(Congannghean.vn)-Theo quy định, trước thời điểm hết thời hạn cấp phép khai thác khoáng sản (đóng cửa mỏ), các doanh nghiệp đều phải thực hiện công tác cải tạo, phục hồi môi trường, hoàn trả mặt bằng, trồng cây xanh... Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản ở Nghệ An sau khi móc ruột tài nguyên đất, đá để lại những hố nước sâu hoắm hay những bãi đất trống hàng chục ha nhưng không chịu “hoàn thổ”, phục hồi môi trường. Trong khi đó, các cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các địa phương dường như đang “ngó lơ” vấn đề này?!
Mỏ đá Lèn Chùa bị khoét sâu xuống lòng đất hàng chục mét, nay trở thành ao nước khổng lồ |
Móc ruột tài nguyên
Mỏ đá Lèn Chùa (phường Quỳnh Xuân, TX Hoàng Mai) từng có 3 doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng, Công ty TNHH Thanh Xuân được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác khoáng sản. Sau hàng chục năm khai thác, móc ruột tài nguyên đá xây dựng, đến nay các doanh nghiệp đã chấm dứt việc khai thác đá. Tuy nhiên, hiện trường để lại ở mỏ đá Lèn Chùa hiện nay là một ao nước khổng lồ, có diện tích hàng chục nghìn m2, với độ sâu hàng chục mét. Sở dĩ có tình trạng trên là trong quá trình khai thác đá, các doanh nghiệp đã khoét sâu xuống lòng đất, tận dụng điều kiện thuận lợi để khai thác đá bằng mọi cách nhằm thu lợi.
Cùng với quá trình đó, các cơ quan chức năng lơ là việc kiểm tra, giám sát nên mỏ đá Lèn Chùa ngày càng bị khoét sâu xuống lòng đất hàng chục mét, trong nhiều năm liên tục. Đến nay, các doanh nghiệp không còn khai thác đá nhưng cũng không thực hiện công tác “hoàn thổ” theo phương án đã phê duyệt?!
Tương tự, tại núi Rú Rím, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc từ một quả đồi xanh, sau khi bị doanh nghiệp khai thác đất thì nay trở thành quả đồi trọc, mất chức năng điều hòa không khí. Tìm hiểu được biết, trước đó, mỏ đất Rú Rím được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép cho Doanh nghiệp tư nhân Xuân Trường (trụ sở số 16, đường Xuân Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), tại Quyết định số 3554/QĐ-UBND-TN ngày 11/8/2010, với diện tích 9,9 ha, thời hạn cấp phép 3 năm. Đến ngày 11/8/2013, mỏ này cũng hết phép. Tuy nhiên, sau khi khai thác nham nhở, cạo trọc lóc cả ngọn núi đồ sộ này thì Doanh nghiệp Xuân Trường lại không tiến hành các thủ tục cần thiết để tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường, đưa mỏ về trạng thái an toàn và trồng cây xanh, khiến người dân hết sức bất bình.
Hiện nay, tại mỏ đá lèn Thùng Buồng (xóm 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu), Công ty CPTM&XD Bình An đã và đang khai thác, chế biến đá xây dựng nhiều năm cũng đang có tình trạng khai thác đá không đúng thiết kế được phê duyệt. Cách đây không lâu, UBND huyện Quỳnh Lưu ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty CPTM&XD Bình An số tiền 22 triệu đồng, vì “Không tuân thủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động trong khai thác chế biến đá; không kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc”.
Theo quan sát của phóng viên, hiện tại mỏ đá này đã và đang khai thác đá bằng cách khoét sâu xuống lòng đất (vượt cốt 0) để lấy đá, giống như các doanh nghiệp đã khai thác ở mỏ đá Lèn Chùa. Nếu không kịp thời chấn chỉnh tình trạng này, nhiều khả năng sau khi đóng cửa mỏ, doanh nghiệp sẽ để lại một ao nước khổng lồ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Mỏ đá lèn Thùng Buồng, xã Quỳnh Tân đang khai thác, doanh nghiệp cũng đang khoét sâu xuống lòng đất |
Hệ lụy “nhãn tiền”
Mới đây, vào ngày 13/3/2019, một nhóm người dân tại địa phương đến mỏ thiếc đã đóng cửa tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp để mót quặng thiếc còn sót lại thì bất ngờ mỏ thiếc bị sập khiến 3 người bị vùi lấp. Vụ việc này đã khiến ông Lương Văn Tuấn (42 tuổi), bà Lương Thị Hảo (37 tuổi) và bà Sầm Thị Hải (32 tuổi) tử vong, trong đó ông Tuấn và bà Thảo là hai vợ chồng. Theo tìm hiểu của phóng viên, mỏ thiếc nói trên trước đây do doanh nghiệp Tuấn Hùng khai thác thiếc và đã đóng cửa từ lâu. Tuy nhiên, việc “hoàn thổ” sơ sài sau khai thác để người dân đến mót thiếc, xảy ra tai nạn.
