Kinh tế xã hội

Chủ động tạo chuyển biến để phát triển kinh tế miền núi

08:56, 17/09/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Trên thực tế, đã có nhiều chủ trương, nghị quyết của các cấp để phát triển kinh tế miền núi. Đã có nhiều khởi sắc, đổi thay tại nhiều địa bàn có tính đặc thù này, tuy nhiên, để thực sự tạo chuyển biến mạnh mẽ, vẫn cần sự quyết liệt hơn nữa từ chính quyền cơ sở và chính người dân trong thực hiện quyết tâm thoát nghèo bền vững, vươn lên phát triển ổn định.

Các huyện miền núi cần huy động nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội
Các huyện miền núi cần huy động nhiều nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội

Nhiều năm nay, hàng loạt chương trình, chính sách, dự án quan tâm đến khu vực miền núi về giảm nghèo, đầu tư giáo dục, y tế, văn hóa, việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Trọng tâm là Nghị quyết 30a, chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng theo Nghị quyết số 39-NQ/TW, Chương trình 134 kéo dài; chương trình di dân, định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số... Tại Nghệ An, ngày 4/12/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020 tại Quyết định số 2355/QĐ-TTg. Việc thu hút các chương trình, dự án đang hy vọng tạo đột phá cho phát triển kinh tế các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

Theo đó, Danh mục các dự án ưu tiên đầu tư trên địa bàn miền Tây tỉnh Nghệ An ban hành kèm theo Đề án bao gồm 12 chương trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội và các dự án sản xuất kinh doanh kêu gọi đầu tư như dự án trồng và chế biến cao su tại Anh Sơn; dự án trồng và chế biến chè chất lượng cao tại Con Cuông; dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An tại Nghĩa Đàn; dự án trồng nguyên liệu giấy tại các huyện miền Tây Nghệ An...

Vị trí, quy mô, diện tích đất sử dụng và tổng mức đầu tư của các dự án nêu trên sẽ được tính toán, lựa chọn và xác định cụ thể trong giai đoạn lập và trình duyệt dự án đầu tư, tùy thuộc vào nhu cầu và khả năng cân đối, huy động các nguồn lực cho từng thời kỳ. Sau thời gian triển khai, những dự án này đã góp phần thay đổi bộ mặt, tạo tiền đề có những bước phát triển hơn cho các huyện miền núi phía Tây.

Xác định những khó khăn mà các huyện miền núi phải tập trung giải quyết, nhiều năm qua, UBND tỉnh Nghệ An đã phân công các sở, ngành cùng đồng hành với các huyện trong nỗ lực chung tay vì sự phát triển chung. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1310 ngày 20/4/2012; tiếp đó là Quyết định 6062 ngày 22/12/2015 thay thế về việc phân công các cơ quan, đơn vị nhận giúp đỡ các xã nghèo trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị được phân công vận động cán bộ, công nhân viên ủng hộ, trích từ nguồn hợp pháp của đơn vị, huy động các đơn vị trực thuộc, vận động các nguồn tài trợ khác giúp xã nghèo xây dựng nhà ở cho người nghèo, cơ sở hạ tầng, hướng dẫn áp dụng khoa học - kỹ thuật, nhân rộng mô hình kinh tế để phát triển sản xuất, hỗ trợ cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Chủ trương sáng tạo này đã huy động hiệu quả nguồn lực, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động của các cơ quan, đơn vị với nhiều việc làm ý nghĩa, thiết thực hướng về các xã nghèo miền Tây của tỉnh, góp phần giúp đỡ các xã nghèo giảm nghèo bền vững. Dù vậy, khó khăn vẫn còn chồng chất, nhất là do ảnh hưởng địa hình của các địa bàn miền núi thường xuyên bị thiên tai, bão lũ.

Các huyện miền núi, vùng dân tộc thiểu số và miền núi ở Nghệ An có xuất phát điểm thấp, đặc biệt là về kinh tế, diện tích tự nhiên rộng lớn nhưng địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ nên cần có sự đầu tư để vực dậy phát triển.

Hiện nay, trên thực tế vẫn còn những tồn tại cần khắc phục trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Đất sản xuất nông nghiệp của các huyện miền núi không lớn và manh mún, khó ứng dụng khoa học - kỹ thuật để nâng cao giá trị sản phẩm trên đơn vị diện tích đất canh tác nên cần có giải pháp khuyến lâm, hỗ trợ các hoạt động đầu tư phát triển sản xuất, khai thác, chế biến các loại cây trồng dưới tán rừng.

Quy mô kinh tế còn nhỏ bé, hiệu quả chưa cao. Chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch vẫn còn yếu kém, nhất là trong xây dựng, đất đai, khai thác khoáng sản. Thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là thu hút các dự án FDI. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa đáp ứng yêu cầu, nhiều dự án triển khai chậm.

Tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn ở mức cao và chưa thật sự bền vững, hộ cận nghèo còn nhiều. Dù Trung ương và tỉnh đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ để phát triển kinh tế miền núi nhưng do nguồn vốn khó khăn, chưa đảm bảo nguồn lực để giải quyết nhiều vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, định canh, định cư, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Việc hướng dẫn, hỗ trợ các hộ dân lựa chọn ngành nghề phù hợp chuyển đổi, tạo việc làm ổn định, có thu nhập để thay thế thu nhập từ đất sản xuất; tạo điều kiện vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh và đầu tư lắp đặt hệ thống dẫn nước về sinh hoạt cũng là giải pháp quan trọng cần tập trung đẩy mạnh.

Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành đẩy mạnh chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Các cấp, ngành quan tâm hơn nữa đến phát triển sản xuất ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng tiếp cận chuỗi giá trị; có hỗ trợ thiết thực phát triển sản xuất, kinh doanh các sản phẩm có lợi thế - đặc sản của địa phương mình, nhất là các cây dược liệu quý và đặc hữu khác có giá trị kinh tế cao; khuyến khích vươn lên làm giàu từ những chuỗi giá trị; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, tạo việc làm.

Để thu hẹp khoảng cách phát triển, trong giai đoạn tới cần có những chính sách, chương trình, định hướng tiếp cận mới. Một trong số đó là hướng tiếp cận sản xuất theo chuỗi giá trị, tập trung vào sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm các sản phẩm lâm sản ngoài gỗ. Lâm sản ngoài gỗ có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội và môi trường của cộng đồng dân cư, đặc biệt là cộng đồng dân tộc thiểu số. Lãnh đạo các địa phương chủ động tìm kiếm những cơ hội, ngay từ chính diễn đàn, từ những bài học kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương khác để năng động, sáng tạo tìm ra hướng đi riêng, phù hợp để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội của địa phương mình.

Tuệ Trang

Các tin khác