Ô tô - Xe máy
Việt Nam bắt tay với EU khiến công nghiệp ô tô Thái Lan lo lắng
Xuất khẩu ô tô, máy tính, linh kiện điện tử của Thái Lan đứng trước rủi ro sau khi Việt Nam và Liên minh châu Âu ký thỏa thuận EVFTA và EVIPA.
Ô tô “made in Thailand” chờ để xuất khẩu ở cảng Laem Chabang |
Hai thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) vừa được ký kết đã khiến Thái Lan - đối thủ xuất khẩu chính tại thị trường châu Âu của Việt Nam e ngại và phải rốt ráo thúc đẩy đàm phán thỏa thuận tương tự với châu Âu để không mất lợi thế.
Nhiều hãng sản xuất có thể chuyển sang Việt Nam
Theo cảnh báo từ Văn phòng Chiến lược và Chính sách thương mại của đất nước chùa Vàng, hoạt động xuất khẩu ô tô, máy tính, linh kiện điện tử của Thái Lan đứng trước nhiều rủi ro sau khi thoả thuận Tự do thương mại của Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA) và Thỏa thuận Bảo vệ Đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA) được ký vào ngày 30/6 tại Hà Nội với thời gian có hiệu lực trong năm 2019.
“Thoả thuận tự do thương mại là thoả thuận toàn diện và tham vọng nhất mà EU đã thực hiện với một đất nước đang phát triển. Vì vậy, Việt Nam có thể có nhiều thuận lợi và cơ hội gặt hái nhiều lợi ích hơn Thái Lan”, bà Pimchanok Vonkorpon, Tổng giám đốc Văn phòng Chiến lược và Chính sách thương mại của Thái Lan nhận định.
Trong EVFTA, cả hai bên sẽ được hưởng lợi giảm thuế hải quan. “EVFTA bao trùm 99% tổng sản phẩm xuất khẩu từ cả hai bên”, bà Pimchanok cho hay. Còn với thoả thuận EVIPA, EU sẽ giúp Việt Nam phát triển về vấn đề đầu tư, thực thi pháp luật và minh bạch để thu hút dòng đầu tư nước ngoài. Bên cạnh thuận lợi từ các thoả thuận với EU, Việt Nam đang có mức lương thấp hơn Thái Lan.
Với những lợi thế đó, bà Pimchanok cho rằng, các nhà cung cấp ô tô tại Thái Lan có thể chuẩn bị cho khả năng nhiều hãng sẽ chuyển cơ sở sản xuất về Việt Nam. Chưa kể, chính phủ Việt Nam đã và đang thực thi Nghị định 116 mà theo các chuyên gia của nước này mô tả là “giống như một rào cản phi thuế quan” đối với các nhà sản xuất ô tô tại Thái Lan. Do đó, theo bà, ngành công nghiệp tại nước này cần phải cải thiện hiệu quả công việc và tăng tốc sản xuất các sản phẩm thế hệ mới, chuyển sang sản phẩm xe điện.
Ngoài ô tô, các nhà sản xuất máy tính, phụ tùng liên quan và linh kiện điện tử cũng có thể chuyển sang Việt Nam vì bà Pimchanok khẳng định, Hà Nội hoàn toàn đủ sức cạnh tranh để phát triển ngành điện tử riêng. Một số ngành khác của Bangkok có thể chứng kiến tác động như dệt may, trang sức/phụ kiện, gạo và hải sản đã qua chế biến.
Dự báo kim ngạch thương mại Thái Lan-EU giảm
Trước mắt, kim ngạch thương mại 4 tháng đầu năm giữa Thái Lan - EU đã cho thấy rõ dấu hiệu sụt giảm. Cụ thể, thương mại giữa hai bên đạt 13,4 tỉ USD, trong đó Thái Lan xuất khẩu 7 tỉ USD và nhập khẩu hơn 6 tỉ USD. Con số này đã sụt giảm đáng kể so với kim ngạch quý đầu năm 2018 (15,1 tỉ USD).
“Đó là vì thực tế, Việt Nam - đối thủ chính của Thái Lan về mặt nhập khẩu, đã thiết lập một FTA với EU và sẽ có hiệu lực trong quý III/2019”, ông Pisanwanich nói và giải thích thêm, hàng hoá của Việt Nam như thiết bị điện tử, gạo, hoa quả… đang rất cạnh tranh với hàng hoá Thái Lan và nước này sẽ còn gặp khó khăn hơn nữa khi Hà Nội sở hữu lợi thế thuế thấp khi FTA có hiệu lực.
Thái Lan không ngồi yên
Theo bà Pimchanok, Văn phòng Chiến lược và Chính sách thương mại sẽ giám sát tác động từ các thoả thuận Việt Nam - EU. Để hạn chế tác động, “Thái Lan cần phát triển lao động lành nghề và ứng dụng công nghệ, sáng kiến tiên tiến làm tăng giá trị sản phẩm và duy trì tính cạnh tranh”.
Hiện tại, Bangkok đang rốt ráo nối lại các cuộc đàm phán thương mại tương tự với châu Âu. Báo điện tử NationThailand dẫn lời một quan chức thương mại hàng đầu nước này cho biết, đất nước chùa Vàng sẵn sàng ngồi lại bàn đàm phán Thoả thuận thương mại tự do (FTA) với Liên minh Châu Âu khi tiến trình này bị tạm ngừng từ năm 2014 sau cuộc đảo chính quân sự.
“Hai bên cử các quan chức thương mại gặp gỡ tại Brussels, Bỉ để bàn về khả năng tái đàm phán. Tuy nhiên, do Thái Lan đang trong tiến trình thành lập chính quyền mới nên một số chi tiết liên quan tới thoả thuận thương mại chưa được đề cập trong cuộc họp. Các cuộc bàn thảo chính thức được bắt đầu từ nay đến cuối năm”, bà Auramon Supthaweethum, Tổng giám đốc Vụ Đàm phán thương mại thuộc Bộ Thương mại Thái Lan cho biết.
Nghiên cứu từ tổ chức CITS cho thấy, sau khi thoả thuận FTA giữa Việt Nam và châu Âu có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang Liên minh này sẽ tăng từ 50 tỉ USD lên 70 tỉ USD mỗi năm. Trong khi đó, Thái Lan chứng kiến xuất khẩu giảm 20 tỉ USD trong quý II năm nay và 40 tỉ USD trong 2 năm tới. Tuy vậy, văn phòng này vẫn lạc quan, EU sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán tương tự với Thái Lan bởi khối này muốn tiếp cận thị trường dược, ô tô và đồ uống có cồn. Theo số liệu thống kê mới nhất, năm 2015, tổng thương mại song phương giữa Thái Lan và EU đạt 32,9 tỉ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của xứ sở chùa Vàng tới EU bao gồm máy móc, điện tử, thiết bị giao thông, các sản phẩm sản xuất khác cũng như thực phẩm và đồ uống.
Nguồn: Vietnamnet