Kinh tế xã hội
Luật đang 'bỏ qua' lực lượng kinh doanh đông đảo nhất?
14:36, 20/02/2019 (GMT+7)
Nhiều ý kiến chuyên gia khẳng định rằng cần coi các hộ kinh doanh là doanh nghiệp và nếu các hộ này không được coi là doanh nghiệp thì đó chính là điểm nghẽn lớn của pháp luật Việt Nam.
Đây là vấn đề được thảo luận khá căng thẳng tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Luật Sửa đổi Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức sáng 20/2.
Nhiều hộ kinh doanh tại Việt Nam vẫn ngần ngại chuyển lên thành doanh nghiệp. - Ảnh minh họa |
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho rằng vấn đề quan trọng thậm chí là quan trọng bậc nhất của lần sửa luật này là mở cánh cửa cho trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể.
Cần khung khổ pháp lý riêng
Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức. Nhiều chính sách hiện tại khiến cho các hộ kinh doanh cá thể ngần ngại chuyển đổi lên thành doanh nghiệp, mặc dù luật đã có những quy định về việc chuyển đổi này, ông Lộc nhấn mạnh.
Phân tích kỹ hơn, ông Lộc cho rằng, thủ tục đăng ký doanh nghiệp được ca ngợi là bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, như: việc xác định mã ngành cấp 4 khi đăng ký kinh doanh, thời gian để hoàn thành việc đăng ký doanh nghiệp trên thực tế với quy định của Luật vẫn còn vênh nhau; hộ kinh doanh buôn chuyến phải thực hiện nhiều thủ tục không cần thiết. Những bất cập này có thể là cản trở, thông điệp ngược cho tinh thần cải cách của đạo luật này.
Chủ tịch VCCI lưu ý rằng theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới thì gia nhập thị trường của Việt Nam vẫn chỉ xếp ở thứ hạng 104 của thế giới trong Doing Business, một trong những chỉ số thấp nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam.
Với quan điểm cần có khung khổ pháp lý chắc chắn cho khu vực hộ kinh doanh cá thể, ông Lộc tha thiết đề nghị ban soạn thảo hãy thể hiện tinh thần tháo gỡ điểm nghẽn nói trên cho hàng triệu hộ kinh doanh, một trong những động lực tăng trưởng chủ yếu của nền kinh tế giai đoạn tới.
Bản chất hộ kinh doanh là doanh nghiệp, trong các nền kinh tế thì không ai bỏ khu vực này ra khỏi luật. Các hộ kinh doanh là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ nhưng không được coi là doanh nghiệp thì đó chính là điểm nghẽn lớn của pháp luật Việt Nam, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
“Đã tới lúc các hộ kinh doanh, khu vực chiếm đến hơn 30% GDP, cần một khung khổ pháp lý riêng, thậm chí một chương riêng trong Luật Doanh nghiệp, chứ không chỉ phải vài điều khoản trong Nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp như hiện nay”, ông Lộc kiến nghị.
“Phải được xem là doanh nghiệp tư nhân”
Còn luật sư Lê Văn Hà (Công ty Luật Pathlaw) thì cho rằng, bất cập cần sửa của Luật Doanh nghiệp năm 2014 thể hiện ngay ở khái niệm doanh nghiệp và đối tượng điều chỉnh.
Cụ thể, điều 1 "luật quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân, quy định về nhóm công ty".
Tuy vậy, điều 212 khoản 2 lại quy định hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ. Bản thân Nghị định 78 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp cũng căn cứ vào Luật Doanh nghiệp để hướng dẫn việc đăng ký kinh doanh đối với hộ kinh doanh. Điều 212 cũng "buộc" hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên trên 10 lao động phải chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp.
Như vậy, xét về đối tượng điều chỉnh, Luật Doanh nghiệp không điều chỉnh hoạt động của đối tượng hộ gia đình có đăng ký kinh doanh, vị luật sư bình luận. Nhận xét từ ông Hà là quy định như luật hiện hành là không chuẩn xác về kỹ thuật lập pháp. Nội dung của luật quy định về tổ chức, hoạt động của những đối tượng nằm ngoài phạm vi đối tượng điều chỉnh của chính bản thân luật đó.
Quan niệm "doanh nghiệp" không bao gồm hộ gia đình, cá nhân có đăng ký kinh doanh cũng sai về nội hàm của khái niệm doanh nghiệp. Cần phải hiểu bất kỳ ai lấy kinh doanh làm nghề nghiệp chính cũng là doanh nghiệp, ông Hà nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Hà phân tích, xét từ góc độ chính sách, hiện nay không có bất kỳ văn bản pháp luật nào quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Trong khi đây là đối tượng đông đảo nhất về số lượng (gần 5 triệu hộ), là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong nền kinh tế (gần 10 triệu việc làm).
Theo luật sư Hà, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp hộ gia đình, doanh nghiệp một chủ là thực tế khách quan. Ngay cả các nước phát triển cũng vẫn duy trì loại hình doanh nghiệp "sole proprietorship" với rất nhiều ưu đãi và hỗ trợ. Trong khi đó hệ thống luật pháp Việt Nam gần như gạt ra ngoài việc công nhận và bảo đảm địa vị pháp lý, các quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình có đăng ký kinh doanh. Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng gạt đối tượng này ra khỏi các chính sách hỗ trợ.
