Kinh tế xã hội

Một doanh nghiệp bị 'giam lỏng'

09:05, 21/01/2019 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Sau khi đầu tư nhà máy sản xuất bao bì với số tiền hơn 150 tỉ đồng hoàn thành, đưa vào sử dụng thì doanh nghiệp này đang bị “giam lỏng”, bởi không có đường để lưu thông, vận chuyển hàng hóa ra, vào nhà máy. Muốn xuất, nhập hàng hóa, doanh nghiệp phải hợp đồng với ngành đường sắt để cắt cử người trông coi đường ngang với giá rất cao. Về lâu dài, nếu việc lưu thông qua đường N2, Khu kinh tế (KKT) Đông Nam vẫn gặp khó khăn như hiện nay, chắc chắn không có doanh nghiệp nào dám “mạo hiểm” bỏ vốn đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) Thọ Lộc.

Nếu không hợp đồng với ngành đường sắt cắt cử người canh gác tại nút giao thông N2,  xe container sẽ không thể ra, vào nhà máy
Nếu không hợp đồng với ngành đường sắt cắt cử người canh gác tại nút giao thông N2, xe container sẽ không thể ra, vào nhà máy
 
Khác nào “bế quan tỏa cảng”?
 
Theo tìm hiểu của phóng viên, Dự án Nhà máy sản xuất bao bì của Công ty CP Bao bì quốc tế ECO được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định 2743/QĐ-UBND ngày 24/6/2017, với tổng mức đầu tư hơn 150 tỉ đồng, trên diện tích hơn 4,3 ha tại Khu A - KCN Thọ Lộc, thuộc KKT Đông Nam. 
 
Sau một thời gian đầu tư, xây dựng, đến nay, Nhà máy đã bắt đầu đi vào hoạt động. Theo tính toán của chủ đầu tư, nếu nhà máy này hoạt động hết công suất sẽ giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 500 lao động, hàng năm doanh nghiệp sẽ đóng góp một phần không nhỏ vào nguồn thu ngân sách của tỉnh (sản phẩm bao bì chủ yếu để xuất khẩu). 
 
Tuy nhiên, từ khi doanh nghiệp này đi vào hoạt động sản xuất, lại phát sinh một điều đáng buồn và cũng khá hy hữu, bởi con đường “độc đạo” dẫn vào nhà máy là đường N2 giao cắt với đường sắt Bắc - Nam, tại Km289+515 thuộc địa phận xã Diễn An, huyện Diễn Châu, không thể lưu thông bình thường. Theo thiết kế, tại nút giao này sẽ xây dựng giao cắt khác mức (cầu vượt đường sắt), thế nhưng, đến nay vị trí nói trên vẫn chưa có cầu vượt. Do đó, muốn ra, vào nhà máy, chủ đầu tư buộc phải hợp đồng với Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh cho mở lối cắt ngang đường sắt Bắc - Nam để lưu thông xe container vận chuyển hàng hóa, với giá cao.
 
Ông Trần Viết Hữu, Giám đốc Công ty CP Bao bì quốc tế ECO cho biết: Trước đây, khi Công ty Xuân Trường đang thi công đường N2 và hạ tầng KCN Thọ Lộc, việc ra, vào nhà máy vẫn phải đi qua đường sắt Bắc - Nam nhưng không gặp khó khăn. Từ khi Công ty Xuân Trường tạm ngừng thi công các dự án trên thì Công ty CP Bao bì quốc tế ECO phải hợp đồng với Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh cử người canh gác, mỗi tháng hơn 40 triệu đồng (tháng 8, 9, 10/2018), tiếp 3 tháng sau đó thì giảm xuống 35 triệu đồng/tháng. Theo ông Hữu, việc doanh nghiệp phải bỏ tiền để hợp đồng với ngành Đường sắt như vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, cạnh tranh của công ty. Do vậy, Công ty CP Bao bì quốc tế ECO tha thiết đề nghị UBND tỉnh có giải pháp thuận lợi, tạo điều kiện cho nhà máy yên tâm sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, cho đến nay, nguyện vọng chính đáng đó vẫn chưa có lời giải đáp hợp lý.
 
KKT Đông Nam “bó tay”!
 
