Chiều ngày 15/10, tiếp tục Chương trình làm việc Phiên họp thứ 28, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành nội dung làm việc.
Toàn cảnh phiên họp |
Đời sống nhân dân vùng dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt
Theo Tờ trình của Chính phủ, trong giai đoạn 2016-2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt, ban hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chính sách dân tộc, hỗ trợ phát triển toàn diện vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hệ thống chính sách dân tộc được ban hành khá đầy đủ, bao phủ toàn diện các lĩnh vực, nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; phát triển giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa; phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh. Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số và miền núi có tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá cao. Kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số từng bước hoàn thiện, gắn liền với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội từng vùng. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt.
Đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, vùng dân tộc thiểu số, miền núi giảm xuống còn 35,28% (giảm 4,33% so với năm 2016). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm còn khoảng 28,45%. Tính đến tháng 8/2018, có 1.052 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29%. Từ năm 2016 đến 8/2018, có khoảng 480.000 người dân tộc thiểu số được học nghề, trong đó: 130.000 người (chiếm 8%) học trung cấp, cao đẳng (trong đó có 62.748 người dân tộc thiểu số được hỗ trợ học trung cấp, cao đẳng nội trú theo Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); 350.000 người dân tộc thiểu số (chiếm 21%) được hỗ trợ học nghề trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng theo chính sách của đề án 1956.
Từ năm 2016 - 2018, ngân sách trung ương bố trí 11.022,269 tỷ đồng để thực hiện chương trình, chính sách hỗ trợ cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, cho giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Năm học 2017-2018, tổng số học sinh dân tộc thiểu số chiếm khoảng 16% tổng số học sinh của cả nước. Mạng lưới trường lớp,giáo dục mầm non, phổ thông vùng dân tộc thiểu số và miền núi được củng cố, mở rộng. Hiện toàn vùng có 5.766 trường mầm non, chiếm tỷ lệ 38,8% so với tổng số trường mầm non toàn quốc. Số học sinh giáo dục mầm non năm 2016 - 2017 có 779.487 cháu người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ khoảng 17,6% tổng số học sinh mầm non. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ huy động trẻ nhà trẻ, trẻ mẫu giáo, trẻ học 2 buổi/ngày ngày càng tăng. 100% số trường, nhóm lớp thực hiện chương trình giáo dục mầm non mới. Số lượng trẻ được ăn bán trú đạt tỷ lệ cao; tỷ lệ suy dinh dưỡng của trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non dưới 5%; giáo dục tiểu học ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tỷ lệ người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… ngày càng có nhiều cơ hội được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp |
Qua thảo luận, các đại biểu nhận thấy Báo cáo của Chính phủ đã phản ánh được những nét cơ bản về kết quả đạt được trên các lĩnh vực cũng như hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 – 2018; đồng thời, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chủ yếu thực hiện chính sách dân tộc đến năm 2020 và đề xuất, kiến nghị về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc thời gian tới. Trong ba năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đã có nhiều nỗ lực để triển khai các nghị quyết của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến cho biết, phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã đạt được kết quả quan trọng, các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế hằng năm đạt bình quân trên 7%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; một số địa phương đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa từ những sản phẩm có thế mạnh của mỗi vùng, miền. Kết cấu hạ tầng từng bước hoàn thiện. Tỷ lệ hộ nghèo của đồng bào dân tộc thiểu số giảm so với năm 2015 (hiện còn 28,45%). Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào nhiều nơi được cải thiện hơn trước. Đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cơ sở được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ quản lý, điều hành ở địa phương.
Tốc độ giảm nghèo chưa đồng đều
Báo cáo thẩm tra của Hội đồng dân tộc cũng chỉ rõ, mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tuy nhiên hiện nay vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn là rốn nghèo, nơi khó khăn nhất của cả nước, thu nhập bình quân đầu người thấp, số hộ nghèo còn cao và chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số hộ đồng bào dân tộc, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, xu hướng gia tăng khoảng cách giàu - nghèo ngày càng rõ rệt; tốc độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng, miền; nhiều huyện thuộc Chương trình 30a có tỷ lệ hộ nghèo rất cao.
