Tại một số dự án trọng điểm được đầu tư trên địa bàn Nghệ An đến nay chậm tiến độ hoặc chưa triển khai thực hiện được theo cam kết. Nguyên nhân là do vướng mắc các thủ tục pháp lý liên quan hoặc đền bù, giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ.
|
Trạm nghiền của Nhà máy Xi măng Sông Lam tại xã Nghi Thiết |
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến tháng 7/2018, trong tổng số 9 dự án được UBND tỉnh Nghệ An trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và 18 thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác đầu tư vào Nghệ An đã được ký kết tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư dịp đầu năm (với tổng số vốn 13.152 tỉ đồng), đã có 5 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Có 5 dự án triển khai đúng tiến độ, 4 dự án đã triển khai nhưng còn gặp khó khăn. Đối với 18 dự án ký kết ghi nhớ hợp tác đầu tư thì có 2 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư, gồm Dự án Nhà máy may Nghi Lộc và Dự án liên kết sản xuất lúa gạo sạch và lạc sen thắt. Có 6 dự án triển khai đúng tiến độ, 6 dự án đã triển khai nhưng gặp khó khăn và 4 dự án chậm triển khai.
Trong đó, ngoài một số dự án trọng điểm đã đạt được những kết quả quan trọng, như: Dự án khu công nghiệp (KCN) Hemaraj đã bàn giao mặt bằng trên 140 ha và bàn giao vùng nguyên liệu tại xã Nghi Hưng (Nghi Lộc); KCN VSIP Nghệ An cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật KCN và đã thu hút các dự án thứ cấp vào đăng ký đầu tư gần lấp đầy diện tích KCN; Trạm nghiền xi măng và Cảng biển Vissai đã hoàn thành và đi vào hoạt động… Đến nay, tại các dự án trọng điểm, thuộc diện ưu tiên thu hút đầu tư vẫn còn một số vướng mắc liên quan, làm chậm tiến độ một số dự án. Đáng chú ý là GPMB Khu đô thị dự án VSIP vẫn chậm, Nhà máy bia Masan vẫn chưa giao đủ mặt bằng, Dự án Khu du lịch của FLC thủ tục vẫn chưa xong, các dự án của Tập đoàn TH vẫn còn một số vướng mắc… dẫn đến các dự án này chậm tiến độ, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Cụ thể, tại KCN VSIP, đến nay đã giải quyết dứt điểm vị trí đất ở của bà Nguyễn Thị Huyền, tại dự án này đến nay vẫn còn một số tồn tại liên quan đến GPMB 37 lô đất ở, sân vận động xã Hưng Tây, KCN giai đoạn 1B và có tình trạng các hộ dân ra cản trở thi công san lấp tại KCN giai đoạn 1A. Trước đó, tại khu vực mỏ đất 1C và 1E, có hiện tượng người dân ra cản trở quá trình thi công và dọn dẹp cây cối để vào lấy đất tại khu vực này. Dự án này đến nay vẫn còn vướng mắc liên quan đến việc xây dựng nghĩa trang để tuyên truyền, vận động nhân dân di dời mồ mả vào nghĩa trang mới quy hoạch. Đối với dự án KCN WHA Hemaraj, ngoài việc vùng nguyên liệu thứ 2 đang trong quá trình khảo sát để san lấp, hệ thống điện chiếu sáng và kênh thoát nước dọc tuyến đường N5 đoạn qua KCN này vẫn chưa được đầu tư. Ngoài ra, công tác GPMB cho phần diện tích còn lại của dự án và diện tích ngoài ranh giới dự án vẫn chưa được UBND huyện Nghi Lộc đẩy nhanh tiến độ để thực hiện.
|
San lấp mặt bằng 1 dự án trọng điểm trên địa bàn huyện Diễn Châu |
Dự án Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái và vui chơi giải trí FLC Nghệ An, được đầu tư tại xã Nghi Tiến (Nghi Lộc), tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỉ đồng. Quy mô dự án dự kiến sẽ bao gồm các hạng mục: Khách sạn 5 sao với 500 phòng, resort bãi biển 5 sao quy mô 200 phòng, 500 căn biệt thự cao cấp, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ, khu vui chơi giải trí, sân golf 18 lỗ và các hạng mục giao thông hạ tầng phụ trợ. Hiện nay, dự án đang xin ý kiến của Bộ Xây dựng để điều chỉnh quy hoạch phần khu vực phía Đông Nam của KKT Đông Nam.
