Kinh tế xã hội
Hệ lụy dai dẳng từ thủy điện
(Congannghean.vn)-Từ khi đi vào hoạt động đến nay, tại hầu hết các nhà máy thủy điện trên địa bàn toàn tỉnh đều gây ra những hệ lụy dai dẳng chính quyền địa phương các cấp đã nhiều lần đứng ra giải quyết nhưng chưa thể dứt điểm. Mới đây nhất là việc Nhà máy thủy điện Nậm Nơn xả lũ không thông báo khiến một người dân địa phương thiệt mạng.
Hiện trường vụ lật thuyền hạ du Thủy điện Nậm Nơn làm 1 người chết |
Vào khoảng 13 giờ 45 phút ngày 23/5/2019, tại khu vực dưới đập thủy điện Nậm Nơn, cách cửa xả khoảng 40 m, thuộc địa bàn bản Xiêng Hương, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương đã xảy ra một vụ tai nạn lật thuyền. Trên thuyền có 2 anh em ruột là Vi Văn May và Vi Văn Thân đang đánh bắt cá, anh Vi Văn May bị nước cuốn trôi, còn anh Vi Văn Thân may mắn thoát chết. Sau khi nhận được thông tin, UBND huyện Tương Dương đã kịp thời có mặt tại hiện trường để chỉ đạo triển khai lực lượng tìm kiếm cứu nạn cứu hộ. Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã vớt được thi thể nạn nhân cách vị trí gặp nạn khoảng 50 m về phía hạ lưu.
Cho rằng, cái chết của anh May là do Nhà máy thủy điện Nậm Nơn xả nước không thông báo theo quy trình dẫn đến tai nạn lật thuyền, người nhà nạn nhân đã vây nhà máy trong đêm, đòi làm rõ trách nhiệm. Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn cũng đã thừa nhận, không phát thông báo trước khi điều tiết lượng nước hồ chứa. Ngay sau khi sự việc xảy ra, phía nhà máy đã hỗ trợ số tiền 40 triệu đồng ban đầu cho gia đình nạn nhân, đồng thời tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương để làm rõ sự việc liên quan.
Trước đó, vào tháng 8/2018, trong cơn đại hồng thủy, các nhà máy thủy điện trên sông Cả đồng loạt xả lũ, trong đó có Nhà máy Thủy điện Nậm Nơn đã khiến cho hàng chục gia đình vùng hạ lưu mất nhà cửa, hàng trăm hộ dân ở các huyện Tương Dương, Con Cuông chìm trong biển nước. Thống kê cho thấy, năm 2018, thiên tai tại Nghệ An làm chết 10 người, mất tích 1 người, ước tính thiệt hại về kinh tế gần 1.900 tỉ đồng.
Để giải quyết hậu quả từ các dự án nhà máy thủy điện để lại, tháng 3/2019, UBND tỉnh đã phải ban hành Quyết định phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí điều tra vết lũ lớn nhất của các đợt lũ năm 2018 vùng thượng nguồn sông Cả thuộc địa bàn huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông, với tổng chiều dài 150 km bao gồm trên nhánh sông Nậm Nơn đoạn từ hạ lưu thủy điện Bản Vẽ về và trên nhánh sông Nậm Mộ đoạn từ thị trấn Mường Xén đến địa bàn xã Bồng Khê, huyện Con Cuông. Mục đích là để điều tra, phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, kết hợp vận hành tối ưu các nhà máy thủy điện, với tổng kinh phí thực hiện là 872.291.000 đồng.
Hạ du thượng nguồn sông Lam ngập chìm trong biển nước khi các nhà máy thủy điện xả lũ |
Trong một diễn biến khác, 6 hộ gia đình trú tại bản Chằn Nằn, xã Chi Khê, huyện Con Cuông từ nhiều năm nay cũng đã nhiều lần gõ cửa cơ quan chức năng, khiếu nại về phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư (TĐC) khi Nhà nước thu hồi đất của các hộ dân để thực hiện Dự án Nhà máy thủy điện Chi Khê, nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.
Thậm chí, UBND tỉnh đã 2 lần tổ chức đối thoại với công dân về vấn đề này. Đến ngày 30/3/2019, xét thấy khiếu nại và nguyện vọng của nhân dân là chính đáng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền đã ban hành công văn chỉ đạo UBND huyện Con Cuông lập lại phương án bồi thường, hỗ trợ TĐC cho các hộ dân; đồng thời, thực hiện việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau khi thu hồi đất, trên cơ sở tổng hợp kiến nghị của các hộ dân để đề xuất phương án hỗ trợ khác cho các hộ dân ổn định đời sống.
