Kinh tế xã hội

Phát triển y tế miền Tây Nghệ An

09:14, 13/09/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Phát triển y tế vùng miền Tây Nghệ An vừa là yêu cầu, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc trong vùng, vừa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh. Qua 5 năm thực hiện Quyết định 2355 ngày 4/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển KT-XH miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020, lĩnh vực y tế đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng.

Phát triển y tế vùng miền Tây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh
Phát triển y tế vùng miền Tây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển KT-XH và đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh

Theo đó, qua 5 năm triển khai thực hiện Đề án, số lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh (KCB) tại các cơ sở y tế trên địa bàn gia tăng qua các năm, trung bình các bệnh viện huyện tăng từ 20 - 30%, bệnh viện đa khoa khu vực tăng 40 - 50%. Chất lượng KCB tại các bệnh viện ngày càng được nâng cao nhờ nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong việc phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, để bà con được thụ hưởng các dịch vụ kỹ thuật y tế thuận tiện nhất, tốt nhất; qua đó rút ngắn khoảng cách chất lượng KCB giữa đồng bằng và miền núi.

Cụ thể, tại các bệnh viện đa khoa khu vực, đến nay cơ bản đã thực hiện được 75 - 85% danh mục kỹ thuật phê duyệt, thực hiện phẫu thuật nội soi ở nhiều chuyên ngành... Đặc biệt, với sự chỉ đạo, giúp đỡ của các bệnh viện tuyến tỉnh thông qua việc trực tiếp chuyển giao chuyên môn kỹ thuật, chất lượng KCB tại các bệnh viện và trung tâm y tế thuộc 11 huyện miền Tây đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đặc biệt là liên quan đến kỹ thuật ngoại khoa, mổ nội soi...

Cùng với đó, công tác đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện và cơ sở y tế cũng được quan tâm bố trí nguồn vốn như dự án hỗ trợ y tế Bắc Trung Bộ cấp 3 hệ thống phẫu thuật cho 3 bệnh viện huyện Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, đào tạo cán bộ để chuyển giao kỹ thuật; Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc mua sắm thêm các trang thiết bị kỹ thuật cao từ nguồn xã hội hóa.

Song song với việc nâng cao chất lượng KCB, công tác y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh thường xuyên được thực hiện. Nhờ đó, tình hình dịch bệnh cơ bản ổn định, không có dịch lớn xảy ra, các dịch bệnh nguy hiểm, dịch sốt rét, sốt xuất huyết được giám sát chặt chẽ. Công tác xây dựng xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế được quan tâm đầu tư đúng mức; năm 2015 có 65,4% số xã và đến nay có 81,65% số xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế.

Bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, những khó khăn trong việc phát triển các kỹ thuật y tế cao cũng như số lượng, trình độ của đội ngũ bác sĩ… là nguyên nhân dẫn đến chất lượng KCB vẫn còn hạn chế. Tại các trạm y tế xã, hiện mới chỉ có trên 80% số xã có bác sĩ công tác, kể cả diện tăng cường. Bên cạnh đó, tuy được quan tâm đầu tư đồng bộ, song tình trạng thiếu trang thiết bị công nghệ cao vẫn còn phổ biến tại một số bệnh viện và trung tâm y tế; tại phòng khám đa khoa khu vực và các trạm y tế xã còn thiếu trang thiết bị thiết yếu.

Thực hiện Đề án phát triển KT-XH miền Tây tỉnh Nghệ An đến năm 2020, ngành Y tế phấn đấu đến năm 2020, các bệnh viện và trung tâm y tế có đủ bác sĩ các chuyên khoa, 90% số xã có bác sĩ công tác, bổ sung 238 bác sĩ; hoàn thiện các kỹ thuật mổ nội soi cơ bản. Cùng với đó, đẩy mạnh xã hội hóa y tế; đào tạo nhân lực gắn với phát triển chuyên môn kỹ thuật, tăng cường tiếp nhận và chuyển giao kỹ thuật. Ngành cũng sẽ tập trung xây mới 30 trạm y tế, nâng cấp cải tạo 25 trạm y tế xã; đến năm 2020, 100% trạm y tế xã có quầy thuốc, 2 quầy thuốc/10.000 dân; kiểm tra rà soát, bố trí các quầy thuốc hợp lý trên địa bàn, đảm bảo đủ thuốc phòng, chữa bệnh...

Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành Y tế Nghệ An đề xuất Chính phủ có cơ chế chính sách phù hợp đối với cán bộ y tế, đặc biệt là cán bộ về công tác ở vùng sâu, vùng xa miền Tây; cho cán bộ y tế được hưởng phụ cấp thâm niên như các ngành khác. Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng đề xuất UBND tỉnh ưu tiên cấp kinh phí theo nội dung kinh phí đã phê duyệt trong Đề án để đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng và mua sắm trang thiết bị nhằm đáp ứng, nâng cao chất lượng KCB; hướng tới mục tiêu đầu tư phát triển mạng lưới y tế miền Tây từng bước hoàn thiện, theo hướng vừa phổ cập vừa chuyên sâu, giải quyết tại chỗ các trường hợp bệnh tật, phòng chống dịch bệnh và thảm họa, thiên tai có hiệu quả.

Thùy Dương

Các tin khác