(Congannghean.vn)-Nghệ An là tỉnh nằm trong tốp đầu được Bộ Nội vụ đánh giá thực hiện tốt công tác sắp xếp lại tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế. Sau 3 năm thực hiện, toàn tỉnh đã tinh giản 3,31% công chức, 1,71% viên chức và 0,14% công chức cấp xã. Cũng trong thời gian này, Nghệ An đã giảm được 3 chi cục, 12 phòng chuyên môn, 15 đơn vị thuộc sở, ngành cấp tỉnh.
Bài 3: Mỗi thành công là một bài học kinh nghiệm
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị nêu rõ: Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thu hút những người có đức, có tài vào hoạt động công vụ trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và tổ chức chính trị - xã hội, đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, cải cách chính sách tiền lương.
Cùng với đó, Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã được ban hành về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Để cùng lúc làm tốt 2 nhiệm vụ này, Tỉnh ủy Nghệ An đã xây dựng lộ trình thích hợp, triển khai thí điểm tại một số đơn vị trước khi đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng mô hình cho các đơn vị khác.
Là 1 trong 21 đơn vị được giao quyền tự chủ, Bệnh viện Đa khoa TP Vinh đã tiên phong trong việc sử dụng thẻ khám bệnh thông minh; thanh toán online - hệ thống tự động trừ tiền và vận hành Quy trình tiếp đón, xếp hàng thông minh |
Thí điểm để nhân rộng mô hình điểm
Theo bà Võ Thị Minh Sinh, Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An, tại Nghệ An, mỗi cơ quan, đơn vị khi tiến hành xây dựng Đề án Sắp xếp tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế đều phải xây dựng Đề án Vị trí việc làm. Việc sắp xếp “3 trong 1” này phải có lộ trình, phù hợp với thực tiễn của cơ quan, đơn vị và của tỉnh. Để việc thực hiện có hiệu quả, Nghệ An đã tập trung chỉ đạo 12 đơn vị điểm, đại diện cho 3 khối Đảng - đoàn thể, chính quyền và khối huyện, thành, thị, gồm 8 sở, ban, đoàn thể cấp tỉnh và 4 huyện, thành phố, thị xã. Từ kết quả của các đơn vị được chọn làm điểm, đã tiến hành tổng kết, đánh giá các mặt ưu, nhược điểm trước khi đưa vào triển khai đồng loạt tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn.
Thực tiễn sau thí điểm cho thấy, có 4 tiêu chí mà các đơn vị đã thực hiện tương đối tốt, đó là: Giảm bộ máy, giảm cấp phó; tinh giản biên chế; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo đề án vị trí việc làm đảm bảo tỉ lệ 60% đối với công chức và 65% đối với viên chức; đồng thời có phương án về tài chính, tài sản sau khi tinh giản, sáp nhập. Kết quả bước đầu cho thấy, đối với 21 đơn vị sự nghiệp đã được giao quyền tự chủ trên địa bàn Nghệ An, sau quá trình thực hiện việc sắp xếp, đã đảm bảo chi thường xuyên, Nhà nước không phải cấp ngân sách cho 4.334 biên chế của những đơn vị này như trước đây.
Liên quan đến vấn đề xây dựng Đề án Vị trí việc làm, tại Hội nghị giao ban trực tuyến ngành Tổ chức xây dựng Đảng toàn quốc tổ chức tại Hà Nội chiều 1/10/2018, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương đã biểu dương, đánh giá rất cao cách làm của Nghệ An trong thời gian qua. Đồng thời, đồng chí Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng đề nghị Tỉnh ủy Nghệ An cần tổ chức Hội nghị sơ kết, nhân rộng để các địa phương khác nghiên cứu, học tập.
Đánh giá này của đồng chí Phạm Minh Chính là có cơ sở, bởi việc xây dựng Đề án Vị trí việc làm tại Nghệ An đã bước đầu giúp cho cơ quan, đơn vị chủ động trong việc tổ chức, sắp xếp bộ máy, biên chế hợp lý, khoa học hơn, qua đó thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ. Đến nay, tỉnh Nghệ An đã xây dựng, phê duyệt và triển khai Đề án Vị trí việc làm tại 1.251 các đơn vị quản lý Nhà nước; sự nghiệp giáo dục và đào tạo; y tế; văn hóa, thể thao, du lịch cũng như các lĩnh vực khác, với 560 vị trí việc làm và 51.158 biên chế.
Mới đây nhất, tại buổi tiếp xúc cử tri với người dân tại Nghệ An vào tháng 10/2018, trả lời ý kiến của cử tri về vấn đề sáp nhập địa giới hành chính theo tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Bí thư Trung ương Đảng Phan Đình Trạc cho rằng, ở một địa bàn đặc thù như Nghệ An, riêng đối với những huyện miền núi rẻo cao, không nên tiến hành sáp nhập theo cơ học, mà phải xem xét các yếu tố phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý hành chính, đảm bảo an ninh trật tự sau khi sáp nhập.