Huyện Nghi Lộc cũng đang đề xuất dự án GPMB, xây dựng khu tái định cư và tái thiết hạ tầng cho xã Nghi Tiến để sau khi có chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, sẽ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, thống nhất cùng nhà đầu tư bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện. Ngoài ra, 2 dự án khác của Tập đoàn FLC đầu tư tại huyện Tân Kỳ, bao gồm Dự án đầu tư thăm dò, khai thác mỏ đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường và Dự án Nông nghiệp công nghệ cao FLC hiện cũng chưa triển khai thực hiện được do vướng mắc thủ tục pháp lý và bồi thường, GPMB.
Đối với Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp của Tập đoàn TH, các hộ dân sinh sống gần các trang trại bò tại xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Đàn) bị ảnh hưởng nhưng việc bồi thường, hỗ trợ và di dời tái định cư vẫn chưa thực hiện được. Cùng với đó, vướng mắc về bồi thường, GPMB tại Nông trường Đông Hiếu vẫn chưa được UBND TX Thái Hòa phối hợp với nhà đầu tư để xử lý dứt điểm, khiến cho thủ tục thuê đất tại vị trí này còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tập đoàn TH cũng đề xuất được sử dụng nguồn nước tại hồ chứa Rú Giang trên địa bàn xã này để phục vụ vùng nguyên liệu của dự án, nhưng Sở NN&PTNN và TX Thái Hòa đang tham mưu UBND tỉnh để quyết định. Cũng tại dự án này, có 14 cột điện nằm trên chiều dài khoảng 1.700 m thuộc tuyến đường điện cũ 917E2, hiện không còn sử dụng nhưng đang tồn tại trong vùng nguyên liệu tập trung trên địa bàn xã Đông Hiếu, gây khó khăn trong việc thi công hệ thống tưới cho vùng nguyên liệu của Tập đoàn.
Đối với các dự án của Công ty CP Xi măng Sông Lam, do khó khăn về nguồn nguyên liệu nên hiện nay Nhà máy Xi măng Sông Lam đang hoàn tất thủ tục để trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung 4 mỏ nguyên liệu, đồng thời Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam 2 chưa được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) để khởi công xây dựng. Dự án cũng đang gặp khó khăn trong việc nổ mìn thi công đường vận chuyển nguyên liệu và khai thác mỏ do ảnh hưởng khoảng cách với Kho đạn K41. Quá trình hoạt động, dự án chưa đảm bảo được môi trường khu vực nhà máy và trên các tuyến đường vận chuyển nguyên liệu, chưa đảm bảo an toàn trong sản xuất, vệ sinh môi trường.
Ngoài ra, hiện nay một số dự án trọng điểm trên địa bàn Nghệ An vẫn đang còn gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Trong đó, điển hình như Dự án Khu vui chơi giải trí Cửa Hội, Dự án Trung tâm thương mại, nhà ở Shophouse tại TX Thái Hòa, Dự án Cải tạo khu B, Khu chung cư Quang Trung (TP Vinh), Dự án Trang trại chăn nuôi lợn Masan, Dự án Trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ kết hợp du lịch hồ Vệ Vừng của Tập đoàn TH (Yên Thành), Dự án Trạm nghiền xi măng và Cảng Nghi Thiết, Nhà máy Bánh kẹo Hải Châu II, Nhà máy sản xuất gỗ ván sợi MDF Nghệ An, Nhà máy bia Masan… mặc dù đã được triển khai, cơ bản đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư, tuy nhiên, so với yêu cầu tiến độ giải quyết các vướng mắc liên quan thì vẫn còn một số vướng mắc chưa được giải quyết kịp thời.