Sáng 14-3, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công, chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo, triển khai cải cách chính sách tiền lương.
Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, triển khai Nghị quyết 27-NQ/CP về cải cách chính sách tiền lương, Thường trực Ban Bí thư đã giao Ban Tổ chức Trung ương chủ trì phối hợp với các cơ quan xây dựng khung danh mục vị trí việc làm, mô tả vị trí việc làm cán bộ, công chức từ Trung ương đến cấp xã để trình Bộ Chính trị. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 107/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 27-NQ/CP.
Những nhiệm vụ trọng tâm về cải cách chính sách tiền lương trong năm 2019 được Thứ trưởng thông tin là: Trình Chính phủ điều chỉnh mức lương cơ sở áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang từ 1-7 theo Nghị quyết của Quốc hội từ 1,39 lên 1,49 triệu đồng/người/tháng; điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với người lao động trong khu vực doanh nghiệp từ 1-1-2020.
Cùng với đó, rà soát các chức danh, chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, xây dựng bảng phân loại chức vụ tương đương trong hệ thống chính trị. Xây dựng chế độ tiền lương mới.
Từ 1-1-2019 đến tháng 9-2019, các bộ, cơ quan được phân công nhiệm vụ xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ và bảng phụ cấp theo nghề nếu có.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến việc nâng cao chất lượng công chức, trả lương đúng vị trí, đảm bảo tinh giản biên chế.
Về chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị và bảng phân loại lãnh đạo, Phó Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết 107 yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương để báo cáo Bộ Chính trị vào quý III-2019, xin ý kiến Trung ương vào kỳ họp cuối năm (tháng 10-2019).
Như vậy Bộ Nội vụ phải chủ động chứ không ngồi chờ. Việc này phải nghiên cứu kỹ, đề xuất thời gian để báo cáo Thủ tướng, để Thủ tướng và Ban cán sự Đảng Chính phủ cho ý kiến trước.
Về nguồn lực để cải cách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính thảo luận, tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo nghe trước khi báo cáo Chính phủ.
Bộ Tài chính đánh giá tổng thể nguồn còn dư hiện nay để cải cách tiền lương nằm ở các bộ, ngành, địa phương, việc sử dụng nguồn dư đó theo quy định pháp luật và Nghị quyết 27 cùng với nguồn tăng thu của năm 2018 (40% tăng thu của ngân sách Trung ương được tích lũy lại để cải cách tiền lương).
Phó Thủ tướng cho rằng phải “gác chặt” nguồn tăng thu này và phải có nguyên tắc, không thể mỗi nơi xử lý khác nhau, không cho bất cứ địa phương nào sử dụng khoản này nếu không đảm bảo nguồn để cải cách tiền lương từ nay đến năm 2020 và cải cách căn bản vào năm 2021.
Đối với việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Thủ tướng nêu lên nguyên tắc, chủ trương của Đảng, Nhà nước là không bao giờ để con em thất học, người bệnh không có nơi để khám chữa bệnh, song, phải tập trung thực hiện tốt các giải pháp trong Nghị quyết 19-NQ/TW, cơ cấu lại trong nội bộ để lấy dư địa cho những nơi cần tăng biên chế, cuối cùng vẫn là phải tiết giảm biên chế 2,5%/năm.
Phó Thủ tướng lấy ví dụ ngành Công an họp về biên chế, tính tới từng người một, ba năm từ 2015 tới nay không tăng người nào, sắp tới toàn bộ cán bộ Công an xã là chính quy nhưng cũng không tăng thêm biên chế mà phải cơ cấu lại trong số quân hiện có.
Bộ Y tế, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã thực hiện sắp xếp rất tốt. Hay như Quảng Ninh đã tự rà soát, sắp xếp mà không cần thêm người. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị sự nghiệp công lập là một trong những biện pháp để cải cách tiền lương.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đã báo cáo một số nội dung về kế hoạch triển khai, sửa đổi thể chế pháp luật, nguồn lực để cải cách tiền lương.
.