Trong khi đó, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Trần Quốc Trung, việc sắp xếp lại bộ máy của các cơ quan, đơn vị tất yếu sẽ có sự xáo trộn nhất định về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ cũng như các văn bản pháp quy sẽ có sự thay đổi trong thời gian đầu.
Kiên quyết loại bỏ tình trạng bộ máy mới, cơ chế cũ
Đồng chí Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An cho biết: Quan điểm của Nghệ An là kiên quyết loại bỏ tình trạng bộ máy mới, cơ chế cũ, theo kiểu mang tính chất lắp ghép cơ học mà phấn đấu ngay sau khi sắp xếp, sẽ vận hành theo cơ chế mới, với những con người mới, tư duy mới. Trước mắt, quá trình tinh giản biên chế sẽ bố trí, luân chuyển công tác đối với số cán bộ dôi dư, giải quyết ngay tư tưởng hoang mang, dao động hoặc làm việc cầm chừng đối với những người thuộc diện tinh giản. Ngoài ra, quá trình sắp xếp bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính cũng sẽ dẫn đến tình trạng thiếu, thừa cơ sở vật chất. Việc làm thế nào để tận dụng, không lãng phí nguồn cơ sở này cũng là vấn đề được đặt ra, cần giải quyết ngay.
Liên quan đến việc sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính, Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính nêu rõ: Tiêu chuẩn của xã miền núi phải có diện tích từ 50 km2 trở lên, dân số từ 5.000 người và đối với các xã khác thì diện tích trên 30 km2, dân số hơn 8.000 người. Chiểu theo quy định này, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Diễn Châu Hoàng Xuân Luyện cho biết: Theo đề án sắp xếp tổ chức bộ máy của huyện, đến năm 2030, sẽ giảm 30 xã, chỉ còn lại 9 xã. Tuy nhiên, hiện tại huyện có 39 xã, thị trấn nhưng không có xã nào đạt cả 2 tiêu chí theo tiêu chuẩn nói trên.
Do đó, trước khi tiến hành việc sáp nhập xã, tại huyện Diễn Châu, đến thời điểm hiện nay cũng đang tổ chức tuyên truyền, vận động để sáp nhập các thôn, xóm lại với nhau. Việc làm này vừa để tạo cơ sở, tiền đề cho sắp xếp bộ máy, sáp nhập các đơn vị hành chính sau này, vừa giảm đội ngũ cán bộ không chuyên trách, đồng thời nâng cao sức chiến đấu của hệ thống chính trị ở cơ sở. Quá trình sáp nhập thôn, xóm cũng có nảy sinh những bất ổn liên quan đến con người, điều kiện tự nhiên, văn hóa, kinh tế - xã hội, thậm chí văn hóa tín ngưỡng của từng khu vực, vùng miền. Những tồn tại phát sinh này, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nghệ An Lê Đình Lý, sẽ được giải quyết trong quá trình thực hiện. Tại một số đơn vị làm tốt, sẽ được Nghệ An đưa ra làm mô hình điểm để từ đó nhân rộng.
Đánh giá kết quả triển khai thực hiện, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: Triển khai Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 111/KH-TU, trong đó xác định 43 nhiệm vụ cần làm ngay, 6 nhiệm vụ thí điểm và 12 nhiệm vụ theo hướng dẫn của Trung ương. Đến thời điểm này, ngoài 12 đơn vị được chọn làm thí điểm đã xây dựng đề án với kế hoạch, lộ trình thực hiện các công việc một cách cụ thể, về cơ bản các địa phương, cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Về vấn đề nhân sự trước và sau khi sáp nhập, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An yêu cầu các đơn vị phải thực hiện một cách dân chủ, công khai theo tiêu chuẩn, người nào có tiêu chuẩn cao hơn thì bố trí là cấp trưởng và đối với cấp phó sẽ giảm dần cho đến kỳ Đại hội Đảng nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ sắp xếp lại theo đúng quy định.
Riêng nhân sự là lao động hợp đồng trong các đơn vị sáp nhập, quá trình thực hiện cần bố trí, sắp xếp những lao động nào có năng lực, chuyên môn giỏi, phẩm chất tốt để thực hiện quy trình tuyển dụng, sắp xếp hợp lý. Về lộ trình tinh giản biên chế, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tự kiểm tra, rà soát lại công tác cán bộ từ năm 2012 đến nay. Sau rà soát, nếu phát hiện ra những trường hợp tuyển dụng, bổ nhiệm sai thì không chỉ xử lý cán bộ mà còn xử lý trách nhiệm của tổ chức và người đứng đầu.
“Quá trình sắp xếp, sáp nhập tổ chức bộ máy, việc tinh giản biên chế tuyệt đối không thực hiện theo phương pháp cơ học, mang tính chất “thanh lý” cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà cần thực hiện theo nguyên tắc: Người về hưu hoặc chuyển công tác thì không tuyển thêm mới và người nào xung phong nghỉ thì có chính sách khuyến khích tạo điều kiện để từng bước giải quyết dần biên chế”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh cho biết.
|
(Còn nữa)