Kinh tế xã hội

Nợ xấu đã giảm thấp, 'sức khoẻ' ngân hàng tăng lên

08:00, 24/05/2019 (GMT+7)
TIN LIÊN QUAN
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Nghị quyết 42 thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD), bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu và tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%, đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%. 
 
Trong báo cáo gửi Quốc hội, NHNN cho biết, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các TCTD. 
 
Bên cạnh đó, Nghị quyết 42 bước đầu đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi để xử lý nợ xấu và tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức dưới 3%, đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%. 
 
Đến cuối tháng 3/2019, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt hơn 11 triệu tỷ đồng, tăng 0,8% so với cuối năm 2018; huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,5 triệu tỷ đồng, tăng 2,5% so với năm 2018. Tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng cùng với mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định thực sự đã có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 
 
Năng lực tài chính của các TCTD tiếp tục được củng cố, vốn điều lệ tăng dần qua các năm... Đến cuối tháng 3/2019, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 578,9 nghìn tỷ đồng, tăng 0,45% so với cuối năm 2018 và tăng 13% so với cuối năm 2017; vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống đạt 792,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cuối năm 2018 và 20,1% so với cuối năm 2017. 
 
Việc triển khai Basel II được tập trung thực hiện để đáp ứng các thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Đến nay, đã có 7 ngân hàng thương mại (NHTM) được NHNN công nhận đạt chuẩn Basel II, gồm: Vietcombank, VIB, OCB, MB, VPBank, TPBank, ACB.
 
Theo NHNN, các NHTM do nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ (NHTMNN) tiếp tục đóng vai trò chi phối trong hệ thống các TCTD. NHNN đã hoàn thành việc phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017-2020 của 4/4 NHTMNN. Đồng thời, để đảm bảo các NHTMNN đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II (phương pháp tiêu chuẩn), NHNN đang tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xử lý vấn đề tăng vốn cho các NHTMNN theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
 
Ngoài ra, NHNN đã khẩn trương tiến hành các bước để tái cơ cấu và xử lý 3 ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng Đông Á (DAB) bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Theo đó, thực hiện kiểm toán độc lập đánh giá thực trạng tài chính, xác định giá trị thực của vốn điều lệ và quỹ dự trữ để làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo phù hợp với từng trường hợp cụ thể...
 
Về xử lý nợ xấu nội bảng (theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN), NHNN đã chỉ đạo các TCTD tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu mới; tự xử lý nợ xấu bằng các biện pháp đôn đốc khách hàng trả nợ; bán, phát mãi tài sản bảo đảm (TSBĐ) của khoản nợ; bán nợ theo cơ chế thị trường; sử dụng dự phòng rủi ro; tích cực áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42. 
 
Nhờ đó, nợ xấu nội bảng của hệ thống các TCTD tiếp tục được xử lý, kiểm soát và duy trì ở mức dưới 3%. Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 907,3 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
 
Trong đó riêng trong năm 2018, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được 163,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2019 là 2,02%.
 
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống TCTD đến 3/2019 ở mức 5,88%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016 và mức 7,36% cuối năm 2017.  
 
Về kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 227,86 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42, trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng đạt 117,8 nghìn tỷ đồng. 
 
NHNN cho biết cũng đã tăng cường hoạt động thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ; rà soát để xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong hệ thống; quản lý hoạt động cho vay của các công ty tài chính, hoạt động cho vay tiêu dùng.
 
Về hoạt động thanh tra, giám sát, thực hiện các nhiệm vụ được giao tại các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý kiên quyết các rủi ro, tồn tại và sai phạm của TCTD, thúc đẩy các TCTD triển khai nghiêm túc, có hiệu quả Đề án 1058. 
 
Công tác thanh tra được đổi mới, gắn kết chặt chẽ với công tác giám sát, từng bước kết hợp và áp dụng phương pháp thanh tra trên cơ sở rủi ro, hướng tới ngăn chặn, cảnh báo sớm các rủi ro có khả năng phát sinh.
 
NHNN cũng khẳng định, các cuộc thanh tra được triển khai nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nội dung và kế hoạch thanh tra. Từ 2018, công tác thanh tra, kiểm tra, những hạn chế, tồn tại, sai phạm của các TCTD đã được phát hiện và xử lý. NHNN đã đưa ra 12.131 kiến nghị, yêu cầu TCTD khắc phục tồn tại, sai phạm; ban hành 208 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với TCTD và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt trên 16,51 tỷ đồng. 
 
Ngoài ra, NHNN cũng đã áp dụng một số biện pháp xử lý đối với tổ chức, cá nhân nhằm kiện toàn tổ chức, ổn định bộ máy hoạt động tại một số TCTD (trong đó chủ yếu là tại các Quỹ Tín dụng nhân dân). Công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý sau thanh tra tiếp tục được quan tâm thực hiện chặt chẽ, sát sao nhằm bảo đảm TCTD thực hiện nghiêm túc các kiến nghị, kết luận về thanh tra, kiểm tra. 
 
Công tác giám sát ngân hàng tiếp tục được đổi mới và tăng cường trên cơ sở hoàn thiện, triển khai các công cụ, phương pháp giám sát mới gắn liền với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu và hệ thống tiêu chí giám sát nhằm nâng cao khả năng cảnh báo sớm của NHNN đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật ngân hàng của các TCTD. 
 
Trong thời gian vừa qua, về cơ bản hoạt động giám sát ngân hàng đã đạt được một số kết quả tích cực, có sự kết nối với việc xây dựng kế hoạch thanh tra và thực hiện thanh tra; nhận dạng, đánh giá các rủi ro tiềm ẩn để kịp thời đưa ra các văn bản cảnh báo về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và quản trị rủi ro đối với các hoạt động có nguy cơ rủi ro cao; tiếp xúc, làm việc với các đối tượng giám sát và đề xuất nội dung thanh tra phù hợp.
 
Trên cơ sở những sai phạm, rủi ro phát hiện qua công tác giám sát, NHNN đã có 405 văn bản chấn chỉnh, cảnh báo rủi ro, yêu cầu TCTD tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động, báo cáo nguyên nhân và biện pháp xử lý để giảm thiểu rủi ro. 
 
Bên cạnh đó, đối với hoạt động trung gian thanh toán, NHNN đã có nhiều văn bản chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TGTT) thực hiện các biện pháp tăng cường an ninh, bảo mật trong hoạt động trung gian thanh toán; bảo đảm đáp ứng điều kiện hoạt động, rà soát bổ sung, hoàn thiện quy trình nhận diện khách hàng. Trong năm 2018, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 12 tổ chức TGTT. 
 
Trên cơ sở các sai phạm được phát hiện, NHNN đã kịp thời đưa ra các kiến nghị yêu cầu tổ chức TGTT khắc phục chỉnh sửa, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, NHNN đã thu hồi Giấy phép của 1 tổ chức do vi phạm quy định về trung gian thanh toán.
 
Về xử lý tình trạng sở hữu chéo, nhằm tiếp tục hạn chế, khắc phục tình trạng vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo, NHNN đã thực hiện một số giải pháp xử lý bao gồm các giải pháp chính sách và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý; thanh tra, giám sát và tái cơ cấu các TCTD; đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), Bộ, ngành và UBND tỉnh thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các DNNN để đẩy nhanh tiến độ thoái vốn góp, vốn cổ phần tại các TCTD theo chỉ đạo của Chính phủ và các giải pháp, lộ trình đã đề ra. 

Nguồn: Chinhphu.vn

Các tin khác