(Congannghean.vn)-Với 82 km bờ biển, được thiên nhiên ưu đãi nhiều điều kiện thuận lợi, tiềm năng, Nghệ An đã từng bước chuyển dịch cơ cấu, phát triển mạnh mẽ từ kinh tế biển. Dựa vào biển, làm giàu từ biển, đưa kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn đang là chủ trương lớn, được Nghệ An triển khai bằng nhiều nội dung, kế hoạch mang tầm chiến lược.
Bài 3: Thổi làn gió mới cho “ngành công nghiệp không khói”
Ngày 24/10/2018, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết đã đề cập nhiều nội dung, giải pháp tổng quát, trong đó, mục tiêu đến năm 2030, phát triển thành công và đột phá du lịch và dịch vụ biển, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch. Quá trình phát triển kinh tế biển ở địa phương, Nghệ An luôn tập trung chuyển dịch cơ cấu, tăng tỉ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng - dịch vụ, giảm tỉ trọng ngành nông nghiệp. Du lịch biển đảo được xác định là hướng đi trọng tâm, chiến lược và có tính bền vững.
Biển Nghệ An những ngày hè |
TX Cửa Lò, tầm nhìn mới từ đô thị du lịch biển
Đến với đảo Lan Châu (phường Nghi Thủy, TX Cửa Lò) khi một ngày mới đang bắt đầu. Xa xa, từng chuyến tàu nhỏ của ngư dân đang dần dần tiến về bờ, mang theo bao sản vật từ đại dương. Tiết trời tháng 7 xanh trong, không khí dịu mát mang đến cảm giác thoải mái, thư giãn cho bất cứ ai muốn tận hưởng cuộc sống bình yên sau chuỗi ngày bận rộn.
Anh Đào Khắc Thắng, một du khách đến từ Hà Nội cho biết: Năm nào cũng vậy, cứ đến hè là tôi tổ chức cho gia đình đến với Cửa Lò. Bãi tắm mát, dịch vụ ngày càng hiện đại. Năm nay, ngoài tắm biển, anh cùng mấy người bạn ra tham quan đảo Ngư. Chỉ sau 20 phút khởi hành bằng ca nô cao tốc, anh Thắng đã có mặt tại đảo. Từ xưa đến nay, đảo Hòn Ngư còn được gọi là Song Ngư, bởi đảo trông như đôi cá nổi lên giữa biển trời. Hòn Ngư có giếng ngọc, có ngôi chùa Song Ngư cùng “cặp đôi” cây lộc vừng 700 năm tuổi. Ngoài ra, trên đảo cũng đang sở hữu hệ thống hang động hoang sơ và kỳ thú. Tất cả tạo nên một điểm đến không thể tuyệt vời hơn trong không gian du lịch Cửa Lò.Tham quan Hòn Ngư bằng tàu cao tốc là hình thức du lịch đã được đưa vào hoạt động tại Cửa Lò từ năm 2014. Chủ đầu tư cũng là một người con xứ Nghệ. Sau bao năm xa xứ, ông Trần Quốc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Song Ngư Sơn đã quyết định trở về quê để tập trung phát triển du lịch. Tầm nhìn của một người đã đi qua bao thăng trầm nơi xứ người thôi thúc vợ chồng ông quyết định chọn Cửa Lò để xây dựng thương hiệu du lịch biển.
Ông Trần Quốc Lâm trả lời phỏng vấn Báo Công an Nghệ An |
Ông Lâm cho biết: Trong quy hoạch phát triển hệ thống du lịch tại TX biển Cửa Lò, Công ty cổ phần Song Ngư Sơn tập trung đầu tư 3 cụm chủ yếu là đảo Lan Châu, đảo Ngư và khu vực phường Nghi Hòa. Theo đó, đảo Lan Châu được bố trí các công trình như: Quảng trường, khách sạn nghỉ dưỡng và resort, khu massage, tắm bùn, nhà hàng trên núi, bến tàu ra đảo. Hệ thống khách sạn 3 - 5 sao, khu du lịch tâm linh, làng chài, khu vui chơi trong nhà, ngoài trời, biệt thự nghỉ dưỡng trên núi sẽ được đầu tư ở đảo Ngư. Tại phường Nghi Hòa sẽ xây dựng hệ thống cáp treo nối đất liền với đảo Ngư, phố ẩm thực, dịch vụ vui chơi giải trí...