Hội đồng Dân tộc cũng cho rằng, kết quả giảm nghèo ở các vùng phụ thuộc vào cơ cấu dân cư, dân tộc. Con số giảm nghèo chung ở các vùng chưa phản ánh đúng thực chất cho vùng dân tộc. Do vậy, Chính phủ cần có số liệu phân tích bổ sung rõ hơn về thu nhập bình quân, số hộ nghèo và tỷ lệ giảm nghèo trong đồng bào dân tộc ở các khu vực (nhất là Miền núi phía Bắc, Duyên hải Miền Trung và Tây Nguyên) để thấy rõ hơn thực chất kết quả giảm nghèo. Đồng thời đánh giá tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu đến tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là các địa phương chịu ảnh hưởng liên tục trong những năm qua như Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An... Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ cần đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn, đúng thực chất mức sống, thu nhập, sinh kế, mức độ tiếp cận văn hóa, giáo dục, y tế.., của đồng bào dân tộc thiểu số. Phân tích, làm rõ thực trạng của việc gia tăng các huyện nghèo diện 30a, nguyên nhân dẫn đến nghèo trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài những nguyên nhân khách quan, cần chỉ rõ nguyên nhân chủ quan như: tình trạng không muốn thoát nghèo để duy trì các chính sách có tính chất bao cấp; chưa kịp thời chuyển đổi chính sách để khắc phục thụ động của một bộ phận hộ nghèo; hiệu quả của việc nhân rộng các mô hình sinh kế còn hạn chế.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận tại phiên họp |
Qua giám sát của Hội đồng Dân tộc thấy rằng, những năm qua, mặc dù được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư rất lớn cho kết cấu hạ tầng vùng dân tộc thiểu số và miền núi nhưng đến nay, cơ sở hạ tầng vùng này vẫn còn nhiều khó khăn. Đề nghị Chính phủ căn cứ vào chỉ tiêu của Quyết định số 1722 và mục tiêu của chương trình Nông thôn mới để đánh giá so sánh về kết quả đạt được, nhất là các chỉ tiêu về đường giao thông, nước sạch, điện...
Đối với lĩnh vực dạy nghề và giải quyết việc làm, cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo cần bổ sung thông tin, số liệu cụ thể, phân tích, đánh giá đúng mức hơn thực trạng giải quyết việc làm và công tác dạy nghề ở vùng đồng bào dân tộc. Đồng thời, phân tích một cách đầy đủ, sâu sắc hơn thực trạng giáo dục vùng dân tộc thiểu số và miền núi để có cách nhìn toàn diện, sát thực làm cơ sở cho những đề xuất giải pháp chính sách nhằm nâng cao chất lượng giáo dục trong giai đoạn tới.
Cần có chính sách giúp đời sống nhân dân vùng dân tộc thiểu số & miền núi phát triển
Qua thảo luận, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong 3 năm qua; cho rằng các hoạt động của Chính phủ đã bám sát các nội dung Quốc hội đề ra và đạt được kết quả khá toàn diện.
Bày tỏ sự tán thành với các nội dung trong báo cáo của Chính phủ về kết quả 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, hiện cuộc sống của bà con vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, đề nghị Chính phủ cân nhắc nghiên cứu đổi mới chính sách đối với đồng bào dân tộc, nhất là những vùng đặc biệt khó khăn này.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ, mặc dù nhìn chung chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới của cả nước đạt kết quả khá tích cực, tuy nhiên tỷ lệ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi không đồng đều. Các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam kết quả thấp và không đồng đều dẫn đến nợ xây dựng nông thôn mới. Tái nghèo so với những năm trước không phổ biến nhưng giảm nghèo chưa đồng đều. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Quốc hội xem xét báo cáo riêng về chính sách dân tộc, miền núi. Do vậy, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc để giải trình trước đại biểu Quốc hội về nội dung này, qua đó có cơ sở để đề ra các giải pháp trong chỉ đạo, điều hành phù hợp; có chính sách giải quyết những khó khăn để giúp đời sống của nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi đi lên, kéo gần khoảng cách chênh lệch với các vùng, miền khác trong đất nước.
Phát biểu kết thúc nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; lưu ý những vấn đề còn tồn tại, hạn chế, thách thức, khó khăn để có những giải pháp khắc phục; làm rõ hơn các chính sách dân tộc, đi vào những vấn đề cụ thể để đảm bảo nguồn lực, tập trung đầu tư hợp lý cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần thực hiện có hiệu quả hơn các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi./.