Kinh tế xã hội
Thêm nhiều bất cập, tồn tại ở xã nông nghiệp có 3 hợp tác xã
(Congannghean.vn)-Báo Công an Nghệ An số ra ngày 16/7/2018 có bài viết “Nghịch lý 1 xã có 3 hợp tác xã nông nghiệp” phản ánh nội dung: Tại xã Quỳnh Thạch, huyện Quỳnh Lưu hiện nay đang tồn tại 3 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp, gồm HTX Lam Cầu, HTX Quỳnh Viên và HTX Quyết Thắng, với những bộ máy cồng kềnh, tạo nên những khoản thu bất hợp lý.
Hợp tác xã Lam Cầu, nơi có nhiều sai phạm liên quan đến thu, chi dẫn đến đơn thư |
Sau khi báo phát hành, ngày 10/8, Huyện ủy Quỳnh Lưu đã có Báo cáo số 482 “xử lý vụ việc báo nêu”. Theo nội dung công văn này, Huyện ủy Quỳnh Lưu cho rằng, nội dung bài báo là chưa chính xác, cụ thể: 3 HTX hoạt động cung cấp các dịch vụ như giống, vật tư nông nghiệp, thủy lợi nội đồng, bảo vệ thực vật, dịch vụ gặt lúa, dịch vụ làm đất… Thực hiện việc chuyển đổi hình thức hoạt động theo Luật HTX năm 2012, tháng 9/2016, các HTX trên địa bàn đã hoàn thành tổ chức đại hội để chuyển đổi mô hình hoạt động của HTX kiểu mới. Trong đó, HTX Lam Cầu có 279 thành viên, HTX Quyết Thắng có 850 thành viên và HTX Quỳnh Viên có 420 thành viên. Các HTX này đều có Hội đồng quản trị (HĐQT) 3 người và Ban kiểm soát 2 người. Trên cơ sở này, Huyện ủy Quỳnh Lưu cho rằng, Báo Công an Nghệ An nêu bộ máy HTX tại Quỳnh Thạch cồng kềnh, tạo ra nhiều khoản thu bất hợp lý là không có cơ sở.
Tuy nhiên, từ nguồn tài liệu mà phóng viên thu thập được, có thể khẳng định nội dung “xử lý vụ việc báo nêu” tại Công văn 482 của Huyện ủy Quỳnh Lưu là không đúng với thực tế của các HTX trên địa bàn xã Quỳnh Thạch. Trong đó, tại kế hoạch dự thảo chuẩn bị đại hội, hội nghị các HTX của UBND xã Quỳnh Thạch cho thấy, tính đến tháng 3/2018, HTX Lam Cầu đầu kỳ có 168 thành viên, hiện tại còn 170 thành viên, HTX Quyết Thắng có 850 thành viên và HTX Quỳnh Viên có 350 thành viên.
Theo đánh giá của UBND xã Quỳnh Thạch, các HTX này đang còn nhiều tồn tại, trong đó nêu rõ: Các HTX từ sau đại hội đến nay chưa chuyển biến mạnh, chưa thay đổi, chưa đổi mới và thực hiện chưa hết chức năng, nhiệm vụ theo đại hội cũng như theo Luật HTX năm 2012. Hiện nay, các HTX chủ yếu chỉ mới được 1 chức năng dịch vụ nông nghiệp (nhưng chưa hoàn chỉnh), chức năng hoạt động kinh doanh và hoạt động tín dụng nội bộ không rõ nét, không hiệu quả. Các HTX thực hiện sai luật khi thu tổng thể diện tích đất đối với các hộ không phải là thành viên nhưng chưa có các hợp đồng dịch vụ, đơn giá trên đầu sào còn quá cao. Các HTX này cũng chưa tổ chức đại hội, hội nghị hằng năm theo quy chế và Luật HTX năm 2012; chưa hoạt động được theo cơ chế mở thị trường, chưa liên doanh, liên kết trong bao tiêu sản phẩm, sản xuất các mô hình các sản phẩm nông nghiệp có giá trị kinh tế cao vào trong từng HTX.
