Kinh tế xã hội

Tăng cường giám sát việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

09:40, 27/01/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trước thực tế nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngày càng tăng cả về số lượng và chất lượng, việc cân đối thu chi để sử dụng đúng mục đích quỹ BHYT luôn là “bài toán” khó. Thời gian qua, Nghệ An đã vào cuộc triển khai nhiều giải pháp quyết liệt để nâng cao chất lượng giám sát việc quản lý và sử dụng quỹ BHXH, BHYT trên địa bàn.

Người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Nguyên
Người dân khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hưng Nguyên

Theo thống kê của BHXH tỉnh, số lượng người tham gia BHXH, BHYT, BHTN tăng đều qua các năm. Năm 2016, toàn tỉnh có 2.469.989 người; năm 2017 có 2.653.768 người, năm 2018 có 2.809.906 người tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, số thu BHXH, BHYT, BHTN cũng tăng đều. Năm 2016, thu được 4.716 tỉ đồng, đạt 103,99% so với dự toán giao; năm 2017 thu được 5.212,9 tỉ đồng, đạt 103,64%  so với dự toán giao; năm 2018 thu được 5.691,7 tỉ đồng, đạt 100,9% so với dự toán giao.

Giai đoạn 2016 - 2018, công tác thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là tạo ra chuyển biến cả trong nhận thức, hành động của toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tế  vẫn còn một số tồn tại, bất cập.

Đơn cử như liên quan đến vấn đề nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN có chiều hướng giảm; tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn còn tỉ lệ nợ khá cao. Số nợ năm 2016 là 213,6 tỉ đồng, chiếm 4,7% số thu, thấp hơn chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao là 1,9%; năm 2017 là 218,4 tỉ đồng và tính đến ngày 31/12/2018, tổng số nợ BHXH, BHYT, BHTN là 115,64 tỉ đồng, chiếm 2% so với số phải thu. Hiện, có 860 đơn vị với 11.637 lao động nợ BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng trở lên.

Bên cạnh đó, thời gian qua, vẫn còn tình trạng một số nhóm đối tượng có tỉ lệ tham gia bảo hiểm thấp như người lao động làm việc trong các doanh nghiệp. Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN còn khó khăn, vướng mắc xuất phát từ thực tế nhiều doanh nghiệp không thực hiện, hoặc thực hiện không đầy đủ việc khai trình lao động theo quy định; không thống kê được số lượng người dân trong độ tuổi lao động của tỉnh đi làm việc ở tỉnh khác. Tính đến tháng 12/2018, toàn tỉnh có 725 doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn với tổng số tiền nợ là 35,5 tỉ đồng.

Cũng liên quan đến một số hạn chế trong lĩnh vực BHYT, mặc dù BHXH tỉnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều nhóm giải pháp nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT song tình trạng bội chi quỹ BHYT trên địa bàn tỉnh vẫn còn có mặt phức tạp. Năm 2018, dự kiến quỹ BHYT bội chi trên 1,2 nghìn tỉ đồng.

Ngoài vấn đề liên quan đến phát sinh bội chi quỹ BHYT; tình trạng lạm thu, trục lợi từ quỹ BHYT; nợ đọng BHXH cũng đã được các cấp, ngành thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn, xử lý. Năm 2018, qua thanh tra chuyên ngành và thanh tra liên ngành, làm việc với các đơn vị nợ BHXH, các đoàn thanh tra đã lập biên bản 1.450 đơn vị nộp chậm; chuyển hồ sơ 15 đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH cho Công an tỉnh xử lý. Một vấn đề đáng lưu tâm là nợ đọng BHXH trên địa bàn tỉnh đang cao hơn bình quân cả nước (2% so với 1,7%). Qua kiểm tra cho thấy, nợ đọng BHXH đang rơi vào các doanh nghiệp ở tình trạng có nguy cơ phá sản cao, nên không có khả năng thu.

Liên quan đến “bài toán” bội chi quỹ BHYT, theo Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Đắc Vinh: Nếu đứng từ lợi ích ngành BHXH, BHYT hay đứng từ lợi ích của người dân để giải quyết vấn đề là rất khó, do đó nên đưa trách nhiệm của người dân để hạn chế tình trạng bệnh viện thoả thuận với người dân trong khám, chữa bệnh (nếu có). Ban Thường vụ Tỉnh uỷ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng liên quan, phối hợp vào cuộc để số tiền bội chi về quỹ BHYT không tăng lên trong những năm tiếp theo.

Phát biểu tại cuộc làm việc để trao đổi về kết quả giám sát tình hình quản lý và sử dụng Quỹ BHXH, BHYT và công tác cải cách hành chính, thực thi công vụ trong lĩnh vực BHXH trên địa bàn tỉnh giai đoạn từ năm 2016 - 2018, theo Phó tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Phạm Lương Sơn: Nhiệm vụ đặt ra đối với các bệnh viện là cần phải chỉ rõ giữa dịch vụ khám bệnh được BHXH chi trả và dịch vụ người dân phải chi trả; qua đó, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu rõ. Ngoài ra, để giảm bội chi BHYT, nếu tình trạng bệnh tật chưa nặng, bệnh viện không thực hiện việc tiếp nhận bệnh nhân vào điều trị nội trú; không kéo dài ngày điều trị đối với những bệnh nhẹ…

Cũng nằm trong khuôn khổ buổi làm việc, theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Thành: Một trong những nguyên nhân khiến bội chi BHYT có nguy cơ chưa dừng lại là do công tác quản lý. Theo đó, trách nhiệm không phải của riêng ngành BHXH mà cả hệ thống chính trị cũng phải vào cuộc. Cần tăng cường quản lý trách nhiệm của giám đốc của các bệnh viện; tăng cường chế độ giám sát và cần phải cá thể hoá trách nhiệm đối với những hành vi cố tình trục lợi, lạm dụng quỹ BHXH, BHYT... qua đó, góp phần quan trọng đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.

Thùy Dương

Các tin khác