Kinh tế xã hội

Phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc

08:42, 30/08/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Với phương châm vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trong thời gian qua, Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh Nghệ An đã có các hình thức giám sát trên nhiều lĩnh vực, cách thức tổ chức sáng tạo, đưa ra những kiến nghị thiết thực. Các kiến nghị phản biện xã hội của MTTQ đều được dư luận đánh giá cao, nhiều nội dung phản biện được cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu và có ý kiến phản hồi tích cực. Nhiều ý kiến phản biện xã hội được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao; trở thành 1 kênh thông tin quan trọng, cần thiết, giúp Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, quản lý, điều hành.

 Việc lựa chọn chủ đề, nội dung phù hợp trong phản biện xã hội là kênh quan trọng giúp HĐND tỉnh đưa ra nhiều nghị quyết, nội dung phù hợp
Việc lựa chọn chủ đề, nội dung phù hợp trong phản biện xã hội là kênh quan trọng giúp HĐND tỉnh đưa ra nhiều nghị quyết, nội dung phù hợp

Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, chủ trương của Tỉnh ủy và kế hoạch của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, các huyện, thành, thị ủy đều đã ban hành kế hoạch, đồng thời tổ chức hội nghị quán triệt cho đội ngũ cán bộ chủ chốt trên địa bàn; Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành, thị xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị quán triệt cho đội ngũ cán bộ MTTQ cấp xã và khối xóm. Ngoài ra, trong chương trình tập huấn công tác Mặt trận hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các địa phương đều lồng ghép việc quán triệt và tập huấn các kỹ năng về hoạt động giám sát, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, kỹ năng phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền cho cán bộ tham gia tập huấn.

Hàng năm, trên cơ sở các quy định của Bộ Chính trị và các văn bản hướng dẫn của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh và các huyện, thành, thị đã chủ động lựa chọn các nội dung giám sát, phản biện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và điều kiện của MTTQ để xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát, kế hoạch phản biện; xây dựng kế hoạch, tổ chức góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo quy định. Định kỳ, cuối năm đều tổ chức tiến hành sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm.

Về nguyên tắc thực hiện việc giám sát, phản biện xã hội phải đảm bảo dân chủ, công khai, khách quan, đúng các quy định của pháp luật, điều lệ của MTTQ Việt Nam, không làm ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị và cá nhân được giám sát. Đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp và thống nhất hành động của các tổ chức thành viên trong MTTQ Việt Nam, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước có liên quan. Việc tổ chức thực hiện cần được triển khai đồng bộ, thống nhất, phù hợp với năng lực tổ chức thực hiện của Ủy ban MTTQ Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức thành viên khác của Mặt trận.

Theo đó, riêng trong năm 2017, MTTQ các cấp đã tập trung giám sát, phản biện nhiều nội dung lớn, liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân: Công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh; công tác tiếp dân, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố giác trên địa bàn tỉnh; việc thực hiện chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định 1956 ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ; chương trình giám sát thực hiện hiện Quyết định 102 ngày 7/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân tộc thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn; phản biện dự thảo một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh; phản biện dự thảo đề án khai thác du lịch dịch vụ Vườn quốc gia Pù Mát giai đoạn 2016 - 2020; phản biện dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 của tỉnh Nghệ An; phản biện dự thảo đề án chuyển đổi Phòng Giáo dục môi trường - dịch vụ sinh thái và dịch vụ thành Trung tâm Giáo dục môi trường và dịch vụ môi trường rừng…

Nội dung phản biện về công tác đảm bảo ATVSTP của MTTQ tỉnh được đánh giá cao, nâng cao ý thức của các cấp, ngành và nhân dân (Trong ảnh: Quản lý thị trường Nghệ An kiểm tra số thực phẩm vi phạm bị phát hiện, thu giữ)
Nội dung phản biện về công tác đảm bảo ATVSTP của MTTQ tỉnh được đánh giá cao, nâng cao ý thức của các cấp, ngành và nhân dân (Trong ảnh: Quản lý thị trường Nghệ An kiểm tra số thực phẩm vi phạm bị phát hiện, thu giữ)

Thực hiện quy chế của Bộ Chính trị, định kỳ quý 4 hàng năm, Ban Thường trực tỉnh đều có văn bản đề nghị với Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh thông báo cho MTTQ tỉnh các nội dung cần phản biện của MTTQ tỉnh trong năm tới. Trên cơ sở đề nghị của các ngành, Ban Thường trực đã thống nhất lựa chọn các nội dung trọng tâm của tỉnh. Vì công tác phản biện xã hội là vấn đề mới, do đó, hàng năm Ban Thường trực chỉ lựa chọn một số vấn đề phản biện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và khả năng của MTTQ tỉnh.

Kết quả trong nhiều năm qua, Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức phản biện một số dự thảo luật quan trọng, như: Dự thảo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; dự thảo Nghị quyết liên tịch về việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND; dự thảo Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội; dự thảo Đề án về Quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề trên địa bàn tỉnh; dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí, chính sách miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh Nghệ An… Bên cạnh đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh còn tham gia phản biện, góp ý bằng văn bản cho nhiều dự thảo luật và nhiều dự thảo văn bản của UBND tỉnh.

Nhìn chung, ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã được các cơ quan soạn thảo tiếp thu, đánh giá cao. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ công tác phản biện được MTTQ Việt Nam chú trọng như hoạt động của các Hội đồng tư vấn, mở rộng các hình thức tập hợp ý kiến nhân dân trong góp ý xây dựng chính sách, pháp luật.

Ở địa phương, hàng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, thị xã cũng đã ban hành văn bản đề nghị với cấp ủy, chính quyền thông báo cho MTTQ các nội dung cần phản biện. Nội dung phản biện xã hội của các địa phương là dự thảo chủ trương, chính sách, kế hoạch, đề án, dự án và các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND ban hành; các dự thảo, báo cáo đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương tại các kỳ họp HĐND. Nhiều địa phương, đã xây dựng kế hoạch, tổ chức hội nghị góp ý phản biện. Các ý kiến góp ý, phản biện của Mặt trận đã góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các quyết sách trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Thành, Trưởng ban Dân chủ pháp luật, MTTQ tỉnh, để nâng cao chất lượng giám sát và phản biện xã hội, cần phải nâng cao hơn nữa nhận thức của cấp ủy Đảng, MTTQ và các tổ chức đoàn thể về nhiệm vụ này. Đồng thời, hàng năm, giữa HĐND và UBND, MTTQ tỉnh cần có sự phối hợp, trao đổi, thống nhất để lựa chọn đề tài phản biện phù hợp, sát thực đời sống nhân dân. Trong khi đó, việc hoàn thiện cơ chế, nhất là cụ thể hóa nội dung phản biện các nội dung của Đảng, từ đó mới tạo sự đồng nhất, hiệu quả cao hơn cho MTTQ trong thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội.

Tuệ Trang

Các tin khác