Ngoài ra, tồn tại ở các HTX trên địa bàn Quỳnh Thạch là công tác chi trả phụ cấp, thù lao cho bộ máy của các HTX đang thực hiện lấy kinh phí trên đầu sào do thành viên đóng góp để chi trả cho cán bộ nên giảm phần kinh phí để đầu tư tái sản xuất, chưa thực hiện hoạt động phân định nguồn chi trả là nguồn hạch toán kinh doanh, dịch vụ, hoạt động tín dụng và phần đóng góp của thành viên để trích trả lương cho cán bộ. Trong đó, chỉ tính riêng trong 2 năm gần đây, số tiền phải chi trả cho cán bộ tại HTX Lam Cầu là 337 triệu đồng, tại HTX Quyết Thắng là xấp xỉ 610 triệu đồng (trong tổng số hơn 2,1 tỉ đồng thu được) và tại HTX Quỳnh Viên số tiền chi trả cho cán bộ là 162,9 triệu đồng (trong khi số tiền chi cho tích lũy sản xuất chỉ 80,25 triệu đồng).
Cũng tại các HTX ở Quỳnh Thạch, đến nay việc thu các khâu phục vụ trong nông nghiệp trên địa bàn chưa đồng nhất và số lượng thu còn quá cao (30 kg/sào) so với các HTX nông nghiệp ở các xã khác trên cụm vùng Nông Giang, tạo nên gánh nặng trong sản xuất nông nghiệp của nhân dân.
Một trong những “khoản thu bất hợp lý” tại các HTX trên địa bàn xã Quỳnh Thạch là hiện nay, mặc dù Nhà nước miễn thủy lợi phí hoàn toàn cho bà con nông dân nhưng các HTX vẫn thu trên đơn giá 7 kg/sào để làm “thủy lợi nội đồng”. Trong khi đó, số tiền thủy lợi phí được Nhà nước hỗ trợ, HĐQT lại sử dụng vào việc khác. Thậm chí, còn trích trong đơn giá ra đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế 100% cho bộ máy cán bộ của HTX. Ngoài ra, các hộ dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang trang trại hoặc ao hồ vẫn bị thu khống theo đơn giá.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Đình Tý trú tại xóm 13, xã Quỳnh Thạch có đơn kiện khiến HTX Lam Cầu đã phải trả lại 700 kg thóc và 500.000 đồng. Theo phản ánh, còn rất nhiều trường hợp bị “lạm thu” tương tự nhưng chưa được cơ quan chức năng xem xét để đảm bảo công bằng cho người dân.
Hồ sơ và đơn thư của công dân “tố” các hợp tác xã tại xã Quỳnh Thạch |
Huyện ủy Quỳnh Lưu cho rằng, tháng 9/2016, các HTX trên địa bàn đã hoàn thành tổ chức đại hội để chuyển đổi mô hình hoạt động của HTX kiểu mới. Tuy nhiên, trên thực tế, các HTX ở Quỳnh Thạch đã chuyển đổi mô hình theo cách: Bê nguyên mô hình HTX cũ và đưa các xã viên cũ vào mô hình HTX mới mà không ký hợp đồng với họ chứ không phải tổ chức đại hội. Điều này đi ngược lại Luật HTX năm 2012 là “Các thành viên tự nguyện hợp lại với nhau, tự góp vốn để phát triển”, dẫn đến nghịch lý khi HTX Lam Cầu có hơn 600 thành viên nhưng chỉ có 171 người nhất trí vào HTX mới, tuy vậy toàn bộ số xã viên HTX cũ vẫn bị thu trên đầu sào như cũ. Tương tự, HTX Quỳnh Viên chỉ có 104 thành viên đồng ý góp vốn (tương đương 25,8 triệu đồng), chỉ có HTX Quyết Thắng là có 850 người tham gia góp vốn, với số tiền 225 triệu đồng.
