Kinh tế xã hội
Phát hiện bệnh trầm cảm bằng điện thoại thông minh
09:10, 23/02/2019 (GMT+7)
Các nhà khoa học mới đây đã liên kết được việc sử dụng điện thoại thông minh với tính năng phát hiện sức khoẻ tâm thần tuổi teen và phát hiện sớm bệnh trầm cảm.
Đại diện nhóm nghiên cứu, TS Thomas Insel, nguyên Viện trưởng Viện Sức khoẻ thâm thần Mỹ cho hay, khi các thanh, thiếu niên dành nhiều thời gian cho các trang mạng xã hội, giải trí như Instagram, Snapchat và YouTube, chúng cũng để lại những dấu vết kỹ thuật số có thể mang lại dấu hiệu về sức khỏe tinh thần của bản thân.
Các dấu hiệu cảnh báo có thể bao gồm việc thay đổi tốc độ viết, chất lượng giọng nói, lựa chọn từ ngữ và tần suất học sinh ở nhà hay đi học. “Có hơn 1.000 dấu ấn sinh học trên điện thoại thông minh.
Các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm các ứng dụng điện thoại thông minh sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để dự đoán trầm cảm hay việc một người có thể tự gây hại (self-harm).
Sử dụng điện thoại thông minh làm máy phát hiện sức khỏe tâm thần cần có sự cho phép của người dùng để tải ứng dụng và quyền có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào”, TS Thomas Insel nói. Ông hiện là một trong những người tiên phong trong phong trào phát hiện và điều trị tâm thần học qua điện thoại thông minh.
Trong khi đó, Nick Allen, một nhà tâm lý học tại Đại học Oregon, người đã tạo ra một ứng dụng đang được thử nghiệm trên những người trẻ tuổi luôn mang tư tưởng tự tử, thì cho hay, rào cản lớn nhất là làm sáng tỏ các tín hiệu khủng hoảng sức khỏe tâm thần từ thông tin trên điện thoại của mọi người.
Hiện tự tử là nguyên nhân hàng thứ hai gây tử vong cho những người trong độ tuổi từ 10 đến 34 ở Mỹ. Vào năm 2015, tỷ lệ tự tử ở các cậu bé tuổi teen đã tăng lên 14/100.000 người và 5 trong số đó là nữ giới.
“Một nghiên cứu gần đây cho thấy sự gia tăng sử dụng điện thoại thông minh có lẽ đã làm khủng hoảng thêm”, Nick Allen cảnh báo: “Những người mắc bệnh tâm thần thường được điều trị khi họ gặp khủng hoảng nhiều và gần như là rất muộn. Chúng tôi muốn có một phương pháp để xác định các dấu hiệu sớm nhất”.
Nếu điện thoại thông minh có thể trở thành công cụ dự đoán hiệu quả, các nhà phát triển ứng dụng cho biết mục tiêu có thể là cung cấp tin nhắn văn bản tự động và liên kết tới trung tâm hỗ trợ hoặc tin nhắn kỹ thuật số cho phụ huynh, bác sĩ.
Từ năm ngoái, khi tình trạng tự tử và self-harm ở giới trẻ ngày càng gia tăng, Facebook cũng đã sử dụng tính năng phát hiện chủ động, nhất là sau khi một vụ tự tử được phát trên Facebook Live.
Khi đó, Facebook đã dùng hệ thống AI của mình để tìm kiếm các từ ngữ trong các bài đăng trực tuyến có thể dự đoán khả năng tự gây hại hoặc những nhận xét của bạn bè bày tỏ mối quan tâm về sức khỏe của người dùng...
Facebook đã giúp những người trả lời đầu tiên nhanh chóng tiếp cận khoảng 3.500 người trong năm 2018 nhưng công ty không cung cấp chi tiết theo dõi về những người đó. Một nghiên cứu khác cũng được Đại học Stanford thực hiện với khoảng 200 thanh, thiếu niên.
Nhiều người trong số họ có nguy cơ bị trầm cảm vì bị bắt nạt, gặp các vấn đề gia đình hoặc các vấn đề khác. Những thanh, thiếu niên này được nghiên cứu sau khi đi học lớp sử dụng một ứng dụng điện thoại thử nghiệm hỏi họ những câu hỏi về tâm trạng của họ ba lần một ngày trong hai tuần liền.
Laurel Foster, 15 tuổi - một thành viên của nhóm thử nghiệm cho biết, em luôn cảm thấy căng thẳng, lo lắng ở trường học và tình bạn. Căn bệnh trầm cảm dường như đang phổ biến tại trường trung học San Francisco của em.
Nhưng Foster cũng thưà nhận dùng ứng dụng điện thoại thông minh cảm thấy giống như bị theo dõi như kiểu nhiều trang web đã theo dõi hành vi của người dùng. Alyssa Lizarraga, 19 tuổi thì cho biết cô đã bị trầm cảm từ thời trung học và lo lắng về việc sử dụng nhiều điện thoại thông minh và phương tiện truyền thông xã hội.
Lizarraga cho biết việc so sánh bản thân với người khác trên mạng đôi khi khiến cô buồn. Nhưng cô tin rằng sử dụng điện thoại thông minh để xác định các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể giúp thúc đẩy mọi người tìm cách điều trị sớm.
Còn tại Đại học California, Los Angeles, các nhà nghiên cứu cung cấp dịch vụ tư vấn trực tuyến và một ứng dụng điện thoại thử nghiệm cho những sinh viên có dấu hiệu trầm cảm ít nhất trong một bài kiểm tra.
Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn được đưa ra vào năm 2017 bởi hệ thống các trường đại học nhằm chống lại căn bệnh trầm cảm ở sinh viên. Khoảng 250 sinh viên của trường này đã đồng ý sử dụng ứng dụng trong năm đầu tiên. Trong khi đó, tại khuôn viên của Đại học Illinois, các nhà nghiên cứu đang sử dụng dịch vụ cộng đồng để thử nghiệm ứng dụng điện thoại thử nghiệm của họ.
Gần 2.000 người đã tải xuống ứng dụng và đồng ý cho phép các nhà nghiên cứu theo dõi các hành vi đánh máy. Alex Leow, một giáo sư về tâm thần học và kỹ thuật sinh học tại trường đại học, đã giúp phát triển ứng dụng này.
Nghiên cứu dành cho những người từ 18 tuổi trở lên, nhưng Leow cho biết nó cũng có thể được sử dụng cho trẻ em nếu thành công. Cùng với các nghiên cứu tại các trường đại học, các công ty công nghệ như Mindstrong và Verily - bộ phận y tế công nghệ của Google - đang thử nghiệm các ứng dụng thử nghiệm của riêng họ.
Nguồn: CAND