Kinh tế xã hội

Gỡ khó cho tàu 67

11:24, 23/01/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Những con tàu được thực hiện theo Nghị định 67 vẫn cần mẫn, mạnh mẽ vươn ra giữa biển khơi. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng ngư dân Nghệ An quyết tâm bám biển vươn khơi, làm giàu cho gia đình, quê hương, khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngư dân đang mong mỏi triển khai thêm các chính sách hỗ trợ để phát triển vươn khơi
Ngư dân đang mong mỏi triển khai thêm các chính sách hỗ trợ để phát triển vươn khơi

Theo thống kê mới nhất, hiện, tổng số tàu cá toàn tỉnh là 3.523 tàu với tổng công suất 650.706CV. Trong đó có 1.433 tàu có công suất trên 90CV. Nghệ An hiện có 3 cảng cá chính gồm Cửa Hội, Lạch Vạn, Lạch Quèn; cảng cá Quỳnh Phương đang trong thời gian hoàn thiện xây dựng chuẩn bị đưa vào hoạt động và 5 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá trên địa bàn toàn tỉnh mới chỉ đáp ứng được từ 55 - 65% nhu cầu neo đậu, bốc xếp hàng hóa và tránh trú bão của ngư dân tỉnh nhà. Trong khi số tàu tham gia khai thác trên các vùng biển xa từ đầu năm 2018 đến nay là 166 tàu; đến hết năm 2018 là 163 tàu với 622 chuyến, kinh phí hỗ trợ ước thực hiện hết năm 2018 là 59.021 triệu đồng; còn 3 tàu không đủ điều kiện hỗ trợ theo quy định.

Thời gian qua đã có nhiều tiến bộ khoa học được áp dụng vào khai thác hải sản, đến nay toàn bộ tàu khai thác xa bờ đều đầu tư lắp đặt máy dò cá và máy thông tin tầm xa. Ngoài ra, còn làm hầm bảo quản lạnh trên tàu cá bằng vật liệu PU, lắp bóng đèn Led, đèn Halogen, lắp đặt hệ thống tời lưới và tời nâng cá từ hầm cá lên boong tàu... làm tăng chất lượng sản phẩm đánh bắt, giảm sức lao động; đồng thời, giảm thiểu rủi ro tai nạn trên biển.

Những năm qua, tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích, phát triển đội tàu theo Nghị định 67. Sau khi có quy định, chính quyền các địa phương đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Nghị định 67 đến các thôn, xóm, các tổ chức, cá nhân hoạt động khai thác hải sản, dịch vụ khai thác hải sản xa bờ trên địa phương với nhiều hình thức tuyên truyền thích hợp, giúp người dân hiểu rõ mục đích, đối tượng, thời gian theo đúng tinh thần Nghị định.

Như tại huyện Quỳnh Lưu, sau khi có Quyết định 87 về hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh từ năm 2015 - 2017, huyện đã đóng mới 122 tàu, năm 2018 đã đóng mới 11 tàu có công suất 700CV trở lên với kinh phí hỗ trợ 3,3 tỉ đồng. Thực hiện Nghị định 67, sau 3 năm, toàn huyện có 52 tàu đóng mới với tổng kinh phí được Ngân hàng Thương mại cho vay là 380,18 tỉ đồng, đến nay các tàu hoạt động tương đối hiệu quả.

Với sự nỗ lực của các ngư dân, chính quyền các địa phương và các sở, ngành liên quan, năm 2018, sản lượng khai thác hải sản đạt 143.105 tấn, tổng giá trị ước đạt 3.383,01 tỉ đồng. Huyện Quỳnh Lưu cũng là một trong những địa phương có đội ngũ tàu thuyền đánh bắt hải sản lớn nhất tỉnh Nghệ An và số lượng ngư dân được đóng tàu theo Nghị định 67 nhiều. Sau 3 năm triển khai thực hiện, có 52 dự án đã được vay vốn với tổng kinh phí đã được giải ngân là 380,18 tỉ đồng.

Tuy nhiên, nhiều ngư dân tại các địa phương đang gặp khó khăn. Một số chủ tàu vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 hoạt động kém hiệu quả nên đã không được hỗ trợ lãi suất do nợ quá hạn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng nghề cá phát triển chưa tương xứng với sự phát triển của đội tàu xa bờ và hiện mới đáp ứng được khoảng 40 - 50% nhu cầu của tàu xa bờ.

Việc đào tạo chuyên môn kỹ thuật về khai thác các trang, thiết bị hiện đại trên tàu xa bờ, cách bảo dưỡng tàu (nhất là tàu vỏ thép) cho đội ngũ thuyền, máy trưởng, ngư dân chưa thực sự bài bản và chuyên nghiệp. Như tại Quỳnh Lưu, thực hiện Quyết định 87, trong 3 năm (từ 2015 - 2017), toàn huyện đã đóng mới 122 tàu với tổng kinh phí thực hiện chính sách là 28.800 triệu đồng, tuy nhiên, đến nay tỉnh mới cấp được 16,6 tỉ đồng. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh xem xét cấp đủ số kinh phí còn lại là 12,2 tỉ đồng để chi trả cho các chủ tàu.

Hiện, các địa phương đang tập trung phát triển đội tàu khai thác xa bờ công suất lớn với các nghề khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, sắp xếp cơ cấu nghề nghiệp khai thác hợp lý trên cơ sở giảm các nghề khai thác hủy diệt, ảnh hưởng tới nguồn lực, tăng các nghề có tính chọn lọc, thân thiện với môi trường. Đồng thời, hình thành các đội tàu dịch vụ hậu cần nghề cá để đảm bảo thời gian khai thác trên biển, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả của từng tổ đội tàu khai thác. Từ đó, khai thác tối đa hiệu quả tàu 67 trong khai thác, đánh bắt hải sản.

Tuệ Trang

Các tin khác