“Bộ máy HTX hằng năm trên địa bàn Quỳnh Thạch đang phải trả lương và phụ cấp cho đội ngũ cán bộ khoảng 500 triệu đồng. Nếu giảm bộ máy còn 1 HTX thì số tiền chi trả hàng năm chỉ còn khoảng 200 triệu đồng, lúc này khoản thu sẽ trở về mức 16 - 17 kg/sào, sẽ giảm gánh nặng cho người nông dân”. ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết.
|
Theo quy định tại Điểm c, Điều 54, Luật HTX “HTX không tổ chức được đại hội thường niên trong 18 tháng liên tục mà không có lý do thì giải thể”. Các HTX tại Quỳnh Thạch, hơn 30 tháng không tiến hành đại hội, chỉ từ sau khi có bài phản ánh của Báo Công an Nghệ An và một số cơ quan ngôn luận khác, nêu lên những bất cập của các HTX này, vào cuối tháng 7 và tháng 8/2018, các HTX mới tiến hành đại hội (kỳ đại hội trước đó của HTX Lam Cầu diễn ra vào cuối năm 2015 và 2 HTX còn lại là đầu năm 2016). HTX Lam Cầu đã bị UBND xã Quỳnh Thạch kiểm tra, thu hồi số tiền 34 triệu đồng do vi phạm. Trong lúc điều lệ của HTX này quy định “sai phạm 500.000 đồng thì cách chức”. Nhưng hiện tại, HĐQT vẫn không có sự xáo trộn, thậm chí tại HTX này, HĐQT còn tự nâng lương cho mình không thông qua đại hội xã viên, tự lấy tiền của xã viên đóng góp để đi đóng 100% bảo hiểm cho những người đứng trong bộ máy HTX.
Ông Hoàng Đăng Khoa, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thạch cho biết thêm: Vừa qua, các HTX đã quá thời gian nhưng không tiến hành đại hội nên UBND xã đã quyết liệt chỉ đạo để các HTX này đại hội theo đúng quy định. Về bộ máy HTX, bản thân người đứng đầu chính quyền xã Quỳnh Thạch “thấy không ổn” khi HĐQT quy định từ 3 - 5 người, kiểm soát 1 - 2 người, ngoài ra còn kế toán, kho quỹ…, tạo nên bộ máy cồng kềnh. Trong khi đó, cả 3 HTX trên địa bàn Quỳnh Thạch kinh doanh không có lãi, các mặt dịch vụ, tín dụng chưa có hiệu quả. Theo quy định, lương tại các HTX được trích từ 20% thủy lợi phí và 20% trích từ nguồn thu của dân. Hiện tại, 3 bộ máy HTX Quỳnh Thạch chủ yếu đang hưởng lương từ tiền thu của nhân dân. Trong khi việc thu này đang quá cao, sau nhiều lần đề nghị hạch toán, đến nay các HTX đã giảm thu so với trước đây nhưng vẫn đang còn cao so với mặt bằng HTX trên toàn tỉnh. Cụ thể, HTX Lam Cầu đã giảm 5 kg, còn 27 kg/sào và HTX Quyết Thắng và Quỳnh Viên hiện thu 30 kg/sào.
Theo người đứng đầu chính quyền xã Quỳnh Thạch, quan điểm của xã và tâm nguyện của bà con nhân dân là sáp nhập các HTX này làm thành 1 HTX để giảm gánh nặng cho nhân dân, giảm bộ máy cồng kềnh nhưng việc chia tách, hợp nhất các HTX là do đại hội thành viên quyết định nên sau kỳ đại hội vừa qua, các thành viên của các HTX không đồng ý sáp nhập nên tại Quỳnh Thạch vẫn tồn tại 3 HTX, với những nghịch lý, bất cập từ trước đến nay vẫn tiếp tục tồn tại.
Thiện Thành