Kinh tế xã hội
Tái định cư thủy điện, hơn 10 năm vẫn 'khát' hạ tầng
(Congannghean.vn)-Mặc dù đã chuyển về nơi ở mới từ hơn 10 năm nay để nhường đất cho dự án thủy điện lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ, nhưng đến nay người dân khu vực tái định cư (TĐC) thủy điện bản Vẽ tại 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương vẫn khốn khổ vì thiếu đất sản xuất, thiếu hạ tầng cơ sở, cùng với đó nhiều công trình đã hư hỏng, xuống cấp.
Một góc tái định cư thủy điện Bản Vẽ tại huyện Thanh Chương |
Ngọc Lâm và Thanh Sơn là 2 xã mới được thành lập của huyện Thanh Chương, dân số chủ yếu là bà con của huyện Tương Dương TĐC về đây. Cách đây hơn 10 năm, những người dân này sinh sống trong khu vực lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đã phải chịu thiệt nhường đất đai, nhà cửa để phục vụ dự án Nhà máy Thủy điện bản Vẽ. Theo ông Lô Huy Hùng, Chủ tịch UBND xã Ngọc Lâm, toàn xã có hơn 1.400 hộ/6.100 nhân khẩu, trong đó 98% là đồng bào dân tộc thiểu số từ huyện Tương Dương chuyển đến. Sau một thời gian lập nghiệp tại nơi ở mới, do những khó khăn, bất cập tại vùng TĐC nên nhiều hộ dân đã bỏ lại nhà cửa, quay về nơi cũ để sinh sống trong khu vực lòng hồ. Chính quyền đã nhiều lần tổ chức vận động, kêu gọi những hộ dân này về lại khu TĐC nhưng không có kết quả.
Trong khi đó, tại xã Thanh Sơn, 2 bản Chà Coong 1 và Chà Coong 2 là 2 điểm TĐC, ngoài những khó khăn chung thì người dân 2 bản này vẫn đang thiếu đất sản xuất, chủ trương giao đất cho bà con đã có nhưng trên thực tế vẫn chưa được giao đất. Ông Lô Hồng Sơn, Trưởng bản Chà Coong 2 cho biết: Bản có 95 hộ, đến nay còn khoảng 35 hộ chưa được giao đất sản xuất, mới chỉ nhận đất trên giấy. Ông Nguyễn Thạc Châu, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Sơn cho biết thêm, thực tế đã cấp đất cho dân khi mới về TĐC nhưng lúc đó không ai sản xuất, xã vận động nhiều lần nhưng không ai làm. Thấy hoang phí nên một số hộ dân đã trồng keo nên hiện xã đang làm trung gian để thương lượng giữa chủ đất và những người trồng keo trên đất để có giải pháp phù hợp nhất.
Ngoài việc thiếu đất sản xuất, tại vùng TĐC thủy điện Bản Vẽ, đến nay nhiều cơ sở vật chất hạ tầng như chợ, sân vận động, nhà văn hóa, đài tưởng niệm... vẫn chưa được đầu tư xây dựng. Những nguyện vọng chính đáng này mặc dù đã được trình bày nhiều lần tại các kỳ tiếp xúc cử tri nhưng không được phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm, giải quyết. Về vấn đề này, tháng 4/2017, UBND huyện Thanh Chương cũng đã có Công văn số 792 kiến nghị Tập đoàn Điện lực, Ban quản lý Thủy điện 2 hỗ trở xây dựng cơ sở hạ tầng, vì những công trình này huyện không thể giải quyết được. Ông Lê Đình Thanh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết, nhiều lần kiến nghị nhưng đến nay, phía Điện lực vẫn chưa có câu trả lời cho dân.
Trong một nội dung khác, theo thống kê mới đây nhất của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tại khu TĐC thủy điện Bản Vẽ, huyện Thanh Chương, đến nay sau hơn 10 năm sử dụng, đã có 153 nhà ở đã xuống cấp, chủ yếu là hư hỏng phần mái. Vấn đề này, UBND tỉnh Nghệ An cũng đã có kiến nghị EVN hỗ trợ sửa chữa và được phía chủ đầu tư đồng ý xem xét bằng nguồn vốn của dự án.
Về các vấn đề xây dựng hạ tầng các hạng mục như chợ nông thôn, sân vận động, đài tưởng niệm liệt sỹ của 2 xã Thanh Sơn và Ngọc Lâm, EVN cho rằng đây là những hạng mục không có trong quy hoạch tổng thể được duyệt, nên đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Nghệ An thực hiện đầu tư. Ngoài ra, tại vùng TĐC này hiện có 3 hạng mục là cầu tràn Ngọc Lâm, cầu Khe Tròn và cầu Hai Lạch, được bàn giao và đưa vào sử dụng từ năm 2008, đến nay đã hư hỏng, EVN cũng không hỗ trợ duy tu, sửa chữa mà kiến nghị địa phương bỏ vốn ra để khắc phục.
Được biết, Dự án thủy điện Bản Vẽ khởi công xây dựng từ ngày 7/8/2004 và đưa vào vận hành từ tháng 5/2010, với công suất 320MW. Công tác đền bù, bồi thường, hỗ trợ di dân TĐC của dự án đến nay đã hoàn thành. Ngoài các phương án bồi thường đã được phê duyệt, EVN đã thực hiện các hỗ trợ ngoài quy định theo đề nghị của địa phương với giá trị 278,37 tỉ đồng.
Trước những khó khăn, vướng mắc mà người dân TĐC đang gặp phải, ngày 31/5/2017, UBND tỉnh Nghệ An đã có Công văn số 3916, đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục hỗ trợ người dân TĐC về 6 vấn đề còn vướng mắc, trong đó có các kiến nghị liên quan đến cơ sở hạ tầng, đất rừng sản xuất, sửa chữa công trình hư hỏng và hỗ trợ, bồi thường đất trên cốt ngập. Tuy nhiên, ngày 12/7/2017, EVN có Công văn 3104 gửi Văn phòng Chính phủ, kiến nghị chỉ đồng ý hỗ trợ sửa chữa 153 căn nhà đã xuống cấp, những hạng mục và đề nghị còn lại đều kiến nghị do phía UBND tỉnh Nghệ An tự bố trí kinh phí để thực hiện.
Việt Anh