Kinh tế xã hội
Nhìn lại những cơn 'địa chấn' kinh tế năm 2018
10:25, 17/01/2019 (GMT+7)
Năm 2018 đã trôi qua với nhiều biến động trên thị trường kinh tế - tài chính thế giới, không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, mà còn có tác động sâu rộng đến những vấn đề khác như chính trị và xã hội.
Hãy cùng nhìn lại những biến động nổi bật của kinh tế thế giới năm 2018.
1. “Khai hỏa” chiến tranh thương mại
Cuộc chiến thương mại đã bắt đầu từ tháng 1, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu áp thuế nhập khẩu lên pin năng lượng mặt trời và máy giặt không được sản xuất tại Mỹ.
Kế đó, ngày 1-3, khi Washington tiếp tục “nã đạn” bằng tuyên bố mức thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhập vào Mỹ từ nước ngoài, trong đó có cả các đồng minh lâu đời của Mỹ như Canada, Mexico và Liên minh châu Âu (EU).
Các nền kinh tế này cũng trả đũa bằng chính sách tương tự. Riêng với Bắc Kinh, sau 3 lần, ông Trump đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và luôn đe dọa nâng gấp đôi con số này. Trung Quốc cũng đáp trả bằng thuế với 110 tỷ USD hàng Mỹ.
Những cuộc chiến thuế quan ông Trump tiến hành với Trung Quốc và các nước khác đã làm đảo lộn cục diện kinh tế toàn cầu. Từ tăng trưởng, kinh tế thế giới đã “đi ngang” và dần dần chuyển hướng đi xuống. GDP toàn cầu ước tính giảm khoảng 400 tỷ USD. Hai đầu tàu kinh tế thế giới mạnh nhất là Mỹ và Trung Quốc đều chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng vào những tháng cuối năm.
Trong đó, GDP của Mỹ dự báo giảm còn hơn 3% trong các quý cuối năm, từ mức 4,2% của quý II, khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất hành tinh có thể sẽ giảm xuống còn 2,4% trong năm nay và 2% năm 2020.
Với Trung Quốc, tăng trưởng GDP trong quý III chỉ còn 6,5%, là mức thấp nhất trong 9 năm qua. Dường như các hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Trung Quốc đã bắt đầu “ngấm đòn” từ cuộc chiến thương mại với Mỹ.
“Trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”, những cuộc đấu đá của các nền kinh tế lớn không chỉ gây thiệt hại đối với chính họ, mà còn khiến các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi bị ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng tháo vốn khỏi các quỹ đầu tư toàn cầu và xu hướng suy giảm tự do thương mại.
2. Chứng khoán trở chứng
2018 là một năm nhiều sự kiện và cảm xúc với giới đầu tư toàn cầu, khi thị trường chứng khoán (TTCK) tại 2 nền kinh tế lớn nhất hành tinh đều có những biến động khó lường. Tại Mỹ, Wall Street 2 lần lập kỷ lục, vào tháng 1 và tháng 9, nhưng sau đó đều rơi vào vùng điều chỉnh (giảm 10% từ đỉnh). Đây cũng là năm S&P 500 có số phiên biến động từ 2% trở lên nhiều nhất kể từ năm 2011. Nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây sức ép lên tăng trưởng và nâng lãi suất sẽ ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp.
Chỉ số Shanghai Composite Index đã giảm gần 25% so với thời điểm đầu năm. |
Trong khi đó, chỉ số Shanghai Composite Index đã giảm gần 25% so với thời điểm đầu năm, đưa Trung Quốc trở thành TTCK lớn có mức giảm điểm mạnh nhất thế giới 2018.
Chiến tranh thương mại bùng nổ giữa Mỹ và Trung Quốc được xem là nguyên nhân chính khiến chứng khoán Trung Quốc "bốc hơi" 2,3 nghìn tỷ USD giá trị vốn hóa năm nay. Cùng với đó, chiến dịch giảm nợ trong nền kinh tế mà Bắc Kinh theo đuổi đã khiến mức nợ ký quỹ trên TTCK nước này giảm xuống còn khoảng 1/3 so với mức đỉnh vào năm 2015.
Ngoài chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, nhà đầu tư chứng khoán Trung Quốc còn lo ngại về sự giảm tốc của nền kinh tế trong nước. Với mức giảm vốn hóa nói trên, Trung Quốc năm 2018 đã nhường lại vị trí TTCK lớn thứ nhì thế giới cho Nhật Bản.
Chỉ số MSCI theo dõi chứng khoán toàn thế giới đang có chuỗi giảm dài nhất 5 năm. DAX (Đức) đã mất 16,6% năm nay. Hồi đầu tháng 12-2018, tác động cộng hưởng từ chứng khoán toàn cầu lao dốc và lo ngại vấn đề Brexit cũng khiến chỉ số FTSE 100 (Anh) đóng cửa ở mức thấp nhất kể từ cuối năm 1999.