Cửa Lò là một địa danh khá đặc biệt, vừa là danh thắng nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử và trầm tích văn hoá, vừa là khu du lịch biển trọng điểm của tỉnh với bờ biển dài 10 km, bãi cát đẹp, sóng êm làm mê hồn du khách. Niềm vui lớn nhất với nhân dân Cửa Lò chính là cuối năm 2014, Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận Cửa Lò là đô thị du lịch biển. Đây là kết quả phấn đấu không mệt mỏi của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã biển trong 20 năm qua.
Bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND TX Cửa Lò cho biết: Sau 2 năm thực hiện “Đề án tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn TX Cửa Lò giai đoạn 2016 - 2020”, hình ảnh du lịch Cửa Lò đang ngày càng hoàn thiện trong du khách. Cơ sở hạ tầng hiện đại khang trang với trên 12.000 phòng, có khả năng phục vụ 25.000 lượt khách lưu trú/ngày đêm. Hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển rất nhanh và ngày càng hiện đại đủ yêu cầu để phát triển về du lịch nghỉ dưỡng cũng như thu hút tổ chức các sự kiện. Gần đây các tổ hợp nghỉ dưỡng, khách sạn và biệt thự cao cấp được đầu tư xây dựng mới với tiêu chuẩn 4 - 5 sao đạt tiêu chuẩn quốc tế như Vinpearl Cửa Hội Resort & Villas, khách sạn Summer 1,2, Mường Thanh Cửa Lò, Sài Gòn Kim Liên resort…
Khách du lịch đến tham quan đảo Lan Châu, TX Cửa Lò |
Tăng cường quảng bá, xây dựng thương hiệu
"Đề án Phát triển du lịch biển đảo đến năm 2020" (ban hành năm 2009) là một trong những văn bản có tính định hướng giúp ngành du lịch Nghệ An xác định mục tiêu phát triển. Mục tiêu của Đề án nhằm đưa du lịch biển, đảo trở thành một ngành kinh tế chủ lực của vùng biển và ven biển.
Nghệ An phấn đấu đến năm 2020, du lịch đón 4,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 235.000 lượt người. Doanh thu du lịch đến năm 2020 đạt 1.600 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ khách du lịch quốc tế đạt 233 tỉ đồng. Thu hút trên 30.000 lao động trực tiếp trong ngành du lịch (trong đó 100% lao động đều được đào tạo chuyên nghề về du lịch, trên 40% có tay nghề cao và chuyên sâu) và tạo việc làm cho 60.000 - 70.000 lao động gián tiếp ngoài xã hội. Sau 10 năm thực hiện Đề án, du lịch biển, đảo Nghệ An đã có sự lột xác thần kỳ, thay đổi mạnh mẽ song vẫn giữ được bản sắc của văn hoá xứ Nghệ, chất phóng khoáng, hồn nhiên của biển cả.
Thực tế, du lịch biển, đảo chiếm khoảng 60% toàn ngành du lịch. Thiên nhiên đã ưu đãi cho vùng đất xứ Nghệ rất nhiều lợi thế để đưa du lịch biển, đảo phát triển mạnh mẽ. Ở vùng đất gió Lào chảo lửa này, tạo hóa đã kết nối với biển cả mênh mông để dung hoà, tạo ra sự cân bằng, để người dân tìm về trốn nắng, giải nhiệt vào mùa hè. Từ Cửa Lò nhìn về phía Nam, là Cửa Hội thông ra biển Đông giáp giới Hà Tĩnh với cảng Xuân Hải, bãi tắm Xuân Thành và đi xa hơn nữa là khu công nghiệp Vũng Áng đang phát triển sôi động. Ngược ra Bắc, biển Nghệ An có rất nhiều bãi tắm đẹp đã và sẽ trở thành điểm, khu du lịch như Bãi Lữ, Nghi Thiết (Nghi Lộc), Diễn Thành (Diễn Châu), Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Phương (Quỳnh Lưu, Hoàng Mai)... Biển đang mở ra cho người dân xứ Nghệ tầm nhìn, khát vọng mới, cơ hội làm ăn mới.Nhận ra những giá trị “ngành công nghiệp không khói” mang lại, không chỉ Cửa Lò mà các huyện ven biển trong tỉnh cũng đã tập trung phát triển du lịch biển, đảo xem đây là động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Lợi thế của các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc... chính là vẻ đẹp hoang sơ, chưa bị ảnh hưởng bởi quá trình đô thị hóa. Song song với giữ nét đẹp truyền thống, việc đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư chiến lược đã góp phần thay đổi diện mạo của các huyện ven biển.
ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu trả lời phỏng vấn Báo Công an Nghệ An |
Theo ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, huyện đang xây dựng bản quy hoạch du lịch trình UBND tỉnh phê duyệt. Phát huy lợi thế địa phương, ngoài việc chủ động kết nối với du lịch lữ hành, huyện Quỳnh Lưu cũng đã phát triển cơ sở du lịch gắn với phát triển sản vật địa phương. Nhờ đó, lượng khách hàng năm đến Quỳnh Lưu tăng khá mạnh, bình quân 9 - 10%/năm, chủ yếu là khách du lịch tắm biển nghỉ dưỡng và khách nội địa.
Còn tại huyện Diễn Châu, các điểm du lịch biển trên địa bàn huyện đều đã được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch và đang tập trung đầu tư khu du lịch biển Diễn Thành, tổng diện tích 47,50 ha; khu du lịch Hòn Câu - Diễn Hải 34,9 ha. “Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch nên hệ thống hạ tầng du lịch ngày càng được đầu tư, thu hút nhiều dự án; một số dự án lớn đã phát huy hiệu quả”, ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết.
Tiềm năng, giá trị của du lịch biển đã được minh chứng trên thực tế. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với Nghệ An nói riêng và các tỉnh ven biển nói chung là bảo đảm kết hợp hài hòa giữa sự đột phá và phát triển bền vững. Du lịch phải nằm trong tổng thể chiến lược bảo tồn giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường biển. Bởi từ bao đời nay, biển đảo không chỉ là nơi cung cấp nguồn sống, mà còn là không gian để cộng đồng người Việt tạo lập nên một nền văn hóa biển đảo, với những di sản văn hóa đặc sắc.
Đó là hệ thống di tích lịch sử văn hóa liên quan đến môi trường biển, hệ thống tâm linh vùng biển, những bậc tiền bối có công trong công cuộc chinh phục biển, xác lập và thực thi chủ quyền quốc gia trên biển...; các lễ hội dân gian của cư dân miền biển; tín ngưỡng, phong tục tập quán liên quan đến biển; văn hóa sinh kế, văn hóa cư trú, văn hóa ẩm thực, diễn xướng dân gian, tri thức bản địa... Ðây chính là nguồn tài nguyên giàu có để phát triển du lịch biển, đảo bền vững.
Ông Nguyễn Mạnh Lợi, Phó Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An cho biết: Với nguồn tài nguyên được thiên nhiên ban tặng, Nghệ An vẫn xác định du lịch biển là một trong những loại hình du lịch có thế mạnh cần tiếp tục tập trung khai thác. Vì vậy, Sở Du lịch Nghệ An tiếp tục tham mưu triển khai “Đề án phát triển du lịch biển, đảo Nghệ An đến năm 2020” song song với triển khai các nghị quyết, chương trình của Trung ương, của tỉnh về phát triển du lịch biển.
“Hiện nay, tỉnh đang tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm giúp thay đổi diện mạo ngành du lịch: Dự án Khu vui chơi Vinpearl Cửa Hội (giai đoạn 2), Dự án Quần thể nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí của Tập đoàn FLC, khu biệt thự nghỉ dưỡng khách sạn và du lịch sinh thái Bãi Lữ... Đồng thời, nghiên cứu khai thác các sản phẩm du lịch mới nhằm đa dạng hoá các sản phẩm du lịch biển như du lịch trải nghiệm cuộc sống ngư dân ven biển, du lịch biển nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, chữa bệnh, du lịch thể thao biển...”, ông Lợi cho biết thêm.