Thứ Hai, 22/07/2019, 08:48 [GMT+7]

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong cấp phép bến thủy nội địa

(Congannghean.vn)-Thời gian qua, tình trạng khai thác cát, sỏi trái phép trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp; hoạt động tập kết, kinh doanh cát, sỏi còn lộn xộn, gây thất thoát ngân sách Nhà nước, đe dọa hành lang đê điều, sạt lở bờ kè, thay đổi dòng chảy, phá vỡ quy hoạch bến thủy nội địa; đồng thời, gây nên sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác cát, sỏi, bến thủy nội địa. Trong khi đó, việc cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có giải pháp tháo gỡ nhằm tạo điều kiện cho các cá nhân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh cát, sỏi.

VIệc hoàn thiện thủ tục cấp phép hoạt động cho các mỏ, bến, bãi tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình kinh doanh cát, sỏi, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn
VIệc hoàn thiện thủ tục cấp phép hoạt động cho các mỏ, bến, bãi tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình kinh doanh cát, sỏi, đáp ứng nhu cầu về vật liệu xây dựng trên địa bàn

Trước tình trạng khai thác khoáng sản trái phép diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền địa phương để quản lý, bảo vệ khoáng sản. Điển hình là việc các cơ quan chức năng đã liên tiếp mở những đợt ra quân, thành lập các đoàn liên ngành để truy quét, ngăn chặn và xử lý tình trạng khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi trái phép với mục tiêu chấn chỉnh hoạt động khai thác, tập kết, kinh doanh cát, sỏi để giữ vững trật tự kỷ cương, thiết lập hành lang bảo vệ nguồn khoáng sản chưa khai thác. Cùng với đó, các cấp chính quyền đang tìm giải pháp tháo gỡ những thủ tục để hoàn thiện hồ sơ, tuy nhiên, do liên quan đến nhiều ban, ngành nên công tác cấp phép mỏ, bến thủy nội địa vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân dẫn đến việc các bến, bãi chưa hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ để được cấp giấy phép hoạt động là do quan điểm chỉ đạo xem bến, bãi như một dự án đầu tư xây dựng, nên các thủ tục hồ sơ phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Xây dựng số 50, còn trình tự thủ tục thực hiện theo Quyết định số 72 của UBND tỉnh. Cụ thể: Dự án phải có chủ trương đầu tư; thủ tục thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500; thủ tục về việc sử dụng đất liên quan đến dự án; chủ trương xây dựng hồ sơ thiết kế bến thủy nội địa, hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế, thẩm định phê duyệt hồ sơ, lập hồ sơ hoàn công, tổ chức nghiệm thu công trình đưa vào khai thác sử dụng và cuối cùng là cấp phép hoạt động bến thủy nội địa.

Do thủ tục hồ sơ liên quan đến nhiều lĩnh vực quản lý của các sở, ngành: Tài nguyên - Môi trường, Kế hoạch - Đầu tư, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… nên thời gian hoàn chỉnh hồ sơ thường bị kéo dài. Trong đó, việc thuê đất vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, bất cập như: Chuyển nhượng đất giữa các hộ, thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ngân hàng, năng lực tư vấn lập hồ sơ thiết kế, hoàn công còn hạn chế… Ngoài ra, một số bến, bãi đã được cấp phép mỏ khai thác khoáng sản nhưng chưa có quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 5206 nay phải điều chỉnh, bổ sung. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa thực hiện được do phải chờ các hướng dẫn thực hiện của Luật Quy hoạch.

Để tạo điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho chủ bến kinh doanh cát, sỏi và các doanh nghiệp đã được cấp phép khai thác mỏ cát, sỏi nhưng chưa có quy hoạch bến thủy nội địa, theo Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) cần đơn giản hóa một số nội dung áp dụng Quyết định số 72 của UBND tỉnh “Quy định về trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư”.

