Kinh tế xã hội
Tạo sự chuyển mình mạnh mẽ từ cảng biển
(Congannghean.vn)-Để khơi dậy tiềm năng phát triển kinh tế và tạo lực hút đối với các nhà đầu tư, việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển là yêu cầu cấp bách đối với Nghệ An. Xác định rõ điều đó, nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An đã xuyên suốt mục tiêu mở rộng, nâng cao chất lượng hệ thống giao thông, cảng biển, từ đó, tạo động lực mạnh mẽ cho kinh tế - xã hội chuyển biển, khởi sắc.
Cảng Vissai được hy vọng tạo cú hích mới cho phát triển kinh tế địa phương |
Nghệ An có bờ biển dài 82 km, 6 cửa lạch, trong đó Cửa Lò và Cửa Hội có nhiều điều kiện thuận lợi nhất cho xây dựng cảng biển. Hải phận Nghệ An có 4.230 hải lý vuông, khả năng khai thác từ 35 - 37 nghìn tấn/năm. Lợi thế đó là điều kiện để tỉnh ta phát triển kinh tế biển mạnh mẽ nói chung và đầu tư cho hệ thống cảng biển nói riêng.
Phát triển kinh tế biển là mục tiêu trọng điểm, chiến lược của tỉnh, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo vệ quốc phòng - an ninh và chủ quyền quốc gia. Trong Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 đã cụ thể hóa nội dung mà tỉnh ta cần phấn đấu. Theo đó, Nghệ An cần chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng tập trung nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, nâng cấp sân bay Vinh thành sân bay quốc tế, xây dựng và khai thác hiệu quả các cảng biển.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị, hệ thống cảng biển của Nghệ An phát triển nhanh và mạnh. Lãnh đạo các cấp ở tỉnh Nghệ An đã có nhiều cơ chế chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư xây dựng, nâng cấp và khai thác cảng biển.
Nhờ vậy, đến nay hệ thống cảng biển của Nghệ An đã có thêm cảng Vissai, cảng DKC, bến số 5, 6 cảng Cửa Lò... Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, các tuyến đường tỉnh và đường quan trọng của tỉnh ven biển được đầu tư nâng cấp như: Đường ven sông Lam, đường tỉnh 537 đoạn thị trấn Cầu Giát, đường nối từ Quốc lộ 1A đến Đông Hồi, đường tỉnh 534 đoạn qua Km0 - Km6; đường từ Quốc lộ 1 - Thái Hòa, đường tỉnh 535 Vinh đi Cửa Hội, đường N5 đi Đô Lương, đang triển khai xây dựng đường từ Vinh đi Cửa Lò (đại lộ Vinh - Cửa Lò).
Trong đó, tuyến đường Vinh - Cửa Lò cũng đang được đẩy nhanh tiến độ thi công; đây là trục giao thông trung tâm của TP Vinh, góp phần khai thác mọi tiềm năng sẵn có trong phát triển kinh tế biển nói chung và hệ thống cảng biển tại Nghệ An nói riêng. Những chuyển biến này tạo động lực mạnh mẽ trong bức tranh phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An.
Trong nỗ lực nâng cao chất lượng hệ thống cảng biển, các đơn vị, công ty cũng đã mạnh dạn chuyển đổi để phù hợp điều kiện và phát huy tiềm năng sẵn có của tỉnh nhà. Điển hình như Công ty Cổ phẩn Cảng Nghệ Tĩnh, sau thời gian cổ phần hóa, đổi thay mạnh mẽ, Công ty cũng đã đạt những kết quả đáng khích lệ. Gần đây, đơn vị đã đầu tư cần cẩu hạng nặng có khả năng bốc dỡ 100 tấn hàng được nhập khẩu từ CHLB Đức, với nguồn vốn đầu tư 85 tỉ đồng tại cảng Cửa Lò. Việc đầu tư thêm 1 cần cẩu có quy mô lớn được xác định giúp nâng cao khả năng bốc dỡ hàng cho cảng Cửa Lò, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế trong xu thế hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, hiện nay, sau thời gian đầu tư, chuẩn bị, cảng Vissai Nghi Thiết bước vào hoạt động khá nhộn nhịp. Cùng với hệ thống cảng trong cụm cảng Cửa Lò, cảng biển Quốc tế Vissai Nghệ An là cửa ngõ giao thương, là đầu mối giao thông quan trọng, phục vụ vận chuyển, trao đổi hàng hóa của tỉnh Nghệ An với các tỉnh trong cả nước và các nước trên thế giới bằng đường biển. Trước mắt, cầu cảng đang phục vụ chính cho việc vận chuyển clinker và xi măng của Công ty CP Xi măng Sông Lam đến các vùng miền trong nước và xuất khẩu. Tiếp sau đó, trong giai đoạn 2, cụm cảng này đang xây dựng thêm, trở thành 1 cảng biển quốc tế đa dụng.
Sự tăng trưởng của nền kinh tế biển nói chung và hệ thống cảng biển nói riêng dựa trên cơ sở tăng trưởng không ngừng của hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì thế, cảng biển không tham gia trực tiếp vào sản xuất nhưng có vai trò rất lớn trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, cảng biển muốn hoạt động tốt, phát huy hết khả năng của mình cần phải có mặt bằng, cơ sở vật chất lớn để phục vụ cho tất cả các hoạt động của doanh nghiệp.
Ngoài vai trò xếp dỡ hàng hóa, trung chuyển đơn giản và tạo giá trị gia tăng, cảng còn lại 1 chuỗi kinh doanh nên gắn liền với khu kinh tế mở, khu công nghiệp, khu chế xuất. Hiện nay, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn lực cho phát triển cảng biển ở Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, tỉnh Nghệ An đang nỗ lực kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư chung tay để mở rộng, nâng cấp đối với hệ thống cảng biển. Trước mắt là đẩy mạnh chất lượng đối với các cảng sẵn có, sau là trong các cảng chuyên dụng, phục vụ nhu cầu sản xuất.
Khẳng định tầm ảnh hưởng của hệ thống cảng biển trong mục tiêu phát triển kinh tế chung của tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đang tập trung nguồn lực nhằm phát huy sẵn có tiềm năng, lợi thế của địa phương. Trong điều kiện khó khăn, việc xã hội hóa, những chính sách thông thoáng trong thu hút đầu tư sẽ là cơ sở để thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoại tỉnh, góp phần cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà.
Tuệ Trang