Bộ Công Thương siết chặt theo dõi các mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại trong thời gian tới. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bất hợp pháp, gian lận xuất xứ.
Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch hành động của Bộ Công Thương để triển khai Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” vừa được Bộ Công Thương ban hành.
Kế hoạch hành động nhằm chi tiết các nhiệm vụ của Bộ Công Thương trong đề án thông qua việc giao công tác cho từng đơn vị cụ thể kèm theo yêu cầu về thời gian và kết quả thực hiện.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, kế hoạch bao gồm các nhóm công việc cần triển khai chính như hoàn thiện cơ chế phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan; phối hợp xây dựng, theo dõi danh sách các mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bất hợp pháp, gian lận xuất xứ; mở rộng hợp tác với các cơ quan có liên quan của nước ngoài trong công tác đấu tránh chống hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại bất hợp pháp, gian lận xuất xứ;
Mặt khác, trong thời gian tới, bộ này sẽ hoàn thiện các quy định về xuất xứ; tăng cường tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật liên quan đến các vấn đề này, nhất là trong bối cảnh các hiệp định thương mại được thực thi trong thực tế.
Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, qua kiểm tra, giám sát, quản lý khi làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và kiểm tra sau thông quan, thanh tra của cơ quan hải quan đã phát hiện các phương thức, thủ đoạn gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa.
Bên cạnh đó, lực lượng hải quan cũng phát hiện hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba.
.