Kinh tế xã hội
Liên tục mở hãng bay, hàng không Việt lấy phi công từ đâu?
Bamboo Airways biên chế 22 máy bay trong năm 2019, Vietjet Air được duyệt tăng 11 chiếc, cùng kế hoạch của Vinpearl Air, Vietravel, Thiên Minh Group, phi công đang là bài toán khó.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết theo kế hoạch số máy bay của hãng hàng không Việt sẽ tăng từ 222 chiếc hiện tại lên khoảng hơn 360 chiếc vào năm 2023.
Trong khi đó, theo ước tính của Boeing, với mỗi máy bay biên chế, các hãng cần khoảng 20 phi công để khai thác tối đa công suất. Điều này đồng nghĩa ngành hàng không Việt Nam sẽ cần khoảng 2.700 phi công để vận hành lượng máy bay mới này, cùng với số thợ máy tương ứng.
Phi công khan hiếm
Thêm 2.700 phi công từ nay tới năm 2023, tương đương các hãng bay sẽ phải xoay sở để đảm bảo có thêm hơn 500 phi công mỗi năm. Con số này vượt xa so với dự tính trước đó của Cục Hàng không là khoảng 200 phi công mỗi năm.
Chênh lệch này đến từ việc số lượng máy bay và hãng bay mới của ngành hàng không Việt đang tăng nhanh chóng.
Cuối năm 2018 trong báo cáo của mình, Cục Hàng không chỉ ước tính trong giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 sẽ có khoảng 250 máy bay mang quốc tịch Việt, tuy nhiên con số này vào tháng 4 năm nay đã là 221 máy bay.
Các hãng bay đang thi nhau mở trường đào tạo phi công, tuy nhiên trong ngắn hạn việc cạnh tranh thu hút phi công vẫn sẽ gay gắt. Ảnh: VJA. |
Phương án 200 phi công mỗi năm mà Cục Hàng không đưa ra trước đó chắc chắn không thể giải cơn "khát" phi công của các hãng bay Việt.
Đề án đánh giá tác động của Vietnam Airlines gửi Cục Hàng không Việt Nam năm 2018 cho thấy số lượng phi công đến 2018 của hãng là 1.100 người, dự báo sang 2019 là 1.293. Như vậy, trong một năm đơn vị này cần thêm 193 nhân sự là phi công.
Nếu theo phương án cũ, trong trường hợp không thuê thêm phi công nước ngoài, các hãng bay còn lại sẽ chia nhau 7 phi công. Đây là điều bất khả thi.
Đề án cũng đưa ra dự báo đến năm 2020 nhu cầu phi công của hãng lên tới 1.340, tăng 240 phi công và đến năm 2025 sẽ cần đến 1.570 người. Đây là con số khá lớn trong bối cảnh thị trường trong nước và thế giới ngày càng khan hiếm phi công đủ tiêu chuẩn.
Việc thiếu phi công có thể vận hành ngay máy bay thương mại cũng đã khiến các hãng bay rơi vào tình trạng "tranh giành" phi công. Cuối tháng 4/2019, Bamboo Airways và Vietnam Airlines (VNA) đã làm nóng câu chuyện về lao động chất lượng cao trong ngành hàng không khi hãng bay của tập đoàn FLC cho rằng đang bị VNA "chơi xấu", thông tin sai sự thật.
Cụ thể, FLC vừa gửi công văn tới Bộ GTVT về việc doanh nghiệp này "nhặt" được một văn bản tại trụ sở, được cho là từ VNA tố Bamboo Airways giành phi công.
Nội dung văn bản phản ánh về việc Bamboo Airways có hành vi “giành giật lực lượng phi công của VNA”, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của VNA và cho rằng điều này trực tiếp dẫn đến thiệt hại tài chính cho VNA với mức thiệt hại lên tới hàng nghìn tỷ đồng/năm.
Thi nhau mở trường đào tạo phi công
Để đối đầu với cơn khát phi công, mỗi hãng đều đang có những phương án riêng cho ngắn hạn. Tuy nhiên về dài hạn, phương án chung vẫn là mở trường đào tạo phi công.
Theo đó, buồng lái mô phỏng đã khai thác huấn luyện gần 1.000 giờ. Học viện tổ chức đào tạo 924 khóa cho 21.611 lượt học viên, trong đó có 157 khóa đào tạo phi công, 127 khóa đào tạo tiếp viên, 128 khóa đào tạo kỹ sư.
Để giải quyết bài toán phi công trước mắt, Bamboo Airways vẫn đang sử dụng thêm nguồn phi công từ nước ngoài, cả thuê trực tiếp phi công và thuê ướt máy bay (thuê máy bay kèm tổ lái).
Tập đoàn FLC, công ty mẹ của hãng, cũng đã đề nghị UBND TP Cần Thơ chấp thuận dự án đầu tư khu sản xuất hàng hóa, dịch vụ logistics hàng không, trung tâm thương mại, dịch vụ hàng không và học viện hàng không với quy mô khoảng 40 ha.
Theo đó, học viện hàng không, phân viện học viện hàng không của hãng tại đây dự kiến có diện tích 7,05 ha.
Bên cạnh đó, trung tâm đào tạo lớn nhất của Bamboo Airways vẫn sẽ được hãng lên kế hoạch đặt tại Bình Định. Cụ thể, dự án Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways sẽ nằm tại khu quy hoạch Trung tâm nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực thuộc Khu lõi Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội.
Viện này sẽ đào tạo gần 3.500 sinh viên/năm, tập trung đào tạo chuyên môn nghiệp vụ ngành như: Phi công, tiếp viên hàng không, kỹ thuật, khai thác mặt đất và các chức năng đào tạo cơ bản… Tuy nhiên phải tới quý 2/2022 cơ sở này mới đi vào hoạt động và trước mắt Bamboo Airways vẫn sẽ phụ thuộc mạnh vào nhân sự đi thuê.
Dự án này sẽ được FLC liên kết với một đơn vị đào tạo nhân lực phi công của New Zealand. Liên kết với nước ngoài mở trường đào tạo phi công cũng là phươn án mà Vinpearl Air áp dụng.
Tập đoàn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cho biết đã thành lập Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School) để đào tạo phi công và thợ máy. Mỗi năm, trường này dự kiến đào tạo 400 học viên.
Đối tác được Vingroup lựa chọn là Học viện Hàng không CAE Oxford của Canada. Việc tuyển sinh dự kiến được tiến hành ngay trong tháng 8/2019.
Tuy nhiên đào tạo phi công sẽ là chiến lược dài hơi bởi theo ông Dương Trí Thành, CEO của Vietnam Airlines, để đào tạo một phi công lái chính Airbus A320, A321 cần ít nhất 3 - 4 năm đào tạo cơ bản, với phi công lái Airbus A350, Boeing 787, công tác này kéo dài tới 7 - 8 năm.
Trong ngắn hạn, cơn khát phi công của hàng không Việt sẽ còn đó và khi có thêm hãng bay gia nhập thị trường, cuộc chiến giành phi công sẽ ngày càng khốc liệt.
Nguồn: Vietnamnet