Kinh tế xã hội

Bất cập Dự án hào ngăn voi

14:28, 02/10/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Dự án với kinh phí khoảng 10 tỉ đồng, xây dựng đường hào ngăn voi trên địa bàn xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) sau hơn 1 năm triển khai xây dựng chưa hoàn thành nhưng đã hư hỏng, bộc lộ nhiều bất cập. Trong khi đó, voi vẫn về quấy phá cuộc sống và phá hoại hoa màu của người dân.

Hào ngăn voi và hệ thống lối đi tuần tra vừa đầu tư đã hư hỏng, lộ nhiều bất cập
Hào ngăn voi và hệ thống lối đi tuần tra vừa đầu tư đã hư hỏng, lộ nhiều bất cập

Công trình đường hào ngăn voi ở các bản Vều 1 và Vều 2, xã Phúc Sơn, huyện Anh Sơn được xây dựng năm 2016, với chiều dài khoảng 5 km, kinh phí khoảng 10 tỉ đồng. Công trình này cùng với hệ thống lối đi tuần tra được đầu tư với tổng mức đầu tư 18 tỉ đồng, là 2 trong số 7 hạng mục thuộc Dự án “Khẩn cấp bảo tồn voi trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2020”, được giao cho Ban quản lý Vườn Quốc gia Pù Mát làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí cho toàn dự án khoảng 87 tỉ đồng. Đến nay, dự án đã được cấp nguồn kinh phí 21 tỉ đồng. Các hạng mục đã thực hiện là hào ngăn voi, các trạm dừng chân, đường tuần tra bảo vệ rừng và các chòi lửa canh rừng kết hợp giám sát hoạt động của voi. Các hạng mục quan trọng khác gồm: Điều tra nghiên cứu, tuyên truyền bảo vệ rừng và nâng cao ý thức bảo tồn đàn voi, khôi phục vùng sinh cảnh cho voi sinh sống rộng 250 ha… đến nay chưa triển khai thực hiện được.

Theo báo cáo, hiện quần thể voi hoang dã ở Nghệ An có 14 - 15 cá thể, trong đó tại Vườn Quốc gia Pù Mát có 12 - 13 cá thể và các huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu mỗi huyện có 1 cá thể. Tại khu vực Cao Vều, thời gian vừa qua, đàn voi đã phát triển thêm được 1 cá thể. Tuy nhiên, các đàn voi tại khe Kèm (Pù Mát) và Bắc Sơn (Quỳ Hợp) hiện nay chỉ còn là cá thể cái đơn lẻ. Đặc biệt, từ sau khi triển khai thực hiện dự án, tình trạng xung đột giữa voi và người, đặc biệt là voi phá hoại hoa màu vẫn xảy ra ở các xã Phúc Sơn (Anh Sơn), Châu Khê, Chi Khê (Con Cuông) và Bắc Sơn (Quỳ Hợp), đã làm ảnh hưởng đến hoa màu, nhà cửa và sinh hoạt của người dân trên địa bàn.

Nguyên nhân là do dự án khẩn cấp bảo tồn voi tỉnh Nghệ An triển khai thực hiện chưa đạt tiến độ và kế hoạch đề ra. Đến nay, chỉ mới triển khai xây dựng hạng mục cơ sở hạ tầng, còn lại 6/7 hạng mục chưa triển khai được. Theo đại diện chủ đầu tư, ngoài việc chưa bố trí được nguồn vốn đối ứng của tỉnh (khoảng 17 tỉ đồng), đến nay việc xác định nguồn vốn cũng chưa rõ ràng. Cụ thể, nguồn vốn đầu tư đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, cấp kinh phí cho các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị; còn lại 5/7 hạng mục của dự án chưa được thẩm định nguồn vốn.