Trao đổi với phóng viên, ông Phan Xuân Hóa, Phó trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam cho biết: Dự án Nhà máy sản xuất bao bì do UBND huyện Diễn Châu thu hút và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư. Sau khi xây dựng nhà máy, chủ đầu tư đã nhiều lần có văn bản đề nghị KKT Đông Nam, UBND tỉnh đề xuất vướng mắc tại nút giao cắt đường N2 với đường sắt Bắc - Nam, lối vào nhà máy. KKT Đông Nam cũng đã nhiều lần đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho mở đường ngang tại đường N2.
Nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu ECO  được đầu tư với số tiền hơn 150 tỉ đồng
Nhà máy sản xuất bao bì xuất khẩu ECO được đầu tư với số tiền hơn 150 tỉ đồng
Ban đầu đề xuất đã được đồng ý, tuy nhiên, sau đó rà soát lại thì vướng vào Luật Đường sắt nên Bộ GTVT không đồng ý và bắt buộc phải sử dụng phương án xây dựng nút giao thông khác mức. Tuy nhiên, theo ông Hóa, nếu làm cầu vượt đường sắt tại đường N2, số vốn đầu tư phải có hàng trăm tỉ đồng, hiện nay, UBND tỉnh Nghệ An chưa có kinh phí để đầu tư cho dự án này. Cũng theo ông Hóa, hiện nay, Ban quản lý KKT Đông Nam đang lập dự án cho nút giao thông tại đường N2, song vốn để xây dựng cho đến năm 2020 chưa bố trí được.
 
Trước thực tế trên, phía Công ty CP Bao bì quốc tế ECO đề xuất phương án hỗ trợ doanh nghiệp số tiền chi trả cho ngành Đường sắt cử người trông coi gác chắn. Tuy nhiên, về phương án này, ông Hóa cho rằng cũng rất khó, bởi việc hỗ trợ đó không có danh mục để chi và số tiền doanh nghiệp đề nghị 18 triệu/tháng là khá nhiều.
 
Về phía Công ty Đường sắt Nghệ Tĩnh, qua trao đổi, ông Đoàn Văn Hồng, Trưởng phòng Kế hoạch - Kinh doanh cho biết, trước đó, vào năm 2010, khi Công ty Xuân Trường vào thi công Dự án đường N2 và KCN Thọ Lộc cũng đã có phối hợp giữa 2 bên về việc mở lối đi tạm qua đường sắt Bắc - Nam (tại Km289). Đồng thời, cam kết sau 5 năm sẽ xây dựng cầu vượt đường sắt. Nếu khi hết thời hạn 5 năm chưa xây dựng được đường sắt thì tiếp tục gia hạn thời gian mở lối đi tạm. Tuy nhiên, do thiếu vốn đầu tư xây dựng nên sau đó Công ty Xuân Trường tạm ngừng thi công dự án và lối đi tạm cũng bị đóng lại (trừ một lối nhỏ cho xe gắn máy lưu thông và người dân đi làm đồng). Vừa qua, Công ty CP Bao bì quốc tế ECO tiếp tục có văn bản đề nghị phối hợp giữa 2 bên để mở lối đi qua đoạn đường sắt nói trên, hợp đồng 3 tháng hơn 126 triệu đồng. Theo ông Hồng, với số tiền trên, ngành Đường sắt sửa chữa một số hạng mục tại điểm giao cắt (hơn 39 triệu đồng), số tiền còn lại hơn 86 triệu đồng dùng để chi lương và chế độ chính sách cho người canh gác. 
 
Theo hợp đồng giữa 2 công ty tính toán, mỗi ngày có 2 nhân viên trông coi gác chắn này, 1 người tại nút giao thông N2, người còn lại ở ga Vinh, thời gian từ 7 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút trong ngày; tiền lương để trả cho 2 người này là hơn 900.000 đồng/ngày.
 
Sau khi hết thời hạn hợp đồng trên, theo tìm hiểu của phóng viên, mới đây Công ty CP Bao bì quốc tế ECO tiếp tục hợp đồng với ngành Đường sắt canh gác lối đi trên, với giá 35 triệu đồng/tháng.
 
Qua tìm hiểu sự việc cho thấy, đây là một câu chuyện khá hy hữu, chẳng khác nào doanh nghiệp đang bị “giam lỏng”. Trong khi đó, muốn lưu thông được hàng hóa, doanh nghiệp phải hợp đồng hàng tháng để mở lối đi tạm qua đường sắt với giá khá “chát”. Tuy nhiên, nếu không làm như thế doanh nghiệp này chỉ có nước đóng cửa! Về lâu dài, nếu không giải quyết được lưu thông trên tuyến đường N2, chắc chắn khó có doanh nghiệp nào dám mạo hiểm đầu tư vào KCN Thọ Lộc.

Đ. Thắng

Các tin khác