Kinh tế xã hội

Thực hiện tự chủ tài chính tại bệnh viện

Tháo gỡ vướng mắc để phát huy hiệu quả

08:46, 25/08/2018 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

(Congannghean.vn)-Để phù hợp với xu thế tất yếu của ngành Y tế, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh (KCB), việc tự chủ về tài chính là một hướng đi thích hợp. Sự cạnh tranh giữa các bệnh viện tạo cơ hội để người bệnh được tiếp cận với dịch vụ, điều kiện KCB tốt nhất, hiện đại nhất. Là một lĩnh lĩnh vực có tính đặc thù, quá trình triển khai việc thực hiện tự chủ về tài chính của ngành Y tế cũng đã bộc lộ một số khó khăn cần tháo gỡ.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là mục tiêu cao nhất của cơ chế tự chủ về tài chính tại bệnh viện
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh là mục tiêu cao nhất của cơ chế tự chủ về tài chính tại bệnh viện

Hiện nay, ngành Y tế Nghệ An có 29 bệnh viện (12 bệnh viện tuyến tỉnh, 7 bệnh viện tuyến huyện, 10 bệnh viện tư nhân); 16 trung tâm có giường bệnh (4 trung tâm tuyến tỉnh, 12 trung tâm tuyến huyện). Tổng số giường bệnh là 8.532 (trong đó 7.275 giường công lập, 1.127 giường tư nhân). Ngoài ra còn có 4 bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn cũng tham gia KCB cho nhân dân (Bệnh viện Công an tỉnh; Bệnh viện Quân Y 4; Bệnh viện Giao thông 4; Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập).

Theo báo cáo, đầu năm 2017 có 82 đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Tháng 4/2017, hợp nhất 10 trung tâm y tế và 10 bệnh viện đa khoa hạng III tuyến huyện thành trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện 2 chức năng phòng bệnh và KCB. Sau khi hợp nhất có 72 đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Tại tuyến tỉnh, có 15 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo chi thường xuyên thuộc nhóm II, có 10 đơn vị sự nghiệp tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc nhóm III, 26 đơn vị sự nghiệp do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thuộc nhóm IV. Cùng với ngành Y tế ở các địa phương khác, Nghệ An cũng đang tập trung thực hiện theo Nghị định 43 về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Những thay đổi rõ rệt

Trước hết, cần phải khẳng định rằng, tự chủ tài chính là chủ trương đúng đắn, giúp các bệnh viện có thể huy động vốn mua sắm trang thiết bị hiện đại, phát triển chuyên môn, kỹ thuật, nâng cao chất lượng KCB. Mục tiêu cuối cùng là vừa đảm bảo hoạt động của bệnh viện, vừa đảm bảo quyền lợi cho người bệnh nói chung và người tham gia bảo hiểm y tế nói riêng.

Tự chủ tài chính có nghĩa là tự chủ về thu - chi. Theo đó, các bệnh viện muốn có nguồn thu phải thu hút được người bệnh, muốn thu hút phải thay đổi thái độ phục vụ bệnh nhân, nâng chất lượng KCB, đây là yêu cầu cấp thiết của bệnh viện và ngành Y tế. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp y tế được cơ quan có thẩm quyền quyết định phân loại và giao thực hiện cơ chế tự chủ theo các nhóm sau đây: Đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên; đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên; đơn vị do ngân sách Nhà nước đảm bảo chi thường xuyên.

Theo cơ chế thực hiện tự chủ về tài chính tại các bệnh viện, có thể hiểu nôm na, việc thực hiện tự chủ tài chính trong ngành y tế cũng từng bước biến hoạt động của mỗi bệnh viện vận hành như một doanh nghiệp, tự thu, tự chi và tự cân đối. Như vậy, sẽ không còn tình trạng "cha chung không ai khóc", bởi nguồn tài chính giờ đã được hạch toán sát sườn đến từng cán bộ, nhân viên trong mỗi cơ sở y tế.

Các đơn vị đã xây dựng được quy chế chi tiêu nội bộ phù hợp, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả các nguồn tài chính để có chênh lệch thu chi, chi trả thu nhập tăng thêm, trích lập các quỹ để đầu tư cơ sở, mua sắm trang thiết bị để mở rộng và phát triển đơn vị. Trong khi đó, từng bệnh nhân lại được hưởng các chế độ KCB ưu việt bằng những kỹ thuật cao ngay tại địa phương, giảm được một phần lớn về kinh tế khi phải lên tuyến trên điều trị.

Với mục tiêu thực hiện tự chủ về tài chính, ngay từ đầu tháng 1/2017, ngành Y tế đã chỉ đạo 8 đơn vị trên xây dựng phương án tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính. Các bệnh viện hoạt động theo loại hình “Đơn vị có nguồn thu sự nghiệp tự đảm bảo được toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên". Năm 2018, Sở Y tế cũng đã trình UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt cho 8 đơn vị tiếp tục tự chủ hoàn toàn về kinh phí giai đoạn 2018 - 2020.