Tại Rú Rím, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, người dân ở đây bức xúc, phản ánh: Thời điểm mỏ đất đang được khai thác, người dân trong vùng hết sức khổ sở vì ô nhiễm bụi bẩn. Vậy nhưng, từ khi mỏ đất này không còn hoạt động, người dân ở đây vẫn tiếp tục chịu khổ vì bụi đất khi mùa nắng và gió to, mùa mưa thì đất đá từ trên núi rơi xuống nhà dân. Theo người dân địa phương, nguyên nhân của tình trạng trên là do Rú Rím bị cạo trọc nhưng không trồng lại cây xanh, bảo vệ môi trường, chống xói lở.
Ông Đậu Xuân Luân, Chủ tịch UBND xã Nghi Yên thừa nhận, những phản ánh của người dân là có cơ sở. Thời gian đầu, khi doanh nghiệp khai thác đất, người dân liên tục phản ánh về tình trạng ô nhiễm môi trường, sau đó người dân phản ánh thêm tình trạng xói lở, đất đá tràn xuống đồng ruộng. Cũng theo ông Luân, từ khi dừng khai thác đất đến nay, doanh nghiệp chưa tiến hành hoàn trả mặt bằng, khôi phục môi trường cho Rú Rím.
Cần giám sát chặt việc “hoàn thổ”
Như nhiều doanh nghiệp khác, sau khi hết thời hạn cấp phép hoạt động, Công ty TNHH Ngọc Sáng không chịu hoàn thổ theo quy định, hiện trạng để lại là bãi khai thác quặng nham nhở, người dân địa phương tự động vào “mót quặng”, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Sau những nỗ lực quyết liệt của chính quyền xã Tri Lễ, UBND huyện Quế Phong và các ngành chức năng liên quan, buộc Công ty TNHH Ngọc Sáng thực hiện phương án “đóng cửa mỏ” theo quy định. Trao đổi với phóng viên, ông Vi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết: Việc hoàn thổ của Công ty TNHH Ngọc Sáng đã xong, biên bản bàn giao có sự chứng kiến của chính quyền địa phương, UBND huyện và Sở TN&MT tỉnh.
Ông Phạm Văn Hào, Trưởng phòng TN&MT TX Hoàng Mai cho biết: Hiện nay, để buộc các doanh nghiệp khai thác đá ở mỏ đá Lèn Chùa thực hiện phương án hoàn thổ, phục hồi môi trường theo phương án được phê duyệt là rất khó, các doanh nghiệp nói rằng không biết lấy đất, đá ở đâu để lấp đầy khu vực Lèn Chùa. Do vậy, sau khi khảo sát thực tế, UBND tỉnh buộc các doanh nghiệp thực hiện phương án lập hàng rào không để người, gia súc đi vào khu vực mỏ, ông Hào cho biết thêm.
Đối với mỏ đất Rú Rím, ông Nguyễn Bá Điệp, Trưởng phòng TN&MT huyện Nghi Lộc cho hay, trước đây doanh nghiệp Xuân Trường cũng đã tiến hành công tác trồng cây xanh, tuy nhiên, do đất ở Rú Rím toàn sỏi đá nên cây trồng không thể sống được, hoang hóa dần. Hiện nay, UBND tỉnh đã đồng ý cho bên phía VSIP lựa chọn Rú Rím để tiếp tục khai thác đất.
Thực tế cho thấy, trước khi các doanh nghiệp được cấp phép khai thác khoáng sản đều đã được phê duyệt phương án hoàn thổ sau khai thác, đồng thời các doanh nghiệp còn phải ký quỹ môi trường. Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh không chấp hành nghiêm việc hoàn thổ.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên thì có nhiều, song phải kể đến sự lỏng lẻo trong khâu giám sát của chính quyền các địa phương cũng như cơ quan quản lý Nhà nước cấp trên. Lấy ví dụ, tại mỏ đá Lèn Chùa, các doanh nghiệp đua nhau “móc ruột” tài nguyên, khoét sâu xuống lòng đất hàng chục mét, trong nhiều năm nhưng việc xử lý sai phạm không nghiêm. Đến nay, do móc quá sâu, không có khả năng hoàn trả mặt bằng, các doanh nghiệp kêu khó, kêu khổ rồi để đó! Tương tự, tại mỏ đá lèn Thùng Buồng, xã Quỳnh Tân cũng đang có tình trạng móc ruột, khoét sâu xuống lòng đất, nếu không kịp thời có phương án xử lý sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng.
Thiết nghĩ, để công tác cải tạo, phục hồi môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn Nghệ An được thực hiện đúng quy định, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra và kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của luật pháp. Có như vậy, các doanh nghiệp mới thực hiện tốt công tác hoàn thổ để bảo vệ môi trường theo quy định.