Kiến nghị của luật sư Hà là cần mở rộng đối tượng điều chỉnh của Luật Doanh nghiệp bao gồm cả hộ gia đình và cá nhân có đăng ký kinh doanh. Bổ sung một chương trong luật quy định về địa vị pháp lý, quyền và nghĩa vụ của hộ đăng ký kinh doanh, hoặc phải có một văn bản luật riêng quy định về hộ gia đình đăng ký kinh doanh.
Ông Hà cũng cho rằng cần bỏ quy định có tính chất cưỡng ép và thiếu thực tiễn về việc bắt buộc chuyển đổi hộ gia đình đăng ký kinh doanh thành doanh nghiệp tại điều 212 luật hiện hành.
Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật BASICO) cũng cho rằng hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh là một tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp, thường xuyên, bản chất chính là doanh nghiệp và phải được xem là doanh nghiệp tư nhân.
Ông Đức cho rằng duy trì hộ kinh doanh bên cạnh các loại hình doanh nghiệp là một sự bất bình đẳng, một sự mập mờ về pháp lý. Do đó, ông kiến nghị cần loại bỏ hộ kinh doanh để chuyển chuyển thành doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty. Đồng thời, quy định một giai đoạn chuyển tiếp và chế độ quản lý, tài chính, kế toán đơn giản, phù hợp với thực tế.
Sửa đổi lớn hay sửa đổi nhỏ?
Luật sư Trương Thanh Đức cũng kiến nghị phải bắt tay vào chuẩn bị sửa đổi lớn, viết lại Luật Doanh nghiệp, thay đổi một cách căn bản về quan điểm
Đối với Luật Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức nhìn nhận cốt lõi của luật này là danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh, gắn với kinh doanh. "Trong khi đó, ngành nghề kinh doanh vốn được quy định trong các Luật Doanh nghiệp trước đây"- ông Đức nhấn mạnh.
Cũng từ phân tích này, luật sư Đức kiến nghị bỏ Luật Đầu tư, đồng thời chuyển mục ngành, nghề cấm và đầu tư kinh doanh có điều kiện quay lại Luật Doanh nghiệp.
"Đương nhiên, mọi hoạt động đầu tư đều phải thực hiện các luật liên quan như Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Phòng cháy chữa cháy... Đầu tư của doanh nghiệp là quyền tự chủ của doanh nghiệp, còn đầu tư của Nhà nước thì phải theo Luật Đầu tư công. Do vậy, chuyển những nội dung cần thiết về đầu tư sang Luật Doanh nghiệp, có thể thêm một chương về đầu tư, trong đó có đầu tư nước ngoài"- vị luật sư đề xuất.
Trong khi đó, ông ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cũng cho biết mục tiêu và nguyên tắc sửa Luật Doanh nghiệp là sửa đổi căn bản, sửa đổi tối đa những gì không cần thiết, không hợp lý.
Tuy nhiên, khác với quan điểm “sửa đổi lớn” của luật sư Đức, ông Hiếu cho biết lần này chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, tập trung vào gia nhập thị trường và quản trị doanh nghiệp. Đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí gia nhập thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp, thúc đẩy và nâng cao quản trị doanh nghiệp tốt.
“Về mặt kỹ thuật, chủ yếu là bãi bỏ, gạch bớt các điều, hạn chế tối đa việc vừa bổ sung, vừa bãi bỏ. Trong đó, cải cách triệt để về con dấu, bãi bỏ thủ tục thông báo mẫu dấu”, ông Hiếu cho biết.
Ông Hiếu cũng thông báo nhiều điểm mới trong dự thảo Luật như trình tự, thủ tục thành lập các doanh nghiệp đặc thù (chứng khoán, bảo hiểm, lĩnh vực tư pháp...) sẽ áp dụng thống nhất theo Luật Doanh nghiệp.
Đặc biệt, dự thảo cho phép doanh nghiệp tư nhân chuyển thẳng thành công ty cổ phần. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp muốn chuyển thành công ty cổ phần thì trước hết phải chuyển thành công ty TNHH, ông Hiếu cho rằng đây là một sự lãng phí.
Phản hồi về các ý kiến về hộ kinh doanh, ông Hiếu thừa nhận bản thân ông và nhóm soạn thảo cũng đang có những lúng túng, mặc dù đây là vấn đề được ông rât quan tâm.
“Tôi rất muốn nhưng câu hỏi là làm thế nào? Nếu quy định 1 chương về hộ kinh doanh trong Luật thì quy định cái gì”, ông Hiếu giãi bày.
Còn Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, ông Vũ Đại Thắng, thì đồng tình đề xuất mà theo ông là hoàn toàn xác đáng của Chủ tịch VCCI. Chúng tôi sẽ tiếp thu và cân nhắc báo cáo cơ quan có thẩm quyền, ông Thắng hồi âm.
Nguồn: Hà Chính/Chinhphu.vn