Thực hiện tự chủ về tài chính, những năm qua, các bệnh viện đã quyết liệt thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và “Nâng cao chất lượng KCB” bằng nhiều giải pháp. Trong đó, không ngừng nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ, tuyên truyền, giáo dục cán bộ y tế thực hiện nghiêm Quy tắc ứng xử của cán bộ y tế; đổi mới quy trình tiếp đón, hướng dẫn người bệnh; thành lập tổ, phòng công tác xã hội trong các bệnh viện nhằm kịp thời giải quyết vướng mắc cho người bệnh trong quá trình khám, điều trị. Các “đường dây nóng” phản ánh của bệnh nhân được nối thẳng đến các cấp có thẩm quyền. Việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến cũng được các bệnh viện quan tâm, tạo cơ sở để ứng dụng tiến bộ trong KCB. Điều này đã tạo sự thay đổi rõ nét tại nhiều cơ sở y tế, được đa số bệnh nhân đánh giá cao.

Kịp thời tháo gỡ vướng mắc

Tuy nhiên, là một lĩnh vực có tính đặc thù riêng, vì thế, thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính trong lĩnh vực y tế cũng sẽ có những rào cản nhất định trong quá trình triển khai. Bởi, trên thực tế, nếu bệnh viện là một doanh nghiệp thì đây sẽ là doanh nghiệp đặc biệt, trong đó, chất lượng, sự tận tâm là yếu tố quan trọng nhất. Hiện nay, việc tự chủ phải được thực hiện từng bước theo lộ trình phù hợp với từng vùng, từng địa phương, từ tự chủ một phần sau đó mới đến tự chủ hoàn toàn.

Quá trình triển khai tại các bệnh viện cũng đã bộc lộ một số khó khăn cần tháo gỡ như: Hiện chưa có hướng dẫn cụ thể trong việc hoạt động tự chủ về bộ máy, về nhân sự, tổ chức cũng như tự chủ chuyên môn tại các cơ sở KCB. Các quy định về xây dựng, thẩm định, phê duyệt đề án vị trí việc làm, quyết định số lượng người làm việc, tuyển dụng còn chưa phù hợp, nhất là đối với các đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên, tự đảm bảo chi thường xuyên và đầu tư. Chính sách về bảo hiểm y tế vẫn chưa đồng bộ.

Trong khi đó, hiện vẫn chưa thể chi cho các dịch vụ y tế dự phòng, khám, sàng lọc để hạn chế mắc bệnh, phát hiện sớm để giảm chi phí điều trị. Mặc dù chính sách thông tuyến được đánh giá có nhiều thuận lợi cho người dân trong ngắn hạn nhưng về lâu dài sẽ gây tâm lý, thói quen vượt tuyến của người dân, dẫn đến coi trọng điều trị ở tuyến trên, không coi trọng chăm sóc sức khỏe ban đầu. Việc KCB theo yêu cầu, tự nguyện của các bệnh nhân vẫn chưa được bổ sung hợp lý.

Vấn đề tài chính vẫn đang là băn khoăn của nhiều bệnh viện. Hiện vẫn chưa có sự đồng bộ trong hệ thống chính sách về xã hội hóa, thuế và giá dịch vụ trong y tế để xác định hành lang pháp lý rõ ràng cho cơ sở y tế hoạt động tự chủ. Vì thế, cần sớm đẩy nhanh lộ trình và sớm hoàn thành việc tính đúng, tính đủ chi phí trong giá dịch vụ y tế (bao gồm cả gói dịch vụ y tế dự phòng, y tế công cộng). Việc xã hội hóa, vấn đề liên doanh, liên kết trang thiết bị y tế, hợp tác đầu tư theo Nghị quyết 93/NQ-CP của Chính phủ về một số cơ chế, chính sách phát triển y tế, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) còn một số tồn tại bất cập.

Cũng như giáo dục, y tế là lĩnh vực đặc thù. Đã là đặc thù, nhất định sẽ có những khó khăn, vướng mắc hơn so với các đơn vị khác trong quá trình triển khai tự chủ về tài chính. Tuy nhiên, cần khẳng định, tự chủ về tài chính là hướng đi đúng đắn; trong lộ trình thực hiện, các ngành cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở, kịp thời tham mưu để tạo thuận lợi. Mục tiêu quan trọng nhất vẫn là nâng cao chất lượng KCB, đảm bảo sự thuận lợi, bình đẳng cho chính người dân, mở rộng, tăng diện bao phủ bảo hiểm y tế.

Tuệ Trang (tổng hợp)

Các tin khác