Kinh tế xã hội
Gỡ 'nút thắt' cho doanh nghiệp phát triển
(Congannghean.vn)-Sự phát triển kinh tế của Nghệ An trong nhiều thập kỷ trở lại đây có dấu ấn đậm nét của các doanh nghiệp. Xác định doanh nghiệp chính là động lực chính để phát triển, lãnh đạo tỉnh đang song hành các giải pháp thu hút đầu tư gắn với cải cách môi trường đầu tư để đồng hành cùng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp tư nhân đang tạo ra nhiều dấu ấn đậm nét trong phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An, tạo nhiều việc làm cho người lao động |
Trong những năm qua, Nghệ An đã không ngừng đổi mới, đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các hoạt động, nhất là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp thông qua nhiều cách thức, giải pháp thiết thực, có hiệu quả, được doanh nghiệp ghi nhận. Hiện nay, tỉ lệ đăng ký kinh doanh qua mạng của Nghệ An xếp thứ 3 toàn quốc; xử lý nhanh hồ sơ cho doanh nghiệp với thời gian bình quân là 2 ngày. Kết quả năm 2018, toàn tỉnh có 1.909 doanh nghiệp được đăng ký thành lập mới, tăng 7,43% so với cùng kỳ, chiếm 1,45% số doanh nghiệp thành lập mới. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 544 doanh nghiệp, tăng 325 doanh nghiệp so với cùng kỳ, đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký đến nay là 19.769 doanh nghiệp, cơ bản đạt mục tiêu số doanh nghiệp thành lập đến năm 2020 (có 20.000 doanh nghiệp).
Thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, UBND tỉnh cũng như lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành vào cuộc rất quyết liệt. Nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, tỉnh đã tổ chức 1 tháng giao ban 1 lần với sự có mặt của các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, các hội với mục đích vì doanh nghiệp phát triển để Nghệ An phát triển. Đây là việc làm nhiều tỉnh chưa triển khai.
Thông qua các hội nghị, tiếp xúc, đối thoại, cộng đồng doanh nghiệp đã được lắng nghe, chia sẻ, tháo gỡ thực sự. Bên cạnh đó, những vấn đề còn tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý Nhà nước cũng được nhìn nhận một cách trực diện, khách quan để có hướng khắc phục phù hợp. Cũng từ đây, mọi thông tin, cơ chế, định hướng phát triển của tỉnh đều được chuyển tải đầy đủ, cụ thể đến cộng đồng doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp có định hướng trong phát triển, chuyển đổi và sản xuất kinh doanh phù hợp, đúng hướng.
Song song với đó, để tạo quỹ đất sạch cho các nhà đầu tư, Nghệ An cũng đã tập trung giải quyết các vướng mắc trong bồi thường GPMB các dự án đang triển khai trên địa bàn. Bên cạnh tập trung vào quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, là các giải pháp cụ thể để hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đăng ký và thành lập doanh nghiệp; đầu tư nước ngoài, quản lý vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ và quản lý đấu thầu.
Tháng 12/2018, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 822, về việc triển khai thực hiện Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 139 của Chính phủ. Việc cắt giảm các chi phí bất hợp lý trong tuân thủ quy định pháp luật về kinh doanh nhằm đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức cho doanh nghiệp; tạo dựng một môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định, khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và có tính cạnh tranh cao; đồng thời hạn chế tối đa việc ban hành mới các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không thống nhất.
Cùng với đó, phải đảm bảo sự thống nhất thực hiện giữa các ngành, các cấp, cơ quan, đơn vị để hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và thực hiện Nghị quyết số 139; chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra công vụ, kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, phiền hà, tạo gánh nặng cho doanh nghiệp khi thực hiện dịch vụ công tại cơ quan, đơn vị.
Theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đến năm 2020 thì mọi thành phần kinh tế to nhỏ đều được tiếp cận nguồn lực của Nhà nước, bình đẳng với nhau. Nhưng hiện các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận nguồn lực Nhà nước cực kỳ khó khăn. Trong khi đó, chất lượng các doanh nghiệp Nghệ An dù đã được cải thiện, song vẫn có sự chênh lệch; làn sóng khởi nghiệp đã tạo điểm mới trong nhiều lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, tuy nhiên, nguồn hỗ trợ tài chính vẫn là rào cản chính để họ “vươn xa và vươn rộng”.
Rõ ràng, thái độ, tinh thần quyết liệt của lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã rất rõ ràng. Song, nhiều doanh nghiệp vẫn lo lắng cơ chế “trên nóng, dưới lạnh” sẽ tạo cản trở cho doanh nghiệp phát triển. Bởi thế, ngoài chính sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, sự vào cuộc quyết liệt từ trên xuống dưới trong các cơ chế hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là điều mà các doanh nghiệp đang rất mong đợi.
Tuệ Trang