3. Tiền ảo chao đảo
Thời điểm này năm 2017, giá Bitcoin đạt gần 20.000 USD sau vài tháng tăng điên cuồng. Thậm chí, một nhà phân tích từng dự báo giá Bitcoin có thể lên tới 100.000 USD một đồng năm nay.
Tuy nhiên, việc đó đã không xảy ra. Các nhà đầu tư tổ chức không rót tiền vào thị trường này như kỳ vọng, cùng sự kiểm soát ngày càng gắt gao từ giới chức các nước đã khiến tiền ảo dần mất giá. Mỗi Bitcoin hiện chỉ giao dịch quanh 4.000 USD, thậm chí có thời điểm xuống sát 3.000 USD.
Cơn sốt tiền ảo cũng chỉ là một quả bong bóng đang trên đà "vỡ tan". |
Tương tự, các công ty đào Bitcoin cũng phải đóng cửa, điển hình là Giga Watt, một công ty nổi tiếng trong lĩnh vực khai thác Bitcoin, đã đệ đơn xin phá sản với số nợ 10-50 triệu USD hồi tháng 11 vừa rồi.
Hơn nữa, một nghiên cứu mới đây của các kinh tế gia đến từ Đại học Yale danh tiếng đã chỉ ra rằng Bitcoin hoàn toàn có thể trở nên vô giá trị. Và nhiều chuyên gia cho rằng cơn sốt tiền ảo cũng chỉ là một quả bong bóng đang trên đà "vỡ tan".
4. Giá dầu chao đảo
Suốt 6 tháng đầu, thị trường dầu không có gì đáng chú ý khi giá dầu giao dịch chỉ dao động quanh mức 70-75 USD/thùng. Tuy nhiên, đến đầu tháng 10, “vàng đen” bất ngờ gây chú ý khi bất ngờ tăng vọt lên đỉnh 4 năm, ở mức 87 USD một thùng Brent, do lo ngại thiếu cung năm 2019 khi Mỹ khôi phục các lệnh trừng phạt lên Iran. Tuy vậy, nỗi sợ này sau đó đã được chứng minh là vô căn cứ. Chỉ trong 6 tuần, giá mất hơn 20 USD.
Nguyên nhân là triển vọng tăng trưởng nhu cầu năm tới được dự báo yếu đi, sản xuất Mỹ và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đang ở mức kỷ lục, hoàn toàn bù đắp được lượng thiếu hụt từ Iran. Bên cạnh đó, Mỹ lại đồng ý cho 8 nước tiếp tục mua dầu từ Iran mà không vi phạm lệnh trừng phạt.
Việc này khiến giá dầu liên tiếp lập đáy trong những tháng cuối năm. OPEC và các nước đồng minh đã phải nhóm họp, tuyên bố sẽ giảm sản xuất 1,2 triệu thùng một ngày trong năm 2019. Dù vậy, thông tin này không giúp ích nhiều cho thị trường.
5. NAFTA đã đi xa
Sau hơn một năm đàm phán căng thẳng, đến ngày 1-10, Mỹ, Canada và Mexico đã đạt được thỏa thuận cập nhật Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), hiệp ước năm 1994 chi phối hơn 1,2 nghìn tỷ đô la thương mại giữa 3 quốc gia. Thỏa thuận mới, đã được ký bởi các nhà lãnh đạo của cả 3 quốc gia tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Buenos Aires hồi cuối tháng 11, sẽ được gọi là Thỏa thuận Mỹ-Mexico-Canada, hay USMCA.
Dù là thoả thuận với các đối tác Bắc Mỹ, song USMCA lại được nhận diện là công cụ hữu hiệu của Tổng thống Trump trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, thể hiện qua một số nội dung USMCA đã được tiết lộ. Thứ nhất về mặt chiến thuật: xây dựng cơ chế đồng thuận trong trao quy chế thị trường tự do hay ngăn chặn giao thương với quốc gia có nền kinh tế phi thị trường (như Trung Quốc).
Một điều khoản đặc biệt của USMCA cho Mỹ quyền phủ quyết bất kỳ nỗ lực nào của Canada hoặc Mexico nhằm có được thỏa thuận thương mại tự do với một nền kinh tế phi thị trường.
Nếu một trong 3 nước ký thỏa thuận thương mại tự do với quốc gia có nền kinh tế không được trao quy chế thị trường tự do, một trong hai bên còn lại có quyền chấm dứt USMCA, chuyển USMCA từ cơ chế đa phương sang cơ chế song phương.
Thứ hai, về mặt kỹ thuật: ưu tiên lưu chuyển hàng hoá nội khối và nâng tỷ lệ nội địa hoá lên mức cao nhất có thể, để ngăn chặn hàng giá rẻ Trung Quốc.
Nguồn: CAND