(Congannghean.vn)-Triển khai Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020, ngành Lâm nghiệp tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thực hiện đề án giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp, chú trọng phòng, chống cháy rừng cũng như thu hút đầu tư để phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị.
Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020 hướng tới việc nâng cao năng suất, chất lượng rừng, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ môi trường sinh thái; ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng gắn với nhiệm vụ bảo vệ rừng, trồng mới rừng, trồng lại rừng, khoanh nuôi rừng và chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng trồng gỗ lớn, kiểm soát chặt chẽ giống lâm nghiệp. Cùng với đó, nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm lâm nghiệp, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội gắn với nhiệm vụ phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản, hỗ trợ, xúc tiến các nhà đầu tư trong lĩnh vực trồng, khai thác, vận chuyển và chế biến các sản phẩm lâm nghiệp.
Nghệ An chú trọng phát triển bền vững chuỗi giá trị lâm sản ngoài gỗ |
Theo đó, từ đầu năm 2019 đến nay, toàn tỉnh đã trồng được 7.191.000 ha, bảo vệ tốt trên 965.705 ha rừng. Công tác rà soát quỹ đất lâm nghiệp gắn với quy hoạch 3 loại rừng đã được Sở NN&PTNT hoàn thành để trình Bộ NN&PTNT. Liên quan đến công tác giao rừng gắn với đất lâm nghiệp, đến nay, toàn tỉnh đã giao thực địa được 32.000 ha rừng và đất lâm nghiệp ở các huyện Tương Dương, Quế Phong, Con Cuông… Cũng từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã chỉ đạo phối hợp, tổ chức hàng nghìn cuộc tuần tra; qua đó bắt giữ, xử lý 229 vụ vi phạm lâm luật, nộp ngân sách Nhà nước hơn 2,1 tỉ đồng. Trong năm 2019, Nghệ An đề ra kế hoạch giao 109.609 ha rừng tại 19 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, hiện tiến độ triển khai công tác giao rừng gắn với giao đất lâm nghiệp còn chậm so với yêu cầu đề ra.
Theo đánh giá của đồng chí Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc thực hiện Chương trình vẫn còn những hạn chế. Trong đó đáng lưu tâm là tình trạng khai thác rừng trái phép nhỏ lẻ chưa chấm dứt, công tác giao đất gắn với giao rừng còn chậm... Thực tế trên đặt ra cho ngành Lâm nghiệp nhiều vấn đề cần quan tâm như việc giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ; rà soát hủy bỏ các quy hoạch vùng nguyên liệu cho những nhà máy không triển khai thực hiện quy hoạch, không tổ chức liên doanh, liên kết với người dân. Liên quan đến việc phát triển lâm nghiệp theo chuỗi giá trị, theo đánh giá của các chuyên gia, dư địa tăng trưởng của lĩnh vực lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh rất tiềm năng.
Theo đó, để hoàn thành mục tiêu phấn đấu “kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ đạt 500 triệu USD vào năm 2025”, yêu cầu đặt ra là tập trung định hướng phát triển tư duy kinh tế rừng theo hướng phù hợp với chiến lược phát triển KT-XH, phát triển kinh doanh theo chuỗi, hướng tới công nghệ hiện đại. Qua đó, từng bước hình thành chuỗi giá trị từ bảo vệ, khoanh nuôi, nuôi trồng, khai thác đến chế biến tinh nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu cho thị trường nội địa và xuất khẩu. Cùng với đó, tỉnh sẽ có phương án cụ thể, chi tiết phát triển rừng trồng nguyên liệu gỗ lớn, áp dụng các biện pháp thâm canh, sử dụng giống chất lượng cao để nâng cao năng suất, chất lượng, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước và xuất khẩu...; qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Nghệ An trở thành trung tâm chế biến gỗ, lâm sản ngoài gỗ lớn nhất Bắc Trung Bộ.
.