Trong đó, công khai hóa danh mục trình tự thủ tục thực hiện đối với dự án bến, bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi (cụ thể hóa trình tự, nội dung từng bước thực hiện để tổ chức, cá nhân và UBND cấp huyện, xã biết, triển khai thực hiện). Do thực tế bến, bãi tập kết cát, sỏi hiện nay chỉ có mặt bằng tập kết cát, sỏi, cần cẩu (hoặc ống bơm hút) để trung chuyển cát, sỏi từ tàu, thuyền lên bãi, không được xây dựng công trình nhà cửa theo quy định của Luật Phòng chống thiên tai nên ủy quyền cho UBND cấp huyện phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500.

Bên cạnh đó, việc sử dụng đất để xây dựng các bến thủy nội địa hiện nay phần lớn là đất bãi bồi, ven sông, chịu ảnh hưởng lớn của thiên tai bão lụt hàng năm nên diện tích đất không ổn định. Vì thế, đề nghị thời hạn cho thuê đất tối đa là 10 năm, khi hết thời hạn thì xem xét cho gia hạn tiếp (hiện nay đối với doanh nghiệp cho thuê là 49 năm, đối với hộ gia đình cho thuê là 25 năm).

Ngoài ra, trong thời gian chờ các văn bản hướng dẫn của cơ quan Trung ương về thực hiện Luật Quy hoạch ngày 24/11/2017 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 Luật liên quan đến quy hoạch ngày 20/11/2018, Sở GTVT đề nghị chấp thuận dự án cho những bến đã xuất hồ sơ, thủ tục theo quy định đã có trong quy hoạch đã được phê duyệt nhưng địa phương đã đủ số lượng bến quy hoạch của giai đoạn. Đối với các mỏ cát, sỏi đã được UBND tỉnh cấp phép khai thác, có nhu cầu mở bến thủy nội địa nhưng chưa có kế hoạch bến thủy nội địa, đề nghị xem xét cho chấp thuận dự án đối với những bến đã xuất hồ sơ, thủ tục theo quy định, về quy hoạch sẽ điều chỉnh, bổ sung sau.

Cùng với đó, đề xuất tiếp tục giao Sở Kế hoạch - Đầu tư xem xét các quy định hiện hành để tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông đường thủy nội địa theo nội dung văn bản mà Sở GTVT đã tổng hợp trên cơ sở ý kiến đề xuất của các địa phương.

Nhiều bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi vẫn ngang nhiên hoạt động gây ra nhiều hệ lụy
Nhiều bãi tập kết kinh doanh cát, sỏi vẫn ngang nhiên hoạt động gây ra nhiều hệ lụy

Có thể khẳng định, việc hoàn thiện hồ sơ xin cấp phép bến thủy nội địa gặp nhiều khó khăn là do các quy định về đất đai, môi trường, đê điều, quy trình nộp thuế ngân sách, dòng chảy, dân sinh… Để tạo điều kện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, Sở GTVT là đơn vị cấp mới và cấp lại giấy phép bến thủy nội địa cũng đã chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ cấp phép để hạn chế tình trạng tập kết, kinh doanh cát, sỏi để tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Theo đó, 100% doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính xin cấp giấy phép hoạt động tại Sở GTVT đã được tiếp nhận, xử lý, đảm bảo đúng quy định về thành phần hồ sơ, thời hạn giải quyết và trả kết quả; không có hồ sơ tồn đọng chưa được xử lý.

Số liệu thống kê cho thấy, đến nay, trên địa bàn thuộc 7 huyện: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Tân Kỳ và TP Vinh đã được Sở GTVT và UBND huyện, thành phố thực hiện cấp giấy phép hoạt động thủy nội địa vật liệu cát, sỏi cho 56 bến (Sở GTVT cấp 45 bến; UBND huyện, thành phố cấp 11 bến). Cụ thể:  TP Vinh 5/17 bến; huyện Hưng Nguyên 8/26 bến; huyện Nam Đàn 17 /29 bến; huyện Tân Kỳ 2/25 bến; huyện Anh Sơn 6/20 bến; huyện Con Cuông 1/2 bến; huyện Thanh Chương 14/25 bến; huyện Đô Lương 3/7 bến.

.

Ngọc Anh

.