ngân sách của tỉnh và huy động các cấp, ngành và các tầng lớp nhân dân tham gia. Ba mô hình đề xuất thí điểm trong giai đoạn tới gồm: Mô hình phát triển rừng ngập mặn gắn với phát triển du lịch sinh thái tại xã Hưng Hòa (TP Vinh); mô hình giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải rắn cho TX Cửa Lò; chương trình quan trắc môi trường tổng hợp vùng bờ tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025.

Cán bộ công an phường Nghi Thủy - TX Cửa Lò kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn tại các khách sạn cao tầng trên địa bàn
Cán bộ công an phường Nghi Thủy - TX Cửa Lò kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn tại các khách sạn cao tầng trên địa bàn

Ông Lê Văn Hưng, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường Nghệ An khẳng định, vào mùa du lịch, mỗi tháng, Trung tâm đều 2 lần lấy mẫu nước biển ở các địa phương để kiểm tra, xét nghiệm. Kết quả sẽ được công bố chính thức trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân và du khách được biết rõ. Báo cáo mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Nghệ An, chất lượng môi trường biển ở các điểm du lịch đều an toàn.

Phát triển kinh tế biển xanh đang là hướng đi của không riêng Nghệ An. Xu thế đó đang trở thành mục tiêu rõ rệt ở các địa phương ven biển trong cả nước. Trong đó, yếu tố then chốt chính là việc khoa học công nghệ. Trăn trở về việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào kinh tế biển, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ Nghệ An khẳng định, dù đã rất cố gắng nhưng kết quả vẫn chưa tương xứng với tiềm năng. Trên thực tế, những công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong nuôi trồng, chế biến thủy hải sản đã tạo hiệu quả rõ rệt trong sản xuất. Trong đó, phải kể đến việc thực hiện phương pháp đánh bắt “chụp 4 tăng gông”, triển khai thí điểm đèn led thay thế đèn cao áp góp phần giảm thiểu tiêu hao nhiên liệu, thực hiện ứng dụng đo đếm tự động trong nuôi trồng thủy sản, đề tài đánh giá tác động đến môi trường biển... Đặc biệt, 3 năm nay, việc ứng dụng nuôi tảo xoắn spirulina và tảo Nano đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân.

Thừa nhận những khó khăn khi áp dụng khoa học công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế biển, song ông Trần Quốc Thành cũng khẳng định, thời gian tới, những tiến bộ mới sẽ được áp dụng rộng rãi hơn và được đầu tư hơn. Hiện, Sở Khoa học - Công nghệ Nghệ An đang chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp, Bộ Khoa học - Công nghệ tiếp tục nghiên cứu và đưa vào thực tiễn những công nghệ mới. Mục tiêu là nâng cao giá trị sản xuất bền vững, thích ứng, hòa hợp với môi trường biển.

Theo ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ngoài tích cực áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nhân lực cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà Nghệ An đã và đang triển khai. Bởi con người là yếu tố quyết định nhất đến thành công của mọi thành phần kinh tế, nhất là xu hướng phát triển kinh tế biển bền vững như hiện nay.

“Hướng trọng tâm là đẩy mạnh xã hội hoá và mở rộng hợp tác quốc tế về công tác đào tạo. Có chính sách hấp dẫn để khuyến khích đội ngũ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, tạo động lực thu hút các chuyên gia, lao động trình độ cao. Đồng thời với việc phát triển nhân lực biển phải đặc biệt coi trọng phát triển xã hội ở vùng ven biển; chú ý tới đời sống và tính mạng của những người hoạt động trên biển và người dân ở những vùng thường bị thiên tai”, ông Hồng cho biết thêm.

Phát triển kinh tế biển là chiến lược phát triển bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền và đảm bảo an ninh quốc phòng
Phát triển kinh tế biển là chiến lược phát triển bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền và đảm bảo an ninh quốc phòng

Thực tiễn sinh động tại các quốc gia và địa phương đã minh chứng, mọi dấu ấn phát triển đột phá đều bắt nguồn từ biển cả. Có gặp gỡ và sẻ chia mới thấy rõ, biển đã làm đổi thay cuộc sống của người dân như thế nào và khát vọng chinh phục biển cả trong mỗi người dân xứ Nghệ lớn lao ra sao. Họ là những người lính trên đảo Trường Sa; là công nhân trên cảng quốc tế tấp nập, sôi động; là những ngư dân “ăn sóng, nói gió” trước phong ba bão táp; là chiến sỹ Công an bãi ngang luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ trên sóng nước... Thử thách cuộc sống, tình yêu quê hương nồng nàn đã hun đúc, thắp lên trong họ ngọn lửa chinh phục và cống hiến để vươn lên vì cuộc sống bình yên, vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

.

Bình Nguyên - Mai Hậu

.