Liên quan đến dự án thủy điện, tại huyện Quế Phong, Nhà máy thủy điện Hủa Na mặc dù đã đưa vào vận hành, hoạt động và kinh doanh từ nhiều năm nay song vấn đề giao đất sản xuất nông nghiệp tại các điểm TĐC vẫn còn nhiều vướng mắc. Sau công văn chỉ đạo ngày 5/3/2019 của UBND tỉnh, ngày 16/5, UBND huyện Quế Phong đã tổ chức đối thoại với các hộ dân tại các bản TĐC công trình Thủy điện Hủa Na.
Theo báo cáo của UBND huyện, đến nay vướng mắc chủ yếu là công tác lập phương án bồi thường cân đối đối trừ đất giữa nơi đi và nơi đến, việc tháo gỡ vướng mắc trong công tác giao đất, cấp GCNQSDĐ tại nơi đến chưa xong nên chưa có số liệu giao đất chính thức để tính toán giá trị đất giao nơi đến; công tác lập hồ sơ cấp GCNQSDĐ ở còn gặp vướng mắc đối với 43 trường hợp các hộ dân ở không đúng lô đất dự án giao, tự san nền làm nhà ở không đúng quy hoạch khu dân cư…
Ngoài ra, theo người dân thì tại các điểm TĐC, việc xây dựng một số hạng mục công trình công cộng còn chậm, khắc phục công trình xuống cấp chưa thực hiện; đường vào khu ruộng TĐC Khủn Na 2 đã hư hỏng nặng. Tại các điểm TĐC Huôi Sai, Huôi Đừa và Pù Sai Cáng, vấn đề nước sinh hoạt đang là “bài toán” nan giải, từ nhiều năm nay chính quyền địa phương và chủ đầu tư nhà máy thủy điện loay hoay giải quyết nhưng chưa tìm ra phương án khả thi.
Số liệu thống kê cho thấy, Nghệ An có 13 nhà máy thủy điện đã đi vào hoạt động, trong đó 3 nhà máy vận hành trên lưu vực sông Cả là Bản Vẽ, Khe Bố và Chi Khê; Thủy điện Hủa Na vận hành tại thượng nguồn sông Chu; 4 nhà máy thủy điện cột nước thấp là Nậm Mô, Bản Ang, Nậm Nơn, Châu Thắng và 5 nhà máy thủy điện cột nước cao gồm thủy điện Nậm Cắn 2, Bản Cánh, Bản Cốc, Sao Va và Nậm Pông. Các nhà máy này hồ chứa đều không có dung tích phòng lũ. Kết quả kiểm tra thực địa, khảo sát vùng hạ du bị ảnh hưởng của Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Nghệ An vào tháng 11/2018 cho thấy, việc triển khai xây dựng nhiều dự án thủy điện trên lưu vực sông Cả đã làm biến đổi lớn đến dòng chảy, nước rút chậm hơn vào mùa lũ, thời gian ngập lụt lại kéo dài hơn.
Các hồ thủy điện là nguyên nhân chính dẫn đến sự chênh lệch lớn về lưu lượng nước giữa 2 mùa khô và mùa mưa. Hệ lụy, các nhà máy thủy điện xả lũ khiến cho mức độ sạt lở, thiệt hại vùng hạ du tăng cao. Do hạn chế trong công tác quan trắc, dự báo nên việc xả lũ không chủ động, gây ra nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống. Ngoài ra, một số tồn tại khác là quy trình vận hành một số hồ chứa hiện tại không phù hợp với thực tế; chưa có bản đồ ngập lụt vùng hạ du theo quy định; việc quan trắc, dự báo và cung cấp thông tin, số liệu của đơn vị quản lý vận hành hồ còn thiếu, chất lượng số liệu dự báo chưa tốt…
Trước những ẩn họa khôn lường từ các dự án thủy điện trên địa bàn, tại kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVII, Nghệ An đã kiến nghị đưa ra khỏi quy hoạch đối với các dự án thủy điện không khả thi, hiệu quả thấp, nhằm đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài cho người dân. Cụ thể, trong tổng số 47 dự án thủy điện được phê duyệt quy hoạch, UBND tỉnh đã xem xét, loại bỏ 15 dự án thủy điện (tổng công suất 46,15 MW) ra khỏi quy hoạch thủy điện. Trong một diễn biến khác, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã quyết định sẽ dừng cấp phép các dự án thủy điện vô thời hạn.
Thiện Thành