Kinh tế xã hội

Công nghiệp Nghệ An

Đóng góp lớn vào tốc độ tăng trưởng GRDP

10:54, 18/01/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Công nghiệp hiện là ngành đóng góp lớn nhất vào tốc độ tăng trưởng GRDP và được đánh giá là còn dư địa tăng trưởng. Đà tăng trưởng cao, tình hình sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm chủ lực đảm bảo tính ổn định… là những điểm sáng trong bức tranh công nghiệp năm 2018 của tỉnh Nghệ An.

Đầu tư đổi mới công nghệ là “chìa khóa” để các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và khả năng tiêu thụ sản phẩm
Đầu tư đổi mới công nghệ là “chìa khóa” để các doanh nghiệp nâng cao năng lực sản xuất và khả năng tiêu thụ sản phẩm

Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2018 trên địa bàn tỉnh đạt 56.700 tỉ đồng, tăng 19% so với năm 2017. Theo Sở Công thương, trong số 36 sản phẩm công nghiệp chủ yếu, có 30 sản phẩm đạt và vượt kế hoạch. Một số sản phẩm tăng cao so với năm 2017 và vượt mức kế hoạch gồm: Xi măng 4,45 triệu tấn, tăng 70,84%, vượt 250 tấn so với kế hoạch; sản phẩm tôn - thép Hoa Sen các loại 735 nghìn tấn, tăng 127%; điện sản xuất ước đạt 3.350 triệu KWh, tăng 35%, vượt 19,64% kế hoạch giao…

Về công nghiệp điện, trong năm 2018, đã đưa vào vận hành thêm 4 dự án thủy điện với tổng công suất 144 MW; nâng tổng số lên 16 dự án trên địa bàn tỉnh, đến thời điểm hiện nay đã phát điện với tổng công suất 855,5 MW. Một số sản phẩm chưa đạt kế hoạch do thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, hoặc ảnh hưởng của thời tiết dẫn đến nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định... gồm: Bia, bao bì, phân bón, thiếc, thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, thực tế trên không ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành, do các sản phẩm này chiếm tỉ trọng không lớn và được bù đắp bởi các sản phẩm vượt kế hoạch.

Năm qua, các khu, cụm công nghiệp đã thu hút nhiều dự án đi vào hoạt động. Tại Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh, đã có 92 dự án đi vào hoạt động với giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 23.759 tỉ đồng, tăng 45,5% so với cùng kỳ năm 2017; đóng góp gần 10% tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh, giải quyết việc làm cho gần 16.000 lao động với mức thu nhập bình quân gần 5,7 triệu đồng/người/tháng.

Cũng trong năm qua, Sở Công Thương đã làm việc trực tiếp với 30 doanh nghiệp trên các lĩnh vực khai thác, chế biến khoáng sản, cơ khí, chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng để kịp thời đề xuất UBND tỉnh có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

Tuy nhiên, theo đánh giá, sự phát triển của ngành công nghiệp trong năm qua vẫn còn chịu ảnh hưởng bởi một số “điểm nghẽn” như: Công tác bàn giao mặt bằng một số dự án công nghiệp trọng điểm còn chậm, ảnh hưởng đến giá trị sản xuất mới tăng thêm trong năm 2018; công tác dự báo tình hình, nắm bắt nhu cầu thị trường của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý có lúc chưa kịp thời; việc triển khai các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, năng lực sản xuất cũng như việc đầu tư đổi mới công nghệ của nhiều doanh nghiệp vẫn còn hạn chế.

Trên nền tảng những kết quả đạt được, năm 2019, ngành Công nghiệp Nghệ An dự kiến sẽ tạo được sức bật mới, thông qua việc tăng thêm khối lượng sản phẩm từ nhiều nhà máy lớn đang được đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động.

Về công nghiệp điện, hiện 2 dự án thủy điện đã hoàn thành thi công, đang làm hồ sơ thủ tục phát điện là Ca Lôi (2,4 MW) và Xoóng Con (14 MW), dự kiến sẽ phát điện đầu năm nay. Theo đó, tổng sản lượng điện sản xuất năm 2019 dự kiến đạt 3.500 triệu KWh. Về sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, cơ khí, công nghiệp điện tử - công nghệ thông tin dự kiến có thêm 3 nhà máy gạch, ngói màu ở Nghi Lộc, Tương Dương, KCN VSIP... Về công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản, thực phẩm sẽ tăng thêm năng lực sản xuất từ Dự án Nhà máy sản xuất bánh kẹo mới ở KCN Đông Hồi, Nhà máy sữa Vinamilk Nghệ An, Nhà máy sản xuất nước tinh khiết và nước hoa quả Núi Tiên của Tập đoàn TH...

Để lĩnh vực công nghiệp tiếp tục đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP của tỉnh, ông Hoàng Văn Tám, Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Năm 2019, ngành Công thương sẽ cơ cấu lại lĩnh vực công nghiệp theo hướng phát triển những dự án sử dụng công nghệ mới, tiên tiến, đảm bảo về môi trường. Trong đó, chú trọng phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp phục vụ nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ.

Liên quan đến hoạt động đầu tư, việc xây dựng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật các KCN như VSIP, Hemaraj, Hoàng Mai sẽ được đẩy nhanh tiến độ để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong hoạt động xuất khẩu hàng hóa và thu hút các nhà đầu tư mới, những nút thắt về đầu tư hạ tầng cũng sẽ được tháo gỡ, trong đó ưu tiên xây dựng cảng biển nước sâu, hệ thống logistic, hạ tầng KCN, cụm công nghiệp đảm bảo tách biệt khu dân cư, không gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, trước thực tế những “điểm nghẽn” trong khâu tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp của tỉnh trong thời gian qua, hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng thị trường, hội nhập quốc tế thông qua hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu; hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu cũng sẽ được ngành Công thương phối hợp tăng cường thực hiện hiệu quả.

Vượt qua những khó khăn chung trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế của khu vực cũng như trong nước chững lại, bức tranh ngành công nghiệp tỉnh nhà năm qua vẫn ghi nhận nhiều mảng sáng, nhất là trong lĩnh vực thu hút đầu tư, hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động sản xuất. Đó là nền tảng để năm 2019, Nghệ An phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 68.000 - 69.000 tỉ đồng và tốc độ tăng trưởng trên 19%.

Thùy Dương

Các tin khác