Kinh tế xã hội

'Phải có thuốc chữa cho tình trạng doanh nghiệp 'sân trước, sân sau'

08:37, 23/05/2019 (GMT+7)

Thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch KT-XH tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XIV, các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhấn mạnh cử tri ghi nhận, đánh giá cao kết quả chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong thực hiện kết hoạch KT-XH năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra khiến người dân chưa yên tâm và cần có giải pháp xử lý.

Giết người rồi đổ bê tông là tha hoá về nhân cách

Đại biểu Lê Thanh Vân – Uỷ viên thường trực Uỷ ban TC-NS đánh giá tình hình tội phạm manh động nhất thời gia tăng với những hành vi nghiêm trọng, xảy ra vụ đụng độ là dễ mất mạng người.

Theo vị đại biểu đoàn Cà Mau, có những hình thức phạm tội rất lạ, không còn tính người. Chẳng hạn vụ giết người rồi đổ bê tông phi tang ở Bình Dương là hình thức tha hoá ghê gớm về nhân cách, tác động không nhỏ đến an ninh trật tự và văn hoá.

Buôn bán ma tuý chưa bao giờ số lượng lớn như thế, xảy ra ở những địa bàn trọng yếu như TP. Hồ Chí Minh, không chỉ một vài tép mà đến cả tấn.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân

Ông Lê Thanh Vân cũng cho rằng còn tình trạng bất bình đẳng trong doanh nghiệp tư nhân khi có “sân trước, sân sau” hoặc bảo kê phát triển sản xuất kinh doanh cho số doanh nghiệp tư nhân thân hữu.

“Hiện chúng ta đang điều tra một số vụ án mà dư luận đặt câu hỏi liệu có “sân sau, sân trước”. Thủ tướng cũng đã từng nói trước hội nghị, có những anh có tới 14-15 “sân sau”. Phải tìm ra nguyên nhân và có thuốc chữa” – ông Lê Thanh Vân nói.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền – Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh cử tri ghi nhận, đánh giá cao kết quả thực hiện kết hoạch KT-XH năm 2018. Vấn đề lâu nay băn khoăn là tăng trưởng dựa vào dầu thô, khai thác tài nguyên thì trong những tháng cuối 2018 và đầu 2019, tăng trưởng công nghiệp từng bước giảm dần sự phụ thuộc này.

Tuy nhiên, vị đại biểu này cũng cho biết, vấn đề cơ cấu đầu tư công, nợ đọng đầu tư xây dựng cơ bản, cổ phần hoá DNNN kỳ nào cũng đưa ra và yêu cầu cần đẩy nhanh nhưng vẫn chậm. .

“Doanh nghiệp “sân sau, vườn trước” là điều đáng lưu ý khi chúng ta đang muốn tạo ra môi trường bình đẳng. Do đó phải có giải pháp để xử lý” – ông Nguyễn Thanh Hiền lưu ý.

Thất thoát tài sản công rất lớn!

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An nêu 3 vấn đề lớn mà cử tri băn khoăn, đó là thất thoát trong đầu tư công, trong đầu tư BOT và BT.

“Thất thoát trong đầu tư công quá lớn!” – ông Nguyễn Hữu Cầu nói và dẫn chứng rằng khi đụng đến dự án đầu tư công nào cũng đội vốn, có công trình đội đến 300%. “Cử tri nói lấy tiền ở đâu bù vào đây” – ông nói.

Bên cạnh đó là giải ngân rất chậm, thời gian kéo dài thi công cũng khiến hiệu quả đầu tư thấp, thực tế “có công trình không biết lúc nào thành công được!”. Vấn đề này đòi hỏi Quốc hội, Chính phủ có giải pháp vì cứ kéo dài thì chúng ta phải trả giá.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phát biểu tại tổ, sáng 22/5

Về thất thoát trong đầu tư BOT, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An dẫn số liệu cho thấy kiểm toán đã phát hiện, yêu cầu giảm được 238 năm. “Thử tính xem thu được bao nhiêu tiền trong số năm này? Phải đến hàng nghìn tỷ đồng. Đây là thất thoát lớn và chính người dân phải gánh chịu. Do đó cần kiểm soát chặt hơn”.

Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu phản ánh tâm tư của cử tri về các dự án BT,  “đất vàng” rơi vào tay một số cá nhân, tổ chức khi cổ phần hoá doanh nghiệp cũng cho thấy thất thoát tài sản công rất lớn. Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện rất nhiều sai phạm và riêng trong 2018 đã kiến nghị truy thu hơn 90.000 tỷ đồng./.

 

Nguồn: vov.vn

Các tin khác