Để mục sở thị Dự án hào ngăn voi, chúng tôi đã có mặt tại bản Vều 1. Tại đây, không khó khăn để nhận ra, công trình bạt núi được triển khai khá quy mô, đến nay đã cơ bản hoàn thành. Dự án hào ngăn voi có mục đích ngăn đàn voi rừng không cho vào khu vực dân cư phá hoại hoa màu, tài sản; đồng thời, tạo điều kiện để khôi phục sinh cảnh cho đàn voi rừng. Để thực hiện dự án, Vườn Quốc gia Pù Mát đã cho đơn vị thi công xẻ dọc theo sườn núi, tạo thành một hào sâu, đồng thời xây một bức tường bằng vật liệu đá vôi có chiều cao khoảng 3 m để ngăn voi. Bất cập ở dự án này là tại các lối mòn, eo núi nơi voi thường hay đi qua chưa được triển khai xây dựng, trong khi ở những sườn núi đã đào hào, xây tường thì nhiều nơi đất đá sạt lở lấp cả hào.

Theo các bậc cao niên trên địa bàn, voi chỉ đi vào khu vực dân cư qua các eo núi, khe suối, trong khi nếu triển khai xây dựng ở đây thì chỉ cần một trận lũ quét là sẽ cuốn trôi tất cả. Do đó, việc xây tường, đào hào ngăn voi ở các vị trí này gần như là không thể thực hiện. Bằng chứng là đợt mưa lũ năm 2016, đã có khoảng 450 m tường rào vừa mới xây dựng xong đã bị cuốn trôi, đến nay vẫn chưa có kinh phí để khắc phục.

Cũng theo người dân trên địa bàn, hào ngăn voi chưa ngăn được voi nhưng đã ngăn nước từ trên núi thoát xuống mỗi khi trời mưa, ngăn luôn việc vào rừng làm rẫy, kiếm kế sinh nhai của người dân. “Voi là động vật rất thông minh, thường xuyên di chuyển theo chu kỳ nên việc xây tường hào ngăn voi gần như là điều không tưởng. Bởi ngăn ở Cao Vều, nó còn có rất nhiều đường di chuyển, từ thôn Bãi Lim, Bãi Đá, hoặc từ Thanh Chương sang, cũng có khi từ Con Cuông xuống… Thực tế, thời gian qua, cử tri xã Phúc Sơn cũng đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này”, ông Nguyễn Văn Tráng, Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết thêm.

Liên quan đến vấn đề nói trên, ông Trần Xuân Cường, Giám đốc Vườn Quốc gia Pù Mát cho rằng, thời điểm khảo sát để thực hiện dự án, diện tích rừng tre nứa làm thức ăn cho voi đang còn rộng lớn, chiếm khoảng 1.500 ha. Tuy nhiên, sau đó, diện tích này đã bị thu hẹp để giao cho doanh nghiệp trồng cao su nên khu vực cung cấp thức ăn bị thu hẹp, voi phải đi xa hơn để kiếm ăn hoặc xuống các bản để ăn hoa màu của dân. Ngoài ra, việc công trình hào ngăn voi bị hư hỏng là do điều kiện bất khả kháng từ thiên nhiên, mặc dù trước khi triển khai xây dựng đã tiến hành khảo sát địa hình, địa chất rất kỹ lưỡng.

Để tiếp tục triển khai dự án, đồng thời khắc phục những tồn tại, bất cập liên quan, trong thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng các hạng mục ưu tiên, bao gồm: Điều tra, theo dõi, giám sát quy luật di chuyển của voi trên địa bàn toàn tỉnh; thành lập các tổ, đội phản ứng nhanh để hỗ trợ người dân khi xảy ra xung đột với voi; tuyên truyền, tập huấn các biện pháp phòng tránh voi cho người dân… Ngoài ra, trên cơ sở những tồn tại, bất cập sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, UBND tỉnh cũng đã giao cho Vườn Quốc gia Pù Mát rà soát lại các hạng mục của dự án để điều chỉnh, bổ sung quy mô, xác định nguồn vốn phù hợp với tình hình thực tế. Riêng đối với hào ngăn voi, ngoài việc sớm khắc phục đoạn bị sạt lở, hư hỏng nhưng không để phát sinh kinh phí, chủ đầu tư cũng phải triển khai thực hiện để hoàn thành theo đúng tiến độ.

Thiên Thảo

Các tin khác