Thứ Tư, 31/07/2019, 14:42 [GMT+7]

Lần đầu tiên chế biến cát biển đạt tiêu chuẩn xây dựng

Việc chế biến thành công cát biển nhiễm mặn đạt tiêu chuẩn cát xây dựng sẽ góp phần khắc phục cơn sốt cát xây dựng hiện nay và từng bước hạn chế tình trạng khai thác cát sỏi trái phép từ các sông, suối gây ảnh hưởng tới môi trường.
 
Ngày 31-7, nhà máy chế biến cát biển đạt tiêu chuẩn cát xây dựng đầu tiên của Việt Nam chính thức đi vào hoạt động tại ấp Bãi Vòng, xã Hàm Ninh, huyện Phú Quốc (Kiên Giang).
 
Việc đi vào hoạt động nhà máy chế biến cát biển đạt tiêu chuẩn cát xây dựng tại quần đảo cực Nam Tổ quốc có ý nghĩa thiết thực khi cả đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang lo vấn nạn sạt lở; mực nước trên sông Cửu Long thấp kỷ lục, do các đập thủy điện trên dòng chính sông Mekong phía trên ngày càng nhiều và tác động từ biến đổi khí hậu nước biển dâng. 
Các đại biểu cắt băng khánh thành nhà máy chế biến cát biển thành cát xây dựng đạt tiêu chuẩn Việt Nam tại Phú Quốc (Kiên Giang).
Các đại biểu cắt băng khánh thành nhà máy chế biến cát biển thành cát xây dựng đạt tiêu chuẩn Việt Nam tại Phú Quốc (Kiên Giang).
Nhà máy này được xây dựng trên cơ sở ứng dụng công nghệ chế biến cát sạch Phan Thành do kỹ sư Võ Tấn Dũng (Cần Thơ) sáng chế. Nhà máy có công suất thiết kế tối đa 200m3/h. Ưu điểm của dây chuyền công nghệ này là vận dụng áp lực va đập tách kết cấu tạm thời của cát biển để rửa sạch muối, loại bỏ tạp chất hữu cơ, sàng lọc phân loại hạt… đưa ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ nhu cầu bê tông, xây cất và sản xuất công nghiệp. 
 
Trước khi đi vào hoạt động, đầu năm 2019, ông Dũng đã tiến hành thử nghiệm, có sự thẩm định của các chuyên gia (Viện Khoa học công nghệ xây dựng - Bộ Xây dựng) nguồn cát nguyên khai vùng biển Phú Quốc đưa vào chế biến cho ra sản phẩm cát đạt tiêu chuẩn cát xây dựng theo TCVN 7570:2006.
 
Ghi nhận kết quả phân tích từ các phòng thí nghiệm cho thấy, cát nhiễm mặn tại Phú Quốc có hàm lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ khá cao (1,5% - nhiều nhất là vỏ sò) và hàm lượng ion Clo (Cl-) là 0,38%. Sau khi đưa vào chế biến bằng công nghệ Phan Thành cho ra cát thành phẩm sạch, hàm lượng tạp chất hữu cơ đạt 0,2%; hàm lượng Cl- đạt 0,009% và modul độ lớn của hạt đạt 1.6. 
Dây chuyền chế biến cát biển thành cát xây dựng do kỹ sư Võ Tấn Dũng sáng chế.
Dây chuyền chế biến cát biển thành cát xây dựng do kỹ sư Võ Tấn Dũng sáng chế.
Trên cơ sở các tiêu chuẩn kỹ thuật, ngày 22-1-2019, Phân Viện chuyên ngành bê tông (Viện Khoa học công nghệ xây dựng) có báo cáo chính thức, nhận xét: “Mẫu cát nhiễm mặn Phú Quốc nằm trong vùng vô hại về khả năng phản ứng kiềm silic, trước khi chế biến hàm lượng Cl- không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng cho bê tông, vữa. Sau khi được lọc rửa bằng công nghệ Phan Thành, lượng bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ, hàm lượng Cl- đạt yêu cầu kỹ thuật sử dụng cho các loại bê tông, vữa theo TCVN 7570:2006”.
 
Một trong những chuyên gia thẩm định chất lượng sản phẩm cát sau chế biến, ông Nguyễn Đức Thắng (nguyên Giám đốc phân Viện chuyên ngành bê tông), khẳng định: “Các yếu tố gây hại còn lại trong cát biển nguyên khai như hàm lượng Cl-, bụi, bùn, sét, tạp chất hữu cơ và thành phần hạt mịn thì qua dây chuyền công nghệ chế biến cát sạch đều xử lý được; chống tình trạng hút ẩm, dộp bê tông, ăn mòn bê tông cốt thép từ việc sử dụng cát biển”. 
 
Kỹ sư Dũng, cho biết: “Việc chế biến thành công cát biển nhiễm mặn đạt tiêu chuẩn cát xây dựng sẽ góp phần tích cực khắc phục cơn sốt cát xây dựng trên thị trường; đáp ứng yêu cầu tận dụng nguồn cát biển đưa vào phục vụ nhu cầu xây dựng các công trình biển đảo, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia, phát huy lợi thế sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ, giảm chi phí cát và vận chuyển cát trong đầu tư xây dựng công trình đồng thời nâng cao hiệu quả sử dụng công trình”. 
 
So với yêu cầu kỹ thuật TCVN 7570:2006 về hàm lượng Cl- đối với cát dùng trong kết cấu bê tông, bê tông cốt thép và vữa thông thường (dưới 0,05%), thì cát nhiễm mặn nguyên khai ở biển Phú Quốc qua chế biến bằng công nghệ Phan Thành, hàm lượng Cl- thấp hơn ngưỡng tiêu chuẩn cho phép nhiều lần. 
 
Như vậy, việc nhà máy chế biến cát biển đạt tiêu chuẩn cát xây dựng tại Phú Quốc đi vào hoạt động sẽ giải quyết nhu cầu cát xây dựng cho các dự án đang triển khai rầm rộ tại đây; tiết kiệm chi phí vận chuyển cát sông ra đảo, góp phần giải quyết nạn sạt lở do thiếu hụt trầm tích ở ĐBSCL.
Việc chế biến thành công cát biển nhiễm mặn đạt tiêu chuẩn cát xây dựng góp phần khắc phục cơn sốt cát xây dựng trên thị trường hiện nay.
Việc chế biến thành công cát biển nhiễm mặn đạt tiêu chuẩn cát xây dựng góp phần khắc phục cơn sốt cát xây dựng trên thị trường hiện nay.
Trong Quyết định 126/QĐ-TTg ngày 25/01/2019 “Về việc phê duyệt đề án phát triển vật liệu xây dựng phục vụ các công trình ven biển và hải đảo đến năm 2025”, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ: “Nghiên cứu sản xuất các loại vữa trộn sẵn (xây, trát dùng cho bê tông) và các loại phụ gia có tính năng chống môi trường xâm thực phục vụ các công trình ven biển và hải đảo. Đầu tư cơ sở tuyển rửa, chế biến và sử dụng nguồn cát biển, cát nhiễm mặn làm vật liệu xây dựng phục vụ nhu cầu xây dựng công trình ven biển và hải đảo; sản xuất phát triển các loại phụ gia sử dụng cát biển, nước biển nhằm thay thế cát xây dựng khai thác từ sông, suối, lòng sông. Phát triển các loại vật liệu lợp, bao che phù hợp với môi trường thời tiết khí hậu khắc nghiệt của biển, thích hợp với các công trình ven biển và hải đảo”. 
 
Ngày 24/2/2017, Bộ Xây dựng công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, khẳng định: “Việc ứng dụng công nghệ chế biến cát sạch vào thực tiễn sẽ đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội, nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng cát xây dựng ngày càng gia tăng là cần thiết. Bộ Xây dựng ủng hộ và tạo điều kiện để doanh nghiệp quảng bá công nghệ chế biến nhằm tìm kiếm các nhà đầu tư có đủ năng lực triển khai ứng dụng thực tế”.
.

Nguồn: CAND

.