Kinh tế xã hội

Nghệ An tập trung khoanh vùng, dập dịch tả lợn Châu Phi

08:55, 18/03/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau khi công bố dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện ở Quỳnh Lưu, hiện các ngành chức năng của Nghệ An đang tập trung khoanh vùng, dập dịch, không cho dịch bệnh lây lan, phát triển.

Nghệ An tập trung khoanh vùng, không để dịch tả lợn Châu Phi lây lan
Nghệ An tập trung khoanh vùng, không để dịch tả lợn Châu Phi lây lan

Ngày 10/3/2019, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Quỳnh Lưu nhận được báo cáo về tình hình lợn ốm, chết tại hộ ông Hoàng Văn L. ở xóm 7, xã Quỳnh Mỹ. Sau khi kiểm tra, Trạm đã báo cáo lãnh đạo UBND huyện Quỳnh Lưu và Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Đồng thời, lấy mẫu bệnh phẩm gửi Chi cục Thú y vùng III. Kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút gây bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Đến ngày 16/3, Nghệ An phát hiện thêm một ổ nhiễm dịch tả lợn Châu Phi tại gia đình bà Nguyễn Thị Th. ở xóm 8, xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu khi có kết quả mẫu xét nghiệm dương tính.

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã làm việc với UBND huyện Quỳnh Lưu, UBND xã Quỳnh Mỹ để triển khai đồng bộ các giải pháp chống dịch.

Theo đó, chỉ đạo tiêu hủy ngay toàn bộ số lợn mắc bệnh theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, triển khai nhiều biện pháp như phun hóa chất khử trùng trên các trục đường, tuyến đường; tuyên truyền chỉ đạo người dân phun hóa chất, rắc vôi bột trong khu vực chuồng trại, không cho người ngoài vào khu vực chuồng trại chăn nuôi. Ngoài 2 chốt tại vùng dịch xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu còn tiến hành lập thêm 8 chốt chặn tại các xã giáp ranh vùng dịch như: Quỳnh Lâm, Quỳnh Hoa, Ngọc Sơn, thị trấn Cầu Giát để kiểm soát, không cho chuyên chở lợn, thịt lợn từ vùng dịch ra ngoài cũng như tiêu độc, khử trùng các phương tiện qua lại.

Để chủ động phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, Nghệ An đã thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, công tác phòng, chống dịch đã được triển khai ở các địa phương, tổ chức tốt công tác tuyên truyền. Đối với các xã chưa có dịch, huyện và các cơ quan chuyên môn cần xây dựng kế hoạch ứng phó khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh xâm nhiễm. Sở NN&PTNT Nghệ An tuyên truyền với người dân  thực hiện tốt "5 không": Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ  lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường; không sử dụng thức ăn thừa chưa xử lý nhiệt làm thức ăn cho lợn.

Trong cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường kêu gọi người dân không nên tẩy chay với thịt lợn an toàn, bởi tất cả các ổ dịch bùng phát đã tiêu hủy, khoanh vùng và khống chế ngay. Bộ trưởng yêu cầu các địa phương phải tập trung đồng bộ các giải pháp theo chỉ thị 04 của Thủ tướng và các văn bản hướng dẫn của Bộ NN&PTNT, bám sát thực tiễn để đưa ra giải pháp khống chế dịch phù hợp.

Theo Bộ trưởng, cần tập trung xử lý an toàn sinh học trong chăn nuôi, xử lý môi trường triệt để ngay từ hộ chăn nuôi, cứ hộ chăn nuôi lợn là rắc vôi bột triệt để. Cách làm này vừa không tốn tiền, vừa hiệu quả. Nếu xử lý vôi bột mỗi năm 2 - 3 lần thì chuồng trại chăn nuôi rất an toàn. Thức ăn thừa cần nấu chín để bảo vệ đàn lợn. Đối với nhóm trang trại lớn, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo các tỉnh chỉ đạo, đôn đốc qua điện thoại, bằng mọi kênh, đừng đi đến trực tiếp chuồng trại, tránh để dịch bệnh lây lan.

M